.

Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI: Đại biểu thảo luận tại hội trường

Thứ Tư, 11/12/2013, 10:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Như tin chúng tôi đã đưa, ngày 10-12, HĐND tỉnh tiến hành ngày làm việc thứ hai, các đại biểu thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; phương hướng nhiệm vụ và một số giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, hoạt động của Thường trực và các ban của HĐND tỉnh năm 2013 và nhiều vấn đề quan trọng khác...

>> Ngày làm việc đầu tiên kỳ họp lần thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI: Nghe báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2013...

Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI.
Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVI.

Trong ngày làm việc thứ hai của kỳ họp HĐND tỉnh này có 23 ý kiến của đại biểu phát biểu tham gia vào nội dung các báo cáo của UBND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; phương hướng nhiệm vụ và một số giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, báo cáo của các cơ quan tư pháp...

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều thống nhất với đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và những giải pháp mà báo cáo của UBND tỉnh tình bày. HĐND tỉnh cho rằng triển khai kế hoạch năm 2013 trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống như: mặc dù, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, lãi suất tín dụng giảm nhưng nền kinh tế vẫn phục hồi chậm, thị trường thu hẹp, sức mua giảm, tăng trưởng tín dụng thấp... làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, trong tháng 10, tỉnh ta liên tiếp gánh chịu cơn bão số 10 và hoàn lưu cơn bão số 11 kèm theo lốc xoáy đã gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 và trong nhiều năm tiếp theo. Nhưng nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 vẫn duy trì sự ổn định.

Kinh tế tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng khá, sản xuất nông nghiệp cơ bản được mùa, sản lượng lương thực đạt kế hoạch đề ra; sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ; lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng cao; công tác quản lý đầu tư và xây dựng có nhiều tiến bộ; thu ngân sách trên địa bàn hoàn thành dự toán. Chỉ đạo tốt công tác phòng chống lụt bão và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do cơn bão số 10 và hoàn lưu cơn bão số 11 gây ra. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có những chuyển biến tích cực; công tác an sinh xã hội được chú trọng; cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 và hoàn lưu bão số 11, nhiều diện tích cây công nghiệp dài ngày, cây lâm nghiệp, hoa màu, thủy sản, trâu bò, gia cầm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 6.762,3 tỷ đồng, tăng 3,2% không đạt kế hoạch đề ra.

Đặc biệt là, khó khăn trong công tác khắc phục thiệt hại về cây cao su do bão, lũ gây ra. Đại biểu đề nghị tỉnh cần tổ chức hội thảo để đề ra giải pháp mang tính bền vững cho cây cao su và ban hành các chính sách khuyến khích để nông dân phát triển cây cao su nói riêng và các loại cây trồng khác trên đồng đất Quảng Bình. Về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu đề nghị cần tập trung chỉ đạo và có các giải pháp cụ thể mới đạt được chỉ tiêu đề ra.

Một số ý kiến đề cập giải pháp căn cơ trong năm 2014, để khắc phục hậu quả do cơn bão số 10 và hoàn lưu của cơn bão số 11 gây ra trong năm 2013. Theo đại biểu để sớm khắc phục thiệt hại này thì các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần phải rà soát một cách cụ thể để từ đó huy động mọi nguồn lực, đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án để giúp nhân dân và các doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới còn chậm so với kế hoạch, một số địa phương chỉ đạo thiết quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý hồ sơ đất lâm nghiệp ở một số đơn vị chưa chặt chẽ. Công tác tham mưu, chỉ đạo phát triển ngành nghề nông thôn còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức.

Trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại, một số ý kiến cho rằng: năm 2013, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trước tình hình đó, tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện phát huy công suất của các nhà máy hiện có. Vì vậy mà trong năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,5% đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Công tác quản lý đầu tư và xây dựng đã dần đi vào nề nếp. Các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ thị: số 1792/CT-TTg, số 14/CT-TTg ngày 28-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Tập trung bố trí vốn cho các công trình hoàn thành, chuyển tiếp, đối ứng dự án ODA, hạn chế tối đa bố trí vốn khởi công mới. Các dự án khởi công mới được bố trí bảo đảm theo tỷ lệ quy định; đồng thời, quản lý chặt chẽ quy mô, tổng mức đầu tư của dự án. Đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm; tập trung chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là dự án mở rộng quốc lộ 1A, dự án hệ thống tín hiệu cất hạ cánh tự động, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch...

Tuy nhiên nổi lên là, việc triển khai thực hiện thủ tục của một số dự án chậm, một số dự án không giải ngân được, bị Trung ương thu hồi vốn. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở một số công trình, dự án còn gặp khó khăn. Năng lực tư vấn yếu, thiết kế để xảy ra sai sót dẫn đến một số dự án phải điều chỉnh nhiều lần. Một số chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao, năng lực yếu. Công tác giám sát, đánh giá đầu tư chưa được các chủ đầu tư quan tâm thực hiện, thực hiện chưa đúng theo quy định. Qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, một số chủ đầu tư để xảy ra nhiều sai phạm.

Nguồn thu ngân sách trên địa bàn còn chưa vững chắc, nợ đọng thuế còn cao, 9/13 khoản thu không đạt kế hoạch, nhất là thu tiền cấp quyền sử dụng đất chỉ đạt 59,23% dự toán làm ảnh hưởng đến vốn đầu tư phát triển. Dù lãi suất có giảm, nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, chủ yếu là do các doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện, quy định vay vốn.

Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước tiếp tục được tăng cường. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng. Tuy vậy, công tác lập quy hoạch sử dụng đất cấp xã ở một số địa phương còn chậm. Hoạt động quản lý và phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản ở một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc. Tình trạng khai thác cát sạn trái phép trên lòng sông còn diễn ra ở một số địa phương.

Công tác giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo, công tác đào tạo nghề được chú trọng. Nhiều đại biểu đề cập đến phát triển nguồn nhân lực, công tác đào tạo nghề cho lao động gắn với thực hiện các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Về giải quyết đề xuất, kiến nghị của cử tri và nhân dân, các đại biểu mong muốn HĐND tỉnh tiếp tục chỉ đạo giải quyết một cách rõ ràng, dứt điểm. Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị tỉnh cần xem xét và giải quyết về thu phí tại Trạm thu phí Quán Hàu cho hợp lý, qua đó giải quyết đề xuất của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp trước và bức xúc của nhân dân.

Có ý kiến đề nghị tỉnh quan tâm phát triển du lịch tâm linh. Hiện nay Giáo hội Phật giáo Quảng Bình đang khẩn trương xây dựng chùa Đại Giác để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các tăng ni phật tử.

Một số đại biểu phát biểu về tình hình an ninh trật tự trong năm 2013. Nổi lên là, các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhưng nhờ lực lượng công an đã triển khai nhiều biện pháp, nắm chắc tình hình cùng với lực lượng vũ trang giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Các ý kiến đi sâu phân tích nguyên nhân dẫn đến các loại hình tội phạm gia tăng và đề xuất các giải pháp như: tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục; các ngành chức năng cần triệt phá các ổ nhóm tội phạm nhằm hạn chế sự gia tăng của tội phạm; bên cạnh đó, nhân dân cần tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, nhiều đại biểu nhận định, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2014 có tính khả thi cao. Một số ý kiến phân tích chỉ ra những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Để đạt sản lượng lương thực trong năm 2014 là 27,5 vạn tấn, thì tỉnh cần phải có chính sách để khuyến khích nhân dân sản xuất lúa 2 vụ, hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang. Đại biểu cũng đề xuất các giải pháp để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; thu ngân sách.

Cần tập trung đẩy mạnh việc giải quyết việc làm, đặc biệt cho lao động nông thôn; xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số...

Ngày mai đại biểu sẽ chất vấn giám đốc sở, ban, ngành tại hội trường.

Tr.T