.

Tuyên Hóa: Nỗ lực phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ

Thứ Năm, 20/07/2017, 08:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em luôn được các cấp, các ngành huyện Tuyên Hóa quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ SDD dưới 5 tuổi vẫn còn ở mức cao, việc giảm tỷ lệ này đang là bài toán khó cho huyện miền núi Tuyên Hóa.

Những năm gần đây cuộc sống của người dân huyện Tuyên Hóa đã có nhiều thay đổi, kinh tế phát triển, người dân đã nhận thức được nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của con trẻ. Để giảm thiểu tỷ lệ trẻ em SDD, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa và các trạm y tế xã đã tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức dinh dưỡng cho người dân với nhiều hình thức, như: qua loa truyền thanh, tư vấn tại nhà, lồng ghép các buổi họp thôn, bản...

Tuy nhiên, với địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, ở một số xã vùng sâu, vùng xa, nhận thức của người dân về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ không đồng đều nên tỷ lệ trẻ SDD ở huyện Tuyên Hóa vẫn còn cao. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, trẻ em dưới 5 tuổi của huyện Tuyên Hóa là 7.754 trẻ, trong đó, số trẻ SDD cân nặng là 1.339 cháu, chiếm tỷ lệ 17,4%, trẻ SDD chiều cao là 1.868 trẻ, chiếm tỷ lệ 24,3%.

Lâm Hóa là địa phương có tỷ lệ trẻ SDD cao nhất của huyện Tuyên Hóa. Hiện nay, địa phương có 178 trẻ dưới 5 tuổi thì có đến 50 cháu bị SDD chiều cao, chiếm tỷ lệ 28% và 41 cháu bị SDD cân nặng, chiếm tỷ lệ 23%. Lâm Hóa là xã miền núi, rẻo cao, không có chợ, nên nguồn thức ăn của người dân chủ yếu là tự cung, tự cấp hoặc mua từ những người bán hàng rong với giá cả đắt đỏ. Mặt khác, do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên những đứa trẻ nơi đây thường thiếu chất dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày. Khi hỏi các bà mẹ về vấn đề ăn uống đủ dinh dưỡng cho con thì đều nhận được câu trả lời chung là: “nó thích ăn gì thì cho nó ăn”, “bố mẹ ăn cái gì thì chúng ăn cái đó”...

Trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm tỷ lệ cao ở huyện Tuyên Hóa.
Trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm tỷ lệ cao ở huyện Tuyên Hóa.

Ngay với thị trấn Đồng Lê là địa phương được cho là có điều kiện kinh tế hơn cả, tỷ lệ trẻ SDD cũng không mấy cải thiện. Địa phương có 689 trẻ dưới 5 tuổi, trong đó, trẻ em SDD cân nặng có 125 cháu, chiếm tỷ lệ 18,2%, có 179 cháu SDD chiều cao, chiếm tỷ lệ 26,7%. Ngoài ra, nhiều địa phương khác có tỷ lệ SDD cao, như: xã Thanh Hóa có 16,2% trẻ SDD cân nặng và 18,4% SDD chiều cao, Thanh Thạch có 17,4% trẻ SDD cân nặng và 24,4% trẻ em SDD chiều cao...

Không chỉ vì điều kiện kinh tế gia đình, mà nhiều phong tục, tập quán sinh hoạt thiếu khoa học từ xa xưa vẫn còn tồn tại ở các bà mẹ nuôi con nhỏ, đó là: cho trẻ ăn dặm sớm, ăn không đúng cách, mẹ nhai dặm cho con, có cho ăn rau củ quả nhưng không nhiều và không đều, các bậc cha mẹ thường cho trẻ ăn các thức ăn được chế biến chung cho cả gia đình, vì thế bữa ăn của trẻ không có đủ các nhóm thực phẩm bao gồm tinh bột, chất đạm, chất béo và các loại rau xanh giàu vitamin....

Chị Phạm Thị Lý, thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa có 4 đứa con nhưng các cháu đều nhỏ con hơn so với bạn bè cùng lứa tuổi, khi được hỏi về vấn đề ăn uống của các cháu, chị cho biết: “Khi con còn nhỏ thì cho bú là chủ yếu, khi chúng biết ăn thì cho ăn dặm nước cơm, khoảng 1 tuổi thì cả nhà ăn gì thì cho con ăn nấy, thường cho ăn cơm canh trộn. Hoàn cảnh gia đình chúng tôi còn khó khăn, cả ngày phải đi làm đồng, không có thời gian để nấu cháo cho chúng ăn hàng ngày”.

Bà Cao Thị Phùng, chuyên trách dinh dưỡng Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa cho biết, để giảm tỷ lệ trẻ SDD trên địa bàn, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án để tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên dinh dưỡng tại thôn, bản; cử cán bộ về các địa phương để tuyên truyền, tư vấn kiến thức dinh dưỡng cho người dân, hướng dẫn các mẹ thực hiện cách nấu ăn cho trẻ SDD, cách lấy nguyên liệu tại chỗ từ vườn, ao, chuồng để cải thiện bữa ăn cho trẻ. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện tư vấn truyền thông về dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai tránh SDD từ trong bụng mẹ; phối hợp với các trường mầm non nhằm nâng cao bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ ở trường, thực hiện tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ, phòng, chống các bệnh theo mùa, hạn chế tình trạng trẻ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa...   

Tuy vậy, nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa còn nghèo nên dù được tuyên truyền, hướng dẫn về chăm sóc dinh dưỡng thì cũng không có điều kiện để thực hiện, đặc biệt là các bản làng có người Mã Liềng sinh sống, như: ở bản Kè, bản Chuối, bản Cáo, bản Cà Xen... Những năm gần đây, kinh phí để thực hiện công tác phòng, chống SDD cho trẻ hạn hẹp nên việc thực hiện bữa ăn mẫu tại các địa phương không được thực hành thường xuyên mà chỉ thông qua tư vấn, tuyên truyền là chủ yếu. Vì thế, kiến thức dinh dưỡng cho trẻ đến với các bà mẹ còn mơ hồ, chưa chắc chắn...

Để bảo đảm công tác phòng chống SDD ở trẻ dưới 5 tuổi đạt kết quả tốt, Tuyên Hóa rất cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của các ban, ngành, địa phương nhằm góp phần giúp trẻ em trên địa bàn được nâng cao về thể chất cũng như trí lực.

Thanh Hoa