.

Đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển

Thứ Bảy, 08/07/2017, 10:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm đánh giá kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi (TTCĐHV) về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cũng như đề ra mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động TTCĐHV về dân số - phát triển giai đoạn 2016-2020, ngày 28-12-2016, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 7539/QĐ-BYT phê duyệt Chương trình hành động TTCĐHV về dân số và phát triển giai đoạn 2016-2020. Trong đó, chương trình tập trung truyền thông chuyển đổi trọng tâm chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng trong tình hình mới.

Những kết quả đạt được

Sau 5 năm thực hiện, Chương trình hành động TTCĐHV về DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Chương trình đã tạo được môi trường xã hội đồng thuận, ủng hộ cao hơn; nhận thức, thái độ, kỹ năng lựa chọn, thực hiện các hành vi có lợi và bền vững về DS-KHHGĐ của các nhóm đối tượng được nâng lên. Kết quả này góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Chiến lược Dân số-Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về DS-KHHGĐ.

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục DS-KHHGĐ, việc thực hiện Chương trình TTCĐHV vẫn còn một số hạn chế, như: nhận thức, sự hiểu biết và chuyển đổi hành vi của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, VTN/TN và của các nhóm đối tượng đối với các vấn đề dân số và phát triển trọng tâm vẫn còn chưa cao; việc thực hiện nhiệm vụ, hoạt động truyền thông còn dàn trải, thiếu tập trung; chưa có nhiều mô hình truyền thông về dân số và phát triển phong phú và hiệu quả với các nhóm đối tượng khó tiếp cận.

Tăng cường truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội.
Tăng cường truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội.

Theo báo cáo đánh giá tổng kết Chương trình hành động TTCĐHV về DS-KHHGĐ của Tổng cục Dân số-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015, có 4 chỉ tiêu hoàn thành là: các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới có hiểu biết cơ bản về lợi ích của kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai; người chưa thành niên và thanh niên nhận được thông tin về dân số, phòng ngừa nhiễm HIV, bình đẳng giới; người di cư nhận được thông tin về lợi ích của kế hoạch hóa gia đình, các biện pháp tránh thai và tác hại của phá thai; cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội nhận được thông tin về các vấn đề DS-KHHGĐ; cơ cấu “dân số vàng”; mất cân bằng giới tính khi sinh trên toàn quốc và tại địa phương.

Có 8 chỉ tiêu chưa hoàn thành đó là, phụ nữ mang thai nhận được thông tin cơ bản và biết được lợi ích của sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; thanh niên đăng ký kết hôn nhận được thông tin về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; người cao tuổi nhận được thông tin về dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; người chưa thành niên, thanh niên dân tộc thiểu số nhận được thông tin về tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới nhận được thông tin về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; người cung cấp dịch vụ y tế cam kết thực hiện quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội ban hành chỉ thị, nghị quyết hoặc văn bản hướng dẫn thực hiện lồng ghép các yếu tố dân số, đặc biệt là yếu tố “cơ cấu dân số vàng” vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của ngành; những người có uy tín trong cộng đồng tham gia huy động người dân thực hiện KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số trong số 12 chỉ tiêu kiểm định mục tiêu cụ thể của chương trình.

Tuy 8/12 chỉ tiêu chưa hoàn thành do nhiều nguyên nhân, nhưng nhìn chung giá trị của các chỉ tiêu vào năm 2015 đều cao hơn nhiều so với năm 2011.

Việc thực hiện các mục tiêu của giai đoạn 2011 – 2015 cho thấy, nhận thức và thực hành của các nhóm đối tượng về 4 chỉ tiêu của chất lượng dân số đã được nâng lên đáng kể, nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ phụ nữ mang thai hiểu biết về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tăng nhanh từ 50% năm 2011 lên 75% năm 2015. Tỷ lệ thanh niên 15-24 tuổi được tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tăng từ 50% năm 2011 lên 65% năm 2015. Tỷ lệ người cao tuổi nhận được thông tin về dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng tăng không đáng kể từ 55% năm 2011 lên 60% năm 2015. Tỷ lệ người chưa thành niên, thanh niên dân tộc thiểu số từ 15-24 tuổi hiểu biết về tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tăng khá nhanh từ 60% năm 2011 lên 75% năm 2015. Tỷ lệ cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội nhận được thông tin về các vấn đề DS-KHHGĐ, cơ cấu dân số vàng, mất cân bằng giới tính khi sinh đạt mức cao tới 97% và hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, sự chuyển biến từ tiếp nhận thông tin sang hành động lồng ghép các yếu tố dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển hay vào chương trình hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa đồng đều và chưa rõ nét. Việc huy động những người có uy tín trong cộng đồng tham gia truyền thông và thực hiện công tác DS-KHHGĐ còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Những ưu điểm và khó khăn của chương trình mới

Để phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn của giai đoạn 2011-2015, Chương trình hành động TTCĐHV giai đoạn 2016-2020 được xây dựng và tổ chức thực hiện trên tinh thần nhân rộng ưu điểm, những cách làm hay, có hiệu quả; khắc phục những hạn chế; cải tiến nội dung, phương pháp, hình thức truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, với từng vùng miền, bảo đảm hiệu quả của truyền thông để thực hiện chính sách toàn diện về dân số và phát triển, góp phần triển khai thành công Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011-2020.

Có thể thấy, việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động TTCĐHV về dân số và phát triển giai đoạn 2016 - 2020 là rất khó khăn. Chương trình chú trọng truyền thông để chuyển trọng tâm chính sách từ dân số KHHGĐ sang dân số và phát triển nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo Kết luận 119-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương; đẩy mạnh các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc toàn diện SKSS, hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu chuyên ngành về DS-SKSS phục vụ công tác kế hoạch, quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công theo nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2 của Chiến lược DS-SKSS; truyền thông mở rộng chính sách xã hội hóa về dân số, về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và các chính sách, pháp luật liên quan...

Chương trình hành động TTCĐHV về dân số và phát triển giai đoạn 2016-2020 được triển khai trong bối cảnh Chương trình DS-KHHGĐ chuyển từ Chương trình mục tiêu quốc gia sang Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số, nên có giới hạn về phạm vi tác động; nguồn vốn viện trợ, vốn vay ưu đãi, ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ giảm mạnh; giảm nhanh bao cấp, tính đủ các yếu tố của giá dịch vụ theo cơ chế thị trường làm tăng chi phí dịch vụ DS-SKSS; chính sách xã hội hóa cung cấp thông tin, phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS, dịch vụ DS-SKSS làm thay đổi tâm lý, nhu cầu sử dụng đối với các phương tiện, dịch vụ mới; các chính sách kinh tế - xã hội mới ban hành tác động mạnh đến công tác dân số và phát triển.

Cần giải pháp phù hợp

Dù còn đó những khó khăn, thách thức, nhưng từ kết quả đạt được của Chương trình TTCĐHV giai đoạn 2011-2015 và những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể được xây dựng trong chương trình hành động TTCĐHV về dân số và phát triển giai đoạn 2016-2020, các chương trình đã và đang góp phần đáng kể trong việc mang lại lợi ích trực tiếp và gián tiếp. Đây được xem là  giải pháp tiên phong để thực hiện thành công Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011-2020.

Theo đó, để thực hiện hiệu quả hơn chương trình TTCĐHV về dân số-phát triển trong thời gian tới, cần tập trung nâng cao kiến thức, vai trò của lãnh đạo Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể đối với công tác dân số và phát triển; tăng cường TTCĐHV dưới mọi hình thức, trong đó có đẩy mạnh truyền thông của các cơ quan truyền thông đại chúng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp của hệ thống DS-KHHGĐ các cấp, khuyến khích các điểm tư vấn tham gia và mở rộng các hình thức, nội dung, đối tượng tư vấn, nhất là đối với vị thành niên, thanh niên; đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo môi trường đồng thuận, ủng hộ và cam kết thực hiện của các cấp, các ngành, đoàn thể và cộng đồng; nâng cao hiệu quả giáo dục, bổ sung các nội dung, hình thức phù hợp vào chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp để nâng cao hiểu biết về dân số và phát triển cho các em học sinh, sinh viên; nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị và cá nhân làm công tác truyền thông....

Việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển sẽ giúp tiết kiệm các khoản chi và tăng nguồn thu do sự đóng góp tăng lên của nam, nữ trong các nhóm tuổi; giảm tỷ lệ trẻ em sinh ra bị dị tật, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và cho phúc lợi xã hội; giảm tình trạng mất cân bằng giới tính, tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Vì vậy, việc cùng chung tay thực hiện Chương trình TTCĐHV về công tác dân số và phát triển là góp phần bảo đảm cho sự thành công của công tác dân số và phát triển nói riêng cũng như sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung...

Nguyễn Thị Ngọc Hà
(PGĐ Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ)