.
Hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11-7-2017:

Lợi ích từ kế hoạch hóa gia đình

Thứ Ba, 11/07/2017, 09:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi nói đến kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), chúng ta thường nghĩ đến việc áp dụng các biện pháp tránh thai để hạn chế sinh đẻ nhằm ổn định quy mô dân số mà ít ai biết đến lợi ích thiết thực của KHHGĐ, đó là bảo đảm tốt quyền lợi, sức khỏe cho mỗi công dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái.

Hàng trăm nghìn phụ nữ không phải bỏ mạng vì sinh nở, hàng triệu ca phá thai được ngăn chặn, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, giúp ngăn ngừa HIV/AIDS, giảm mang thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên...

Đầu tư cho công tác KHHGĐ chính là thực hiện đầu tư nhằm cải thiện sức khỏe, nhưng sức khỏe không phải là lợi ích duy nhất, KHHGĐ còn có quan hệ mật thiết với sự thịnh vượng của từng gia đình, từng quốc gia và của toàn cầu. Sự đầu tư này sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác nhằm tạo nên động lực cho sự phát triển.

Lợi ích kinh tế đối với những nước có các chương trình KHHGĐ là rất lớn. Người dân đang dần ý thức và chuyển đổi bằng hành động để có cuộc sống ngày một tốt hơn mà ở đó hội tụ 3 yếu tố không thể tách rời là sức khỏe, quy mô gia đình và sự giàu có.

Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD) năm 1994 đã đánh dấu một sự chuyển biến về định hướng trong lĩnh vực dân số và phát triển, trong đó phương pháp tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục (SKSS-SKTD, KHHGĐ) dựa trên nhân khẩu học được thay thế bằng phương pháp cho phép các cá nhân và các cặp vợ chồng được quyền lựa chọn và tự chịu trách nhiệm trong việc có sinh con hay không và sinh con vào thời điểm nào.

Phương pháp này thừa nhận con người là chủ thể trong quá trình phát triển của chính mình, họ được học tập, giáo dục, nâng cao hiểu hiết..., từ đó tự nguyện tìm đến những dịch vụ chăm sóc SKSS-SKTD-KHHGĐ phù hợp với bản thân chứ không còn thụ động chờ đợi để được cung cấp dịch vụ.

Với phương pháp tiếp cận này, hàng triệu phụ nữ đã được trao quyền nhằm đưa ra quyết định của chính mình với việc sinh ít con hơn, sinh con muộn hơn... Đây được coi là những quyết định đem đến sự thay đổi tích cực cho mỗi một người phụ nữ, họ có nhiều cơ hội học tập, phấn đấu, trưởng thành và nâng cao vị thế để trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân và là các nhà lãnh đạo xã hội của tương lai.

KHHGĐ nhằm bảo đảm tốt quyền lợi, sức khỏe cho mỗi công dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái.
KHHGĐ nhằm bảo đảm tốt quyền lợi, sức khỏe cho mỗi công dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái.

Tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ an toàn và tự nguyện được xem là quyền của con người, góp phần nâng cao bình đẳng giới cũng như là biện pháp hữu hiệu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng gần gấp đôi trên toàn thế giới, từ 36% năm 1970 lên 64% năm 2016.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, quyền thực hiện KHHGĐ vẫn là một quyền mà nhiều người đã và đang phải đấu tranh để có được. Theo số liệu từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc có khoảng 225 triệu phụ nữ sinh sống tại 69 quốc gia nghèo nhất trên thế giới có nhu cầu tránh thai nhưng chưa được sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả. Tính đến năm 2015, có khoảng 12,7 triệu trẻ em gái vị thành niên trong độ tuổi từ 15 đến 19 sinh sống tại các nước đang phát triển chưa được đáp ứng về nhu cầu KHHGĐ, trong đó ước tính hàng năm có khoảng 14,5 triệu em đã sinh con. Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng này sẽ góp phần cứu sống sinh mạng của rất nhiều phụ nữ, ngăn ngừa các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, giảm các ca nạo phá thai không an toàn và sẽ giúp tránh được 60 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, giảm 1/3 tỷ lệ tử vong mẹ (năm 2016, con số này ước khoảng 303.000 ca).

Ở nước ta, theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, khoảng 2% nam thanh niên và 8,5% nữ thanh niên trong độ tuổi từ 15-19 đã từng kết hôn; có khoảng 7,5% phụ nữ bắt đầu mang thai trong độ tuổi từ 15-19. Theo thống kê của Hội KHHGĐ Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 nghìn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Với con số này, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất ở Đông Nam Á. Đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số nước ta, mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã coi chăm sóc SKSS là trách nhiệm của cả nam giới và phụ nữ. Nam giới phải chia sẻ với phụ nữ trong công việc gia đình, nuôi dạy con cái, KHHGĐ cũng như các hành vi sinh sản. Phụ nữ và nam giới đều có quyền được thông tin, lựa chọn và tiếp cận những biện pháp chăm sóc SKSS một cách an toàn và hiệu quả. Các cặp vợ chồng được quyền quyết định thời điểm và khoảng cách sinh con hợp lý, quyền có được SKSS với chất lượng cao.

Trên thực tế, nam giới thường chi phối việc ra những quyết định trên và họ gần như chủ động hoàn toàn về tình dục. Do đó, việc lôi cuốn nam giới vào việc chăm sóc SKSS là rất cần thiết thông qua các vai trò là chồng, là cha, là bạn tình, là thành viên trong gia đình..., nhằm thực thi quyền bình đẳng về giới và sinh sản. Nam giới là người bạn đời trong hoạt động tình dục và sinh sản nên họ phải được chia sẻ một cách công bằng nhằm thỏa mãn đời sống tình dục, có trách nhiệm để tránh những nguy cơ mắc bệnh và biến chứng về sức khỏe. Họ cũng cần có trách nhiệm trong việc chăm sóc SKSS, điều đó có nghĩa là phải bảo đảm an toàn trong tình dục, không để có thai ngoài ý muốn, không gây đau đớn, không làm tổn thương đến thể chất cũng như tinh thần hoặc làm lây nhiễm cho bạn tình, chia sẻ niềm vui sướng ngọt ngào về tình cảm hạnh phúc với bạn tình, cùng thảo luận, thương lượng để chọn lựa thời điểm sinh con, khoảng cách giữa hai lần sinh và áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp trong từng giai đoạn cho cả hai người cũng như chia sẻ trách nhiệm để giải quyết nếu có hậu quả xấu do những hành vi tình dục để lại.

Trước thực tế đó, nhằm tạo điều kiện cho việc chủ động tiếp cận, tìm hiểu và lựa chọn sử dụng các biện pháp tránh thai và hàng hóa SKSS để đem đến những lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân, gia đình, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ SKSS có chất lượng cho người dân, bảo đảm sự công bằng xã hội, tính bền vững của chương trình DS-KHHGĐ cần huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho chương trình DS-KHHGĐ phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 24-2-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 555/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ-SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2015-2020”. Đây là quyết định có tầm quan trọng và phù hợp với tình hình thực tế đối với công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay. Việc Quỹ Dân số Liên hợp quốc chọn chủ đề: “Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh” cho Ngày Dân số Thế giới 11-7 năm nay thực sự có ý nghĩa, nhất là với một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và chưa đạt mức sinh thay thế như tỉnh Quảng Bình.

KHHGĐ với sự đồng hành, vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các ban, ngành liên quan bằng nhiều phương thức đa dạng, hữu hiệu sẽ góp phần không nhỏ giúp cải thiện đời sống sức khỏe, SKSS-SKTD cho mỗi người dân, góp phần xóa bỏ đói nghèo, bất bình đẳng giới và làm tăng trưởng kinh tế. Những tác động tích cực này giúp vị thế của mỗi con người, nhất là phụ nữ được nâng cao, giúp họ có được nhiều cơ hội tiếp cận với các nền giáo dục tốt hơn, có được những vị trí xã hội cao hơn..., tạo ra lợi ích kinh tế rõ ràng hơn. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chi tiêu một đô la cho các dịch vụ tránh thai sẽ giúp làm giảm 1,47 đô la các chi phí chăm sóc trước sinh, bao gồm cả việc chăm sóc cho phụ nữ nhiễm HIV. Vì vậy, việc biết rõ lợi ích của KHHGĐ và tận dụng tốt những lợi ích đó sẽ giúp chúng ta tiếp cận nhanh hơn với đời sống xã hội ngày càng phát triển, công bằng và văn minh...

Nguyễn Thị Ngọc Hà
(Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh)