.

Nan giải thực trạng mua và bán thuốc không theo đơn - Bài 2: Làm gì để gỡ "nút thắt"?

Thứ Ba, 09/05/2017, 10:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực trạng mua và bán thuốc không có đơn của bác sỹ ở tỉnh ta lâu nay không còn là chuyện hiếm thấy. Tuy nhiên, để chấn chỉnh tình trạng này, làm thay đổi nhận thức cho người bệnh cũng như buộc các cơ sở hành nghề đi vào hoạt động theo đúng khuôn khổ vẫn đang là bài toán nan giải.

>> Nan giải thực trạng mua và bán thuốc không theo đơn- Bài 1

Khó phát hiện vi phạm

Tại khoản 1, điều 40 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng đối với hành vi bán thuốc trong danh mục “thuốc bán theo đơn” mà không có đơn của bác sỹ. Chế tài đã có, nhưng cho đến nay, ở tỉnh ta vẫn chưa có cơ sở kinh doanh thuốc nào bị phát hiện, xử phạt mặc dù tình trạng vi phạm là phổ biến và dễ nhận thấy. Vậy, phải chăng việc phát hiện vi phạm là điều quá khó?!

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Mai Thanh Hải, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, thực chất việc vi phạm quy định bán thuốc theo đơn của các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh ta là điều đã thấy rõ nhưng để “bắt tận tay” hành vi sai phạm lại không hề dễ dàng. Để chấn chỉnh tình hình, hàng năm, lực lượng Thanh tra Sở Y tế đều tích cực thực hiện các đợt thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của các nhà thuốc, đại lý thuốc nhưng vẫn không thể phát hiện được trường hợp nào vi phạm bán thuốc không có đơn. Nguyên nhân được đưa ra là do các nhà thuốc có rất nhiều “mánh khoé” để che mắt lực lượng chức năng. “Tại thời điểm thanh tra đến kiểm tra thì họ ngưng hết việc bán thuốc mà không có đơn. Nhưng, khi lực lượng thanh tra vừa rời khỏi thì đâu lại hoàn đó, họ vẫn tiếp tục bán thuốc cho người bệnh dù có đơn hay không. Theo quy định, người bán thuốc khi hành nghề phải có sổ sách ghi chép đầy đủ số lượng, loại thuốc bán ra mỗi ngày và phải kê theo hai mục thuốc không cần đơn và thuốc có đơn rõ ràng. Lực lượng chức năng khi thanh tra sẽ dựa vào sổ này để kiểm tra. Tuy nhiên, không thể căn cứ vào đây để xác định nhà thuốc có vi phạm quy định hay không, vì đối với thuốc buộc phải có đơn bác sĩ khi bán cho người bệnh, dù có đơn hay không họ vẫn viết vào mục thuốc bán có đơn và như thế việc cơ quan chức năng không phát hiện được vi phạm là điều dễ hiểu”, ông Hải cho biết.

Nâng cao chất lượng của các dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế góp phần giúp người bệnh yên tâm, tin tưởng khi đến khám, chữa bệnh.
Nâng cao chất lượng của các dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế góp phần giúp người bệnh yên tâm, tin tưởng khi đến khám, chữa bệnh.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh ta có 485 cơ sở kinh doanh thuốc trong đó có 8 công ty dược phẩm, 79 nhà thuốc, 287 quầy thuốc và 119 đại lý thuốc phục vụ nhu cầu mua và sử dụng thuốc của người bệnh. Với một số lượng cơ sở kinh doanh dược phẩm lớn, việc kiểm soát của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Thực tế hiện nay, lực lượng Thanh tra Sở Y tế tỉnh ta rất mỏng, không thể đến tất cả quầy thuốc, nhà thuốc kiểm tra thường xuyên mà chỉ kiểm tra định kỳ. Còn ở tuyến huyện, thị xã, thành phố thì cán bộ, nhân viên các Phòng Y tế phải cùng lúc kiêm nghiệm nhiều công việc hơn nữa và không được trực tiếp xử phạt khi phát hiện vi phạm. Thêm vào đó, mức phạt 200.000-500.000 đồng theo quy định là quá thấp, không đủ sức răn đe các cơ sở kinh doanh dược phẩm. Đây là những rào cản đáng ngại cho việc kiểm tra, phát hiện vi phạm của các nhà thuốc trên địa bàn.

Những việc cần làm ngay

Không thể phủ nhận sự phát triển của y học và các loại kháng sinh giúp cho con người có được công cụ hữu hiệu chống lại những bệnh nhiễm trùng, vi khuẩn nguy hiểm đe dọa tới sức khỏe và tính mạng. Tuy nhiên, rất đáng lo ngại khi thứ “vũ khí” quan trọng này đang ngày càng mất đi sự hiệu nghiệm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người mà nguyên nhân xuất phát từ chính thực trạng mua, bán thuốc một cách tùy tiện, dễ dàng như hiện nay.

Có thể thấy, những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh thuốc tân dược đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thị trường thuốc tân dược trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế mà nổi cộm là thực trạng mua bán thuốc tùy tiện, thiếu kiểm soát. Điều này đã và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích và sự an toàn cho sức khỏe người bệnh.

“Nguyên nhân của việc mua, bán thuốc không kê đơn đã được chỉ rõ là cả người mua và người bán. Do đó, muốn giải quyết được tình trạng này, cần có sự thực hiện nghiêm túc từ hai phía, trong đó ý thức của người dân là vấn đề cốt lõi. Cần đặc biệt chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc cần đi khám bác sĩ khi có biểu hiện bất thường về sức khoẻ và sử dụng thuốc đúng liều lượng. Chỉ khi người bệnh nắm được tác hại và mức độ nguy hiểm của việc sử dụng thuốc không theo đơn thì họ mới ý thức được việc khám chữa bệnh đúng cách. Để quy định thực sự đi vào thực tế và hiệu quả thì cần có biện pháp tuyên truyền thiết thực và sâu rộng đến từng đối tượng. Và trách nhiệm này thuộc về chính quyền và ban, ngành, đoàn thể các địa phương”, ông Ngô Văn Bốn, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Muốn công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thực sự đạt hiệu quả, thiết nghĩ, trước hết phải phát triển mạnh các cơ sở, dịch vụ khám, chữa bệnh; củng cố và nâng cao năng lực chuyên môn, y đức của các cán bộ y tế, đặc biệt ở tuyến cơ sở, để cải thiện chất lượng phục vụ của các dịch vụ y tế, làm sao đưa dịch vụ đến gần dân nhất. Đồng thời, cần cải cách thủ tục hành chính tại hệ thống y tế các tuyến để cải thiện chất lượng phục vụ của các dịch vụ y tế, giúp người dân giảm bớt tâm lý ngại đến các cơ sở khám, chữa bệnh. Khi người dân yên tâm, tin tưởng vào các dịch vụ y tế thì việc họ thường xuyên “hợp tác” không phải là điều quá khó.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh bán lẻ thuốc trên địa bàn thông qua việc tăng cường giám sát, siết chặt hơn nữa công tác quản lý, xử lý mạnh tay đối với các cơ sở bán thuốc bừa bãi, không thực hiện nghiêm các quy định chuyên môn nghiệp vụ, huy động cả lực lượng y tế xã, phường và người dân vào cuộc để đưa quy định bán thuốc theo đơn đi vào nền nếp. Cần nâng mức xử phạt hành chính để đủ sức răn đe đối với cơ sở vi phạm về bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ.

T.A