.

Nâng cao chất lượng dân số: Hành trình gian nan

Thứ Bảy, 06/05/2017, 21:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Chất lượng dân số ở tỉnh ta còn thấp, tuổi thọ trung bình chỉ 71,1 tuổi (cả nước 73,3 tuổi).  Thêm vào đó, tình trạng quan hệ tình dục sớm, có thai tuổi vị thành niên, phá thai không an toàn, ly thân, ly hôn có chiều hướng gia tăng... Để nâng cao chất lượng dân số, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều mô hình, đề án, tuy nhiên, khi thực hiện vẫn còn không ít khó khăn và thách thức.

Bên cạnh các chương trình đề án an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo dục, y tế, hiện nay, tỉnh ta đang triển khai 5 mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số, đó là mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng và kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển (đề án 52).

Năm 2016, mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được triển khai tại 100% số xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố. Đối tượng hướng tới của mô hình là tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó, chú trọng phụ nữ mang thai từ 35 tuổi trở lên, thai phụ có tiền sử sảy thai tự nhiên, thai chết lưu hoặc có con chết sớm sau sinh, cặp vợ chồng kết hôn cận huyết, thai phụ thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, tiền sử gia đình có người mắc các dị tật hoặc bệnh di truyền... Trong năm, đã có hơn 110 bà mẹ mang thai được siêu âm, sàng lọc trước sinh; lấy và gửi Trung tâm sàng lọc sơ sinh miền Trung 181 mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh, trong đó phát hiện và nghi ngờ 4 trẻ có nguy cơ thiếu men G6PD, 1 trẻ có nguy cơ thiểu năng giáp bẩm sinh.

Tuy nhiên, mô hình vẫn còn gặp khó khăn, như: trang thiết bị, phục vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại các đơn vị y tế trong toàn tỉnh còn thiếu, gồm: máy siêu âm màu 3D tốc độ cao, máy xét nghiệm sinh hóa máu... Hiện, chương trình sàng lọc chủ yếu được thực hiện ở một số đơn vị y tế tuyến trung ương, tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện và các cơ sở y tế đã được chuyển giao kỹ thuật. Còn hơn 90% trạm y tế và các trung tâm y tế dự phòng vẫn chưa thực hiện được các kỹ thuật của sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Minh Hóa, Tuyên Hóa là 2 huyện thực hiện mô hình sàng lọc trước sinh và sơ sinh gặp nhiều khó khăn nhất do thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực; thời gian gửi mẫu máu qua đường bưu điện từ huyện Minh Hoá, Tuyên Hóa về Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh của Trường đại học Y - Dược Huế có thể bị chậm nên hiệu quả chưa cao và kết quả có thể thiếu chính xác do khâu bảo quản mẫu.

Một mô hình cũng gặp khó khăn tương tự đó là mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. Mô hình được duy trì và hoạt động tại 35 xã, phường, thị trấn và các điểm trường học. Năm 2016, mô hình duy trì mỗi điểm có từ 1 đến 2 CLB sức khỏe sinh sản vị thành niên và tiền hôn nhân, tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng với tổng số 35 buổi thu hút trên 875 lượt vị thành niên và thanh niên tham dự. Thông qua những buổi tư vấn, các hoạt động thiết thực, thời gian qua, mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân ở tỉnh ta đã mang lại nhiều lợi ích trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng CSSKSS cho vị thành niên và thanh niên, đồng thời, giúp các em tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ.

Tuy nhiên, việc triển khai mô hình tại các xã vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, như: dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn chưa sẵn sàng, các em ít chịu chia sẻ chuyện “khó nói” với người khác, nên khi sinh hoạt CLB, vẫn chưa trải lòng để hỏi những vấn đề thắc mắc, ngại đến trạm để khám sức khỏe...

Ngoài ra, mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng cũng rất gian nan khi triển khai. Thực tế cho thấy, hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi vẫn còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Mức hỗ trợ cho người cao tuổi còn thấp; hoạt động của Hội Người cao tuổi ở cơ sở cũng như việc tổ chức các hoạt động chăm sóc người cao tuổi ở một số nơi vẫn còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa phát huy và khai thác hết vai trò của người cao tuổi trong xã hội. Năm 2012, Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, thí điểm tại 5 xã thuộc huyện Tuyên Hóa và thành phố Đồng Hới, nhằm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi, phát huy và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi hiện nay. Do thiếu kinh phí nên mô hình đến nay vẫn chưa được nhân rộng ở các địa phương khác, mặc dù hoạt động khá hiệu quả.

Vấn đề khó khăn chung trong quá trình triển khai các mô hình nâng cao chất lượng dân số tại tỉnh ta chính là kinh phí. Nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động của mô hình hàng năm còn thấp nên công tác đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo để cung cấp, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ thực hiện chưa được chú trọng. Mặt khác, thiếu nguồn kinh phí nên các mô hình, đề án đều chưa được nhân rộng trên mô hình toàn tỉnh. Ngoài ra, thiếu kinh phí cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc mua sắm trang thiết bị cần thiết cho các đơn vị y tế cơ sở.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ thực hiện công tác dân số, các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng một vai trò quan trọng trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng dân số, rất cần sự tiếp tục vào cuộc, tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ, bổ sung nguồn kinh phí của các cơ quan, ban ngành...

Thanh Hoa