.

Nan giải thực trạng mua và bán thuốc không theo đơn

Thứ Hai, 08/05/2017, 09:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Thuốc tân dược là loại hàng hóa đặc biệt, có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe nhân dân. Việc mua, bán và sử dụng loại hàng hóa này đã được ngành chức năng quy định cụ thể nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 05/2016/TT-BYT sau Quyết định 04/2008/QĐ-BYT ngày 1-2-2008 “Quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú”, thế nhưng cho đến nay, tình trạng mua và bán thuốc không cần đơn của bác sĩ trên địa bàn tỉnh ta vẫn đang diễn ra như “chuyện cơm bữa”.

Bài 1: Lỗi từ người mua, người bán

Theo khảo sát thực tế và đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh ta, thực trạng mua và bán thuốc không có đơn của bác sỹ đang ngày càng trở nên báo động. Phớt lờ mọi nỗ lực tuyên truyền, cảnh báo của cơ quan chức năng, người tiêu dùng đang thờ ơ với chính tính mạng của mình và người thân; còn người bán lại ngang nhiên vi phạm quy định một cách tự nhiên, công khai.

Người mua thiếu hiểu biết

Khảo sát tại một vài hiệu thuốc trên địa bàn thành phố Đồng Hới và các huyện khác cho thấy tình trạng người mua, người bán thuốc không cần đơn của bác sĩ diễn ra rất phổ biến, dễ như “mua mớ rau, con cá”. Chỉ trong vài phút “cắm chốt” tại một số hiệu thuốc, chúng tôi được chứng kiến cảnh rất nhiều người vào mua thuốc theo kiểu “cảm tính”, không cần đơn của bác sĩ. Chỉ cần nói tên thuốc cần mua hay kể ra một vài triệu chứng với người bán thuốc, ngay lập tức, yêu cầu sẽ được đáp ứng với đủ các loại thuốc nội, ngoại khác nhau.

“Bình thường mỗi khi con đau họng hay sốt, ho, tôi đều đến hiệu thuốc tự mua thuốc về cho con uống. Nói với người bán các triệu chứng nổi bật là họ sẽ kê cho mình mấy loại thuốc. Lần nào uống xong cũng đỡ, nên cứ thấy con bắt đầu có dấu hiệu đau là tôi đi mua thuốc chứ không mấy khi đi khám bác sĩ. Chỉ khi nào bệnh nặng quá mới phải đi khám thôi”, một khách hàng ở Nam Lý, TP. Đồng Hới hồn nhiên cho biết.

Do tâm lý chủ quan, ngại đi khám bệnh và một phần do sự thiếu hiểu biết về các nguy cơ mà thuốc có thể gây ra, nên rất nhiều người mỗi khi ốm đau, thay vì đi khám bệnh, thường tự mua thuốc điều trị theo hướng dẫn của người bán thuốc, theo quảng cáo hoặc kinh nghiệm của bản thân và những người xung quanh. Cá biệt, một số người còn lấy đơn thuốc của người khác để điều trị cho mình khi thấy các dấu hiệu bệnh tương tự.

Làm gì để gỡ  “nút thắt”
Số người bệnh có ý thức đến các cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và kê đơn thuốc vẫn chỉ ở mức khiêm tốn.

Trên thực tế, phần lớn người bệnh tìm mua thuốc để chữa trị những bệnh thông thường, như: cảm cúm, tiêu chảy, ho, sổ mũi, viêm họng... nhưng cũng có không ít người bị các bệnh, như: viêm dạ dày, tiểu đường, xương khớp... cũng tự ý mua thuốc trong khi việc dùng thuốc của họ phải có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.

Việc bán thuốc không kê đơn, đặc biệt là các loại kháng sinh rất nguy hiểm, bởi ngoài việc không theo dõi được tình trạng bệnh còn dẫn đến nhiều hệ lụy. Người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, những thức ăn kiêng kỵ, chống chỉ định với thuốc, từ đó, dễ gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra. Đó là chưa kể đến việc điều trị tại nhà kéo dài không đúng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây tốn kém về kinh tế. Thậm chí việc mua và dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ mà không có đơn bác sĩ và dùng không đủ liều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng kháng thuốc kháng sinh như hiện nay. Khi đã bị kháng thuốc, việc dùng thuốc kháng sinh và các liệu pháp điều trị người mắc bệnh do nhiễm khuẩn sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Mặc dù biết là thế, nhưng nhiều người vẫn phớt lờ, bỏ qua việc thăm khám, kê đơn của bác sĩ mà tự ý mua thuốc về dùng. Và chính thói quen tai hại này đã tạo điều kiện cho người bán thuốc thờ ơ, dửng dưng với sức khỏe người bệnh.

Người bán dửng dưng

Hiện nay, có hai loại thuốc đang được bán tại các nhà thuốc là thuốc bán phải có đơn thuốc của bác sĩ (gọi là thuốc kê đơn) và thuốc bán không cần đơn thuốc (gọi là thuốc không kê đơn). Để phân định rõ thuốc bán phải có đơn và thuốc bán không cần kê đơn, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 23/2014/TT-BYT về danh mục thuốc không kê đơn, có hiệu lực thi hành từ 15-8-2014. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều loại thuốc nằm trong danh mục buộc phải kê đơn vẫn đang được mua, bán một cách công khai, dễ dàng mà không hề bị cơ quan chức năng chấn chỉnh. Hầu hết, nhân viên các nhà thuốc vẫn vừa chẩn đoán bệnh, vừa kê đơn thuốc cho người dân công khai, tùy tiện.

Không ít nhân viên các nhà thuốc vừa chẩn đoán bệnh, vừa kê đơn tùy tiện, công khai.
Không ít nhân viên các nhà thuốc vừa chẩn đoán bệnh, vừa kê đơn tùy tiện, công khai.

Trong vai một người mua thuốc cho con bị ốm, phóng viên ghé qua một hiệu thuốc trên đường Võ Thị Sáu (Nam Lý, TP. Đồng Hới). Sau khi kể sơ lược về các triệu chứng của bệnh, nhân viên hiệu thuốc kê cho chúng tôi 4 loại thuốc trong đó có cả thuốc kháng sinh với liều dùng trong 3 ngày và không quên nhắc nếu không đỡ thì tiếp tục đến điều chỉnh cho phù hợp. Cả quá trình bán, nhân viên quầy thuốc không hề yêu cầu đơn thuốc của bác sỹ cũng như không hỏi người mua về tiền sử dị ứng thuốc, không tư vấn cho bệnh nhân đi khám ở bệnh viện khi bệnh nặng hơn. Khi chúng tôi thắc mắc: “Thuốc này có ghi là bán theo đơn mà chị. Mình bán không cần đơn là vi phạm đấy” thì nhận được câu trả lời “Ghi rứa thôi, không cần đơn cũng không sao. Mình không bán thì họ cũng sang quầy thuốc khác mua thôi”. Như vậy, rõ ràng người bán thuốc đang đặt vấn đề doanh thu, lợi nhuận lên trên sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Và điều đáng nói là đây không chỉ là trường hợp cá biệt mà là phổ biến, đi đâu cũng bắt gặp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Bốn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, phải thừa nhận rằng, việc mua, bán thuốc không có đơn đang là một trong những vấn đề nóng hiện nay và là thực trạng chung của cả nước chứ không riêng gì tỉnh ta. Ngoại trừ một số nhà thuốc thuộc các bệnh viện có ý thức tuân thủ quy định bán thuốc kê đơn, còn lại, đại đa số các cơ sở kinh doanh dược phẩm đều vi phạm. Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người bán thuốc, hàng năm, Sở thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn cho các đối tượng liên quan về các quy định, quy chế, thông tư về lĩnh vực dược; tích cực tuyên truyền để các nhà thuốc nắm rõ, từ đó nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm bán thuốc theo đúng quy định hiện hành. Tuy nhiên, tình trạng tự ý mua bán, sử dụng thuốc tân dược không có đơn bác sỹ vẫn không giảm bớt.

Người dân vì điều kiện kinh tế và hiểu biết nông cạn nên tự ý mua thuốc để chữa bệnh. Với những cơ sở bán thuốc, họ hoàn toàn hiểu được nguy cơ này nhưng vẫn vô tư bán thuốc. Đây là điều cơ quan chức năng cần rà soát và chấn chỉnh ngay.

T.A

Kỳ 2: Làm gì để gỡ “nút thắt”