.

Gương sáng ngành y

Thứ Hai, 27/02/2017, 14:38 [GMT+7]

(QBĐT) - “Trong công việc anh là người nghiêm khắc, quyết đoán..., nhưng lại gần gũi, giản dị, hòa đồng với bệnh nhân, với đồng nghiệp...”- đó là những nhận xét của cán bộ, đồng nghiệp nói về bác sỹ Nguyễn Anh Đông, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh.

>> Nỗ lực chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân

Sinh ra ở một vùng quê nghèo huyện Quảng Ninh, mẹ là một y sỹ giỏi của Bệnh viện B Lệ Ninh (tiền thân là Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh), anh vốn mang trong mình ước mơ trở thành bác sỹ để nối nghiệp mẹ, cứu người. Ấp ủ ước mơ đó, sau nhiều năm đèn sách, tốt nghiệp Trường đại học Y Dược Huế, năm 2006, bác sỹ Nguyễn Anh Đông về làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch. Sau một năm, anh được luân chuyển sang Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh.

Dù ở đâu hay ví trị công tác nào, anh cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng với công việc, không ngại khó, ngại khổ. Những đóng góp của anh được tập thể ghi nhận, đánh giá cao. Với những nỗ lực của mình, sau hơn 3 năm anh đã được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh.

Gặp anh trong một buổi sáng tại khoa điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone của trung tâm, chứng kiến anh thăm khám, trò chuyện với các đối tượng nghiện ma túy, mới thấy được sự giản dị, hết lòng vì công việc của anh

Là bệnh nhân đang tham gia điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm phòng chống HIV/AID, anh L.X.M (phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới), cho biết: Bác sỹ Đông là người thường xuyên thăm hỏi, động viên, nhắc nhở tôi duy trì lịch điều trị. Tuy là một người quản lý, nhưng bác sỹ rất giản dị, hòa đồng và không ngần ngại trực tiếp khám sức khỏe định kỳ cho tôi cũng như các anh em khác”.

Trong suốt hơn 9 năm làm việc tại đây, anh luôn tham gia vào hầu hết các hoạt động của đơn vị. Bên cạnh đó, anh cũng nhiều lần chủ động, tham mưu cấp trên để cùng với tập thể cán bộ, viên chức trong đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng chống HIV/AIDS, như: đẩy mạnh hoạt động của các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng ở cơ sở để tư vấn sức khỏe, cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su tới các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, Anh cũng đưa ra nhiều biện pháp để đổi mới hoạt động tuyên truyền các kiến thức về phòng chống HIV/AIDS, góp phần làm giảm số người nhiễm mới HIV trong cộng đồng. Đặc biệt, anh nỗ lực tuyên truyền kêu gọi cộng đồng chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, giúp nhiều bệnh nhân HIV/AIDS được hòa nhập cộng đồng.

Anh tâm sự: “Càng tiếp xúc với người bệnh, lắng nghe những câu chuyện cuộc đời đầy sóng gió của họ, tôi càng trăn trở làm sao để họ không còn bị kỳ thị, làm sao để cộng đồng không xa lánh họ. Làm công tác này, chứng kiến nhiều trường hợp đáng thương lắm, nhất là những đứa trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ hoặc những người vợ bị lây HIV từ chồng, họ vô tội, thế nhưng lại bị cộng đồng xa lánh, hắt hủi.

Chúng ta ít ai biết rằng, sự  phân biệt kỳ thị đối với bệnh nhân HIV/AIDS khiến họ không dám tiết lộ thông tin mình bị nhiễm HIV, từ chối điều trị hoặc không áp dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV cho những người xung quanh. Và hệ lụy của nó là làm cho HIV ngấm ngầm gia tăng trong cộng đồng. Mong muốn lớn nhất của tôi là làm sao để xóa bỏ được rào cản đó, vừa góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, vừa để họ được hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho gia đình và xã hội...”.

Chị Hồ Thị Trung Thu, cán bộ Khoa truyền thông, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho biết: “Mặc dù bệnh nhân đến đây điều trị và uống thuốc Methadone hằng ngày, nhưng bác sỹ Đông luôn căn dặn chúng tôi là nhớ rõ từng bệnh nhân, nắm bắt hoàn cảnh gia đình của họ, nhất là những bệnh nhân có khó khăn đặc biệt để hỗ trợ, thuyết phục duy trì lịch điều trị. Với chúng tôi, anh ấy là một trong những lãnh đạo rất tâm huyết và hết sức yêu nghề”.

Với những nỗ lực của chính bản thân, 4 năm liền, anh đều đạt danh hiệu “chiến sỹ thi đua cấp cơ sở” và nhiều bằng khen UBND tỉnh, Bộ Y tế.

Hoàng Loan