.

Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân: Cần sự quan tâm của cộng đồng

Thứ Ba, 21/02/2017, 10:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản mà còn cả thể chất, tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này vẫn còn gặp không ít khó khăn bởi các bạn trẻ còn e ngại, chưa thực sự quan tâm.

Việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân rất quan trọng, không chỉ giúp các bạn trẻ hiểu rõ tình trạng sức khỏe mà còn trang bị kiến thức để chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống, phòng tránh, chữa trị kịp thời những căn bệnh có thể lây qua đường tình dục, tránh việc sinh con không khỏe mạnh. Và nếu biết trước tình trạng sức khỏe của cha, mẹ thì có thể tiên lượng và phòng tránh một số bệnh cho con. Tuy nhiên, sự hiểu biết về sức khỏe sinh sản ở nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên ở tỉnh ra vẫn còn nhiều hạn chế, đây đang là thách thức lớn đối với chương trình chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân.

Để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi, ở tỉnh ta, từ năm 2011, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã triển khai thí điểm mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” tại 35 xã, phường, thị trấn và trường học nhằm cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), tâm sinh lý lứa tuổi cho vị thành niên, thanh niên trên địa bàn, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Những năm qua, các CLB này đã thực sự trở thành cầu nối giúp các bạn trẻ có điều kiện giao lưu, trao đổi, tư vấn về những vấn đề liên quan đến SKSS, KHHGĐ, tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và các vấn đề cần biết trước khi kết hôn...

Triển khai mô hình, Chi cục DS-KHHGĐ đã chỉ đạo Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các trạm y tế phối hợp với các tổ chức đoàn thể thành lập câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân làm nơi tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Năm 2016,  các địa phương vẫn duy trì sinh hoạt CLB sức khoẻ sinh sản vị thành niên và tiền hôn nhân, trung bình mỗi điểm dân cư có từ 1 - 2 CLB, tổ chức sinh hoạt CLB định kỳ hàng quý, với tổng số 35 buổi thu hút trên 875 lượt vị thành niên/thanh niên tham dự. Chi cục đã tổ chức 28 buổi truyền thông thu hút 938 em vị thành niên/thanh niên tham dự. Ngoài ra, Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh còn phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình, Bản tin Dân số của tỉnh... nhằm tuyên truyền về nội dung SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên.

Một buổi tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho các bạn trẻ ở thành phố Đồng Hới.
Một buổi tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho các bạn trẻ ở thành phố Đồng Hới.

Ngoài ra, Quỹ dân số Liên hợp quốc tài trợ thực hiện dự án “Tăng cường hệ thống y tế tỉnh Quảng Bình nhằm nâng cao tiếp cận toàn diện tới sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên và thanh niên tỉnh Quảng Bình” (VNM8P09) triển khai từ năm 2012-2016, tại các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa và thành phố Đồng Hới. Dự án đã góp phần tiếp cận, nâng cao nhận thức về thông tin và dịch vụ SKSSKHHGĐ, biện pháp tránh thai cho người dân, đặc biệt nhóm vị thành niên, thanh niên thông qua nhiều kênh tuyên truyền đa dạng, mới mẻ và phù hợp. Theo kết quả khảo sát của dự án, có từ 74 đến 86% học sinh các trường THPT thuộc vùng hưởng lợi của dự án đã được tiếp cận hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động truyền thông, tư vấn, sinh hoạt ngoại khóa về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Mặt khác, dự án cũng đã xây dựng được các mô hình hoạt động can thiệp khá toàn diện về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, biện pháp tránh thai cho đối tượng vị thành niên, thanh niên tại các điểm trong và ngoài nhà trường, hệ thống y tế trong và ngoài công lập, cải thiện đáng kể các chỉ số liên quan đến việc tiếp cận của vị thành niên/thanh niên đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe/sức khỏe tình dục/biện pháp tránh thai.

Tuy nhiên, việc khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân ở các địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn như: dịch vụ khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn chưa sẵn sàng; các em ít chịu chia sẻ chuyện “khó nói” với người khác nên khi sinh hoạt CLB, vẫn chưa trải lòng để hỏi những vấn đề thắc mắc, ngại đến trạm để khám sức khỏe. Mặt khác công tác kết nối giữa tuyên truyền vận động, khám tư vấn với điều trị tại các cơ sở y tế khi phát hiện tình trạng sức khỏe bệnh lý chưa được coi trọng.

Ông Vũ Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Tuyên Hóa cho biết, để nâng cao chất lượng dân số, huyện Tuyên Hóa cũng đã thực hiện mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” nhằm khám, tư vấn sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên. Mô hình được triển khai tại 4 điểm trên địa bàn huyện là xã Đức Hóa, Kim Hóa, thị trấn Đồng Lê và Trường THCS Phong Hóa. Qua các buổi nói chuyện chuyên đề và tư vấn, các bạn trẻ được cung cấp nhiều kiến thức về giới, SKSS, hôn nhân gia đình, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục dễ mắc phải và cách phòng tránh, tác hại của nạo phá thai và quan hệ tình dục sớm... Nhờ đó, người trẻ thay đổi nhận thức cũng như áp dụng được nhiều hành vi mới trong đời sống của mình theo hướng lành mạnh và trong sáng, tạo được đồng thuận cao trong cộng đồng... Nhưng, huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: thiếu kinh phí, thiếu sự hợp tác đồng bộ của chính quyền, cơ sở y tế, nhà trường và đoàn thể tại địa phương.

Vì vậy, để triển khai mô hình có hiệu quả rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền, vận động kết hợp với giáo dục một cách thường xuyên, liên tục và kiên trì, sự phối hợp của các cơ sở y tế trong việc hướng dẫn và định hướng khám sức khỏe nhằm phát huy hiệu quả cao nhất cho tương lai của giống nòi Việt.  

Thanh Hoa