.

Tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác xâm nhập

Thứ Năm, 23/02/2017, 10:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 22-2-2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 02/CĐ-CT về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác xâm nhập vào tỉnh Quảng Bình, điện các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương; Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Cục Hải quan Quảng Bình; UBND các huyện, thành phố, thị xã. Nội dung như sau:

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), trong tháng 1-2017 tại Trung Quốc đã xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm động lực cao như cúm gia cầm A/H5N2, A/H5N8, A/H7N9 và A/H5N6, đã ghi nhận 109 trường hợp bị nhiễm vi rút gia cầm A/H7N9 và kết quả giám định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc công bố đã có 26 mẫu gia cầm và môi trường dương tính với vi rút gia cầm A/H7N9, có 33 mẫu huyết thanh gia cầm dương tính với vi rút cúm gia cầm H7. Như vậy, nguy cơ vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N8) chưa có ở Việt Nam nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước, trong đó có tỉnh ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao.

Để ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm có độc lực cao khác vào địa bàn tỉnh, lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây thiệt hại kinh tế; thực hiện Công điện khẩn số 1475/CĐ-BNN-TY ngày 17/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm khác xâm nhiễm vào Việt Nam, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 528/CĐ-TTg ngày 15-4-2013 về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm A(H7N9) và A(H5N1); chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 210/QĐ-BNN-TY ngày 14-2-2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người và các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống dịch cúm gia cầm.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các địa phương.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thực hiện hoặc giám sát việc tiêu độc khử trùng các xe vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm đi qua và nhập vào địa bàn; phối hợp với Sở Công Thương, Công an tỉnh và các địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm sai quy định, không rõ nguồn gốc.

- Phối hợp với Sở Y tế thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống bệnh lây truyền giữa động vật và người; thiết lập đường dây nóng để trao đổi, chia sẽ thông tin khi có dịch cúm A/H7N9 trên người trong nước và trong tỉnh.

- Tổ chức triển khai các hoạt động lấy mẫu giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6, nhất là những nơi có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao; lấy mẫu xét nghiệm vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển không rõ nguồn gốc, chợ buôn bán gia cầm sống và các cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn.

- Phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.   

3. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp trong trường hợp dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn.

- Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh cúm; vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; tuyên truyền cho người tiêu dùng mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát của thú y để sử dụng làm thực phẩm.

- Căn cứ Kế hoạch số 2160/KH-UBND ngày 14-12-2016 của UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn; chủ động bố trí lực lượng kiểm soát cố định và cơ động, nhân lực, vật tư, kinh phí nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch cúm gia cầm xảy ra, không để dịch lây lan sang người và ra diện rộng.

- Chỉ đạo các ban, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên địa bàn; thực hiện công tác giám sát dịch bệnh cúm gia cầm đến tận hộ chăn nuôi nhằm chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi dịch mới phát sinh.

- Chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan thú y; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hộ chăn nuôi không thực hiện việc tiêm phòng.

- Giám sát chặt chẽ các chợ, điểm trung chuyển gia cầm sống, các cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn đặc biệt là các địa bàn có buôn bán gia cầm loại thải, gia cầm không rõ nguồn gốc.

- Triển khai thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại khu vực chăn nuôi, chợ bán gia cầm sống, điểm thu gom, cơ sở giết mổ gia cầm, cơ sở ấp nở...

Yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngoài các nội dung công việc được giao, theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình triển khai thực hiện.