.

Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Thứ Ba, 27/12/2016, 09:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình hiện có trên 45.000 người khuyết tật, trong đó khuyết tật nặng, đặc biệt nặng là 28.000 người; tâm thần mãn tính có hành vi gây nguy hiểm cho gia đình và xã hội là 4.280 người. Ngoài người khuyết tật do chất độc hóa học/dioxin trong chiến tranh, thì hiện tại số lượng người khuyết tật trên địa pbàn tỉnh có xu hướng tăng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường và các rủi ro như: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh...

Số lượng người khuyết tật chiếm khoảng 5,2% dân số toàn tỉnh, trong đó gần 90% sống ở nông thôn với điều kiện kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng... còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã miền núi rẻo cao, các xã bãi ngang, cồn bãi. Do vậy họ gặp không ít khó khăn trong việc đi lại, giao tiếp, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trình độ học vấn của người khuyết tật tỉnh ta nhìn chung còn thấp, phần lớn học xong bậc tiểu học.

Đa số người khuyết tật ở Quảng Bình không thể sống tự lập mà chủ yếu dựa vào gia đình, người thân, chỉ có khoảng 10% tự tạo được thu nhập. Người khuyết tật chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quy định của Chính phủ.

 Sở  Y tế, Sở LĐ-TB-XH và Sở GD-ĐT ký kết văn bản hợp tác về quy trình chuyển tuyến, kết nối dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Sở Y tế, Sở LĐ-TB-XH và Sở GD-ĐT ký kết văn bản hợp tác về quy trình chuyển tuyến, kết nối dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Để trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, trong những năm qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ bằng việc tổ chức nhiều đợt truyền thông trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình và Bản tin sức khoẻ của Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ với nội dung và chủ đề phòng ngừa khuyết tật, phục hồi chức năng (PHCN) cho người khuyết tật. Ngoài ra, ngành Y tế còn phối hợp, lồng ghép với các chiến dịch truyền thông các chương trình y tế để nâng cao nhận thức cho nhân dân trong công tác phòng ngừa khuyết tật tại cộng đồng.

Hiện tại, Quảng Bình chưa có bệnh viện chuyên khoa PHCN, không có bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh được thành lập năm 2004, với chỉ tiêu hiện có 70 giường bệnh, chưa thành lập đủ các khoa phòng chức năng và công tác PHCN được lồng ghép trong khoa. Hiện tại, Bệnh viện Y học cổ truyền đang được tiếp tục đầu tư để từng bước đi vào hoạt động với quy mô 100 - 120 giường bệnh.

Toàn tỉnh có 7/7 bệnh viện đa khoa huyện có bộ phận PHCN được lồng ghép trong khoa y học cổ truyền. Từ Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đến các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và các trạm y tế đã đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục hồi chức năng, như: máy kéo dãn cột sống, máy phục hồi chức năng chi trên, máy xoa bóp toàn thân đa chức năng, máy chiếu tia hồng ngoại, xe đạp tự luyện, máy tập chạy... phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ làm công tác PHCN tại Quảng Bình còn mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu, đang là vấn đề hết sức khó khăn.

 Sở Y tế trao tặng xe lăn cho người khuyết tật do Tổ chức tiếng nói trẻ em mồ côi Hoa Kỳ tài trợ.
Sở Y tế trao tặng xe lăn cho người khuyết tật do Tổ chức tiếng nói trẻ em mồ côi Hoa Kỳ tài trợ.

Việc huy động nguồn lực, từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ cho người khuyết tật luôn được các đơn vị quan tâm. Hàng trăm người khuyết tật nghèo được phẫu thuật chỉnh hình, trợ giúp phục hồi chức năng, được cung cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí; hàng ngàn người khuyết tật hệ vận động được cấp xe lăn, xe lắc, chân tay giả miễn phí, hàng trăm ca phẫu thuật mắt mang lại ánh sáng cho người mù, hàng ngàn suất học bổng đã được tặng các cháu khuyết tật nghèo vươn lên học giỏi.

Hiện toàn tỉnh có 3 trung tâm nuôi dạy và giáo dục trẻ khuyết tật,  gồm Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Trạch, Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy và Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Hới; 2 trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật ở xã Hiền Ninh và thành phố Đồng Hới. Các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, kết hợp dạy chữ với thực hiện chương trình phục hồi chức năng cho các cháu khuyết tật; kết hợp giữa học văn hóa với học nghề làm công tác.

Toàn tỉnh có 575 người khuyết tật đã được đào tạo nghề, với một số nghề chính như: làm hương, làm nón, thêu, may... từ các nguồn kinh phí. Việc thực hiện các chương trình, dự án dạy nghề đã đem lại lợi ích thiết thực cho người khuyết tật, họ có nghề để lập nghiệp tự nuôi sống bản thân, hoà nhập cộng đồng.   

Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng được ngành Y tế xác định là vấn đề chiến lược để giải quyết vần đề khuyết tật với chi phí thấp nhưng đem lại nhiều cơ hội hoà nhập cho người khuyết tật. Ngành Y tế Quảng Bình tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế các huyện, thành phố phát hiện, can thiệp sớm và phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng nhằm giúp người khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng.

L.H