.

Điều trị bệnh trĩ bằng y học cổ truyền

Thứ Tư, 21/12/2016, 17:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Y học cổ truyền (YHCT) còn gọi bệnh trĩ là trĩ sang hay bệnh lòi dom, thường gặp ở mọi nước trên thế giới, trong các lứa tuổi và cả hai giới nam, nữ. Tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn. Nhiều thống kê ở nước ngoài cho thấy tỷ lệ mắc bệnh trên tuổi 50 là 50% và có đến 5% dân số mắc bệnh trĩ.

Sách Y học cổ truyền Việt Nam ghi nhận “thập nhân cữu trĩ” có nghĩa là “mười người có chín người bị trĩ”. Theo thông kê ở Việt Nam, tỷ lệ bệnh trĩ lưu hành trong cả nước khoảng 25% - 40% dân số. Trĩ là một bệnh mạn tính do các tĩnh mạch trực tràng hậu môn bị giãn và xung huyết. Tĩnh mạch xung huyết thành một búi hoặc nhiều búi tùy vị trí tĩnh mạch ở trực tràng hay hậu môn. Bệnh trĩ gây ra nhiều biến chứng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trên lâm sàng trĩ được phân chia thành trĩ nội, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp hay trĩ vòng.

Người bệnh có thể tự phát hiện ra mình mắc bệnh trĩ khi có các biểu hiện như: chảy máu: Đây là triệu chứng sớm nhất cũng là triệu chứng thường gặp nhất. Hình thức chảy máu khác nhau và số lượng máu chảy cũng khác nhau. Tình cờ người bệnh phát hiện có máu ở giấy vệ sinh, hoặc nhìn vào phân có vài tia máu, hoặc máu chảy thành giọt, thành tia mỗi khi đi đại tiện. Muộn hơn nữa cứ mỗi khi đi đại tiện, ngòi xổm, đi lại nhiều máu lại chảy. Sa búi trĩ: Thường xảy ra muộn hơn sau một thời gian đi đại tiện có máu chảy, lúc đầu sau mỗi lần đại tiện thấy có một khối nhỏ lồi ra ở hậu môn, sau đó khối đó tự tụt vào, về sau khối lòi ra đó to dần.

Càng về giai đoạn sau của bệnh khối lồi đó rất to nên không tự co lên được mà phải dùng tay nhét trĩ vào và cuối cùng khối sa đó thường xuyên nằm ngoài hậu môn. Sưng nề vùng hậu môn: Trĩ nội lúc đầu khu trú hoàn toàn bên trong hậu môn, về sau khi trĩ to lên thì sa ra ngoài hậu môn, trĩ dễ bị phù nề hoặc sưng to gây mắc nghẹt không thể đẩy lên được làm người bệnh rất đau đớn.

Đau: Người mắc bệnh trĩ có thể không đau, có thể đau cấp tính hoặc đau mạn tính. Đau thường xảy ra trong các trường hợp sau: đau do tắc mạch trĩ do xuất hiện trong búi trĩ có những cục máu đông nhỏ, do nghẹt búi trĩ hoặc có thể có bệnh nứt hậu môn đi kèm. Viêm nhiễm ở vùng hậu môn: Do hậu quả của quá trình viêm nhiễm, bệnh nhân có cảm giác ẩm ướt ở hậu môn, xuất tiết nhầy, ngứa rất khó chịu. Thiếu máu: Có thể gặp vì chảy máu là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh trĩ. Thường thì bệnh nhân không thiếu máu, tùy theo mức độ chảy máu, thời gian chảy máu kéo dài mà dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Nguyên nhân của bệnh chưa được xác định rõ ràng và chắc chắn. Những yếu tố sau đây được coi như là những điều kiện thuận lợi cho bệnh trĩ phát sinh: Táo bón hoặc tiêu chảy lâu ngày làm xuất hiện các búi trĩ, các búi trĩ dần to lên và khi to quá sẽ sa ra ngoài; tăng áp lực ổ bụng hay viêm đại tràng mạn tính,  do di truyền...; và một số nguyên nhân khác như chế độ ăn không hợp lý, ăn quá nhiều chất cay nóng, những chất kích thích như bia, rượu và thuốc lá... đều là nguyên nhân sâu xa có thể dẫn đến bị bệnh trĩ.

Trong công tác chẩn đoán và điều trị, dựa vào các dấu hiệu lâm sàng thường gặp như đã nêu trên, các bác sĩ sẽ tiến hành soi hậu môn trực tràng bằng ống soi cứng: kỹ thuật đơn giản cho phép quan sát trực tiếp được các búi trĩ, tình trạng chảy máu hay viêm nhiễm và có thể soi bằng ống soi mềm để chẩn đoán chính xác bệnh trĩ đồng thời chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như po líp trực tràng, po líp đại tràng, K trực tràng...

Bệnh trĩ nếu không được phát hiện khám sớm và điều trị dứt điểm thì có rất nhiều các biến chứng như: đau trĩ xuất hiện khi ngồi, khi đi lại, đặc biệt đau nhiều khi đi đại tiện, nhiễm trùng búi trĩ, viêm nhiễm tại vùng hậu môn, tắc mạch trĩ, nghẹt trĩ là biến chứng hay gặp gây đau dữ dội ở hậu môn. Trĩ lâu ngày mà không được điều trị dứt điểm có thể gây ung thư hóa, chảy máu trĩ nhiều lần có thể gây bệnh nhân suy nhược cơ thể, thiếu máu...

Tóm lại bệnh trĩ mang lại nhiều biến chứng, phiền phức và đặc biệt làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Điều trị chữa bệnh trĩ theo nguyên lý YHCT có ưu điểm là điều trị từ căn nguyên, điều trị tận gốc nên hiệu quả cao, khó tái phát, ít có biến chứng, đau ít, chi phí thấp. Đông y dùng thuốc uống trong để chống chảy máu, làm nhỏ búi trĩ, chống nhiễm trùng, chống viêm nhiễm. Thủ thuật thắt trĩ có tiêm thuốc gây rụng búi trĩ là thủ thuật đặc biệt của YHCT đây là phương pháp điều trị tiệt căn bệnh trĩ. Tại Bệnh viện Y học cổ truyền, bệnh nhân trĩ được điều trị bằng nhiều phương pháp như phương pháp bảo tồn: Chỉ áp dụng cho trĩ nội độ I và II (trĩ độ III, IV ít có kết quả), trĩ ngoại bội nhiễm, trĩ lâu ngày gây thiếu máu, trĩ ở người già hay chữa trĩ bằng phương pháp đặc biệt như dùng cao dán tiêu viêm, giảm đau. Ngoài ra, phương pháp thắt các búi trĩ và tiêm thuốc rụng trĩ cũng mang lại nhiều lợi ích cho công tác điều trị. Đây là một thủ thuật đặc biệt của phương pháp điều trị trĩ bằng đông y áp dụng điều trị cho tất cả các loại trĩ. Thủ thuật này được thực hiện tại các bệnh viện YHCT hoặc các phòng chẩn trị YHCT có bác sỹ chuyên khoa sâu, có kinh nghiệm. Người ta tiến hành thắt các búi trĩ (nội, ngoại, hỗn hợp...) bằng loại chỉ “chuyên dụng” sau khi thắt xong thì tiêm dung dịch “tiêu khô trĩ linh” (được bào chế từ bài thuốc Đông y gia truyền) vào búi trĩ đã thắt, thời gian làm thủ thuật ngắn từ 5- 15 phút, sau thắt 10 phút bệnh nhân có thể về nhà, ngày 1 lần ngâm hậu môn bằng thuốc ngâm trĩ YHCT, sau khoảng 3-7 ngày búi trĩ rụng hoàn toàn. Phương pháp điều trị rất này rất hiệu quả và an toàn, trĩ rụng hoàn toàn, không tái phát, ít gây biến chứng sau điều trị. Trong quá trình điều trị, người bệnh được uống thuốc đông y, kết hợp châm cứu và các hoạt động khác nhằm sớm phục hồi sức khỏe.

Để phòng bệnh trĩ, mọi người nên ăn thức ăn nhiều chất xơ, uống đủ lượng nước theo đúng nhu cầu của cơ thể. Không dùng hoặc hạn chế các thức ăn cay nóng, các đồ uống rượi, bia...; bố trí lao động hợp lý: Tập vận động hợp lý, tránh mang vác nặng kéo dài, hạn chế bệnh trĩ do nghề nghiệp lao động gây ra. Phòng biến chứng của bệnh trĩ: bệnh nhân khi phát hiện hoặc nghi ngờ mình bị bệnh trĩ thì nên trách tâm lý dấu giếm, sợ bị kỳ thị mà hãy đến ngay các cơ sở y tế, phòng chẩn trị YHCT có chuyên môn, có uy tín, có kinh nghiệm để được khám, tư vấn, điều trị dứt điểm bệnh này càng sớm các tốt.

BSCKII. Trần Ngọc Quế
 (Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh)