.

Ngành Y tế: Tập trung nguồn lực cho công tác "phòng bệnh"

Thứ Tư, 29/10/2014, 09:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh ta luôn đẩy mạnh các chương trình, hoạt động thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh và triển khai có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia. Mặc dù còn nhiều khó khăn như thiếu trang thiết bị hiện đại, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao, song các đơn vị y tế làm công tác dự phòng luôn nỗ lực trong việc kiểm soát dịch bệnh ngay từ cộng đồng, góp phần giảm tải cho các tuyến điều trị trên địa bàn tỉnh.

Tập trung phòng chống dịch

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trong cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự bùng phát của dịch cúm A(H5N1), sởi, tay-chân-miệng... và dịch  Ebola đang bùng phát ở một số quốc gia trên thế giới. Để chủ động ứng phó với dịch bệnh,  ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh theo mùa, chú trọng phòng chống dịch cúm A (H5N1), cúm A(H7N9) và các dịch bệnh có tính chất lưu hành tại địa phương. Nhờ thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và chủ động trong mọi tình huống nên mặc dù có xảy ra dịch cúm A(H5N1) trên đàn gia cầm (thôn Cù Lạc 2 xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) song ngành đã kịp thời triển khai các biện pháp chuyên môn nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh từ gia cầm sang người.

Công tác tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị y tế dự phòng những biện pháp xử lý ổ dịch cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), phương pháp chẩn đoán điều trị, kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm, tập huấn kỹ năng phát hiện và xử lý dịch Ebola... được ngành tổ chức thường xuyên. Tại các cơ sở điều trị, hoạt động giám sát đối với các trường hợp sốt cao kéo dài, viêm hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân được tăng cường nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, toàn ngành luôn chủ động cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị, cơ sở vật chất điều trị và duy trì chế độ trực 24/24h nhằm đáp ứng các tình huống khi có dịch xảy ra.

Cán bộ y tế dự phòng đang thực hiện phun hóa chất, làm sạch môi trường nhằm phòng chống dịch bệnh trên các địa bàn dân cư.
Cán bộ y tế dự phòng đang thực hiện phun hóa chất, làm sạch môi trường nhằm phòng chống dịch bệnh trên các địa bàn dân cư.

Từ đầu năm, toàn tỉnh đã ghi nhận 111 ca mắc tay-chân-miệng, 86 ca sởi và nghi sởi, 380 ca mắc quai bị, 450 trường hợp mắc bệnh thủy đậu... rải rác ở các địa phương. Những tháng vừa qua, dịch sởi bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại tỉnh ta, nhờ chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nên hoạt động tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ em trong độ tuổi được thực hiện khá tốt. Ngoài ra, ngành Y tế còn tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc rà soát, thống kê danh sách trẻ dưới hai tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng bệnh sởi theo quy định và triển khai các hoạt động tiêm, tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 9 đến 2 tuổi.

Năm nay, tình hình bệnh sốt rét có nhiều biến động, tổng số bệnh nhân mắc sốt rét trong 9 tháng của năm 2014 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2013 và đầu quý III đã có một ca tử vong do sốt rét tại huyện Quảng Ninh. Theo báo cáo của Sở Y tế thì số bệnh nhân sốt rét và ký sinh trùng sốt rét gia tăng theo mùa, đỉnh điểm là vào tháng 7 với 123 bệnh nhân sốt rét và 95 ký sinh trùng sốt rét, chủ yếu xuất hiện ở bản Tà Rà và Hà Noong của xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa. Theo bác sĩ Cao Sĩ Phượng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Minh Hóa thì tình hình dịch bệnh sốt rét ở Dân Hóa đến nay cơ bản đã ổn định nhưng đang có nguy cơ lan rộng tại xã Trọng Hóa. Đội ngũ làm công tác y tế dự phòng đang tập trung công tác giám sát ở vùng này và chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực để đáp ứng tốt nhất cho công tác phòng chống dịch.

Một mối lo ngại khác ở Minh Hóa là đang có nhiều người mắc bệnh ghẻ ở một số địa phương trên địa bàn huyện. Cán bộ y tế đã đến các địa bàn để cấp thuốc cho người bệnh, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường nơi ở, sinh hoạt để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của bệnh.

Ở các địa phương khác trong tỉnh, hoạt động phòng chống dịch bệnh cũng đang được tăng cường vì trong thời điểm giao mùa rất dễ nảy sinh các loại bệnh có khả năng lan rộng thành dịch, nhất là các bệnh sốt xuất huyết, cúm, sốt phát ban, thủy đậu....

Còn đó những khó khăn

Trình độ dân trí thấp, nhận thức của người dân ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh của ngành Y tế.

Đơn cử như thời gian gần đây, nổi lên tin đồn là xuất hiện bệnh lạ ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, khiến người dân hoang mang lo lắng tìm đến thầy lang trên địa bàn để nhờ thầy “thổi” đuổi bệnh “chuột bạch” (cách gọi của thầy lang). Trước tình hình đó, cán bộ y tế dự phòng trên địa bàn huyện đã tích cực giám sát, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường, không tin vào cách chữa bệnh không có cơ sở của thầy lang... đồng thời vận động bà con uống thuốc vì đây chỉ là bệnh cảm cúm thường xuất hiện trong những thời điểm giao mùa, độ ẩm trong không khí cao.

Khó khăn khác là tình hình tiêm chủng mở rộng đang gặp nhiều rào cản như tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trước 24 h cho trẻ kể từ khi được sinh ra đạt thấp, một số cơ sở chưa bảo đảm điều kiện tiêm theo đúng quy định...

Việc quản lý, giám sát, cấp thuốc tự điều trị cho người dân đi vào vùng sốt rét lưu hành còn nhiều bất cập, hiệu quả công tác giám sát sốt rét chưa cao. Toàn ngành đang thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao để thực hiện tốt các nhiệm vụ của lĩnh vực y tế dự phòng, trong khi đó, đội ngũ cán bộ y tế thôn bản, lực lượng gần dân nhất lại còn nhiều hạn chế, nhất là ở các địa phương thuộc vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Từng bước khắc phục khó khăn, toàn ngành đang tập trung thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa thu-đông. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh nguy hiểm Ebola ở các xã giáp biên giới, cửa khẩu quốc tế và đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt rét nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Nhật Văn