.
Thực hiện tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới: Còn đó những khó khăn

Bài 2: "Chuẩn quốc gia về y tế", bài toán nan giải

Thứ Ba, 01/04/2014, 10:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Để đạt chuẩn nông thôn mới, một trong những tiêu chí các địa phương phải đáp ứng là đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Song với tỉnh ta tiêu chí này thực sự rất khó khăn vì xét theo các tiêu chí mới (do Bộ Y tế mới ban hành) thì đến hết năm 2013 toàn tỉnh mới có 61 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trong khi đến cuối năm 2011, toàn tỉnh đã có 132/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (83%).

>> Bài 1: Nâng cao năng lực hoạt động cho mạng lưới y tế cơ sở, nhìn từ những nỗ lực

Điều đáng ghi nhận là trong quá trình thực hiện chuẩn quốc gia về y tế cũng như Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đã phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức xã hội.

Thời gian qua, hầu hết các địa phương đã tập trung thực hiện tiêu chí y tế cho các xã được chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, nhiều trạm y tế đã có cơ sở khang trang, các tiêu chí theo quy định của Bộ Y tế về chuẩn quốc gia giai đoạn II cơ bản được đáp ứng. Điển hình trong việc thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã gắn với xây dựng nông thôn mới là huyện Bố Trạch. Trong giai đoạn 2001-2011, Bố Trạch đã có 28/30 trạm y tế ở các địa phương đạt tiêu chuẩn quốc gia (trừ hai xã vùng cao Tân Trạch và Thượng Trạch).

Từ kết quả được xem là nền tảng vững chắc ấy, Bố Trạch đã tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn mới 2011-2020 trên cơ sở bám sát 50 chỉ tiêu trong 10 tiêu chí, xem đây là nhiệm vụ quan trọng đối với việc phát triển sự nghiệp y tế trên địa bàn huyện.  Đặc biệt, Bố Trạch đã thực hiện lồng ghép việc xây dựng chuẩn quốc gia về y tế cơ sở với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ngoài việc khám chữa bệnh cho người dân, các trạm y tế còn chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe.
  Ngoài việc khám chữa bệnh cho người dân, các trạm y tế còn chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe.

Huyện đã chỉ đạo cho các địa phương tập trung thực hiện 2 tiêu chí  y tế trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; đồng thời, ưu tiên đầu tư cho y tế đối với những xã được huyện chọn làm điểm của phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua khảo sát, Bố Trạch đã có 17/30 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020, dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào này.

Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng đạt được những kết quả khả quan như Bố Trạch mà còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong hành trình thực hiện chuẩn quốc gia về y tế. Một điều dễ nhận thấy là trong Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, không ít tiêu chí mới cao hơn so với điều kiện thực tế của các trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhất là ở các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo khá cao như Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch... Các tiêu chí khó đạt chủ yếu tập trung vào các nội dung như cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, vệ sinh môi trường.

Trong đó, tiêu chí về trang thiết bị là khó thực hiện nhất vì phần lớn thiết bị y tế đều đắt tiền, nhiều chủng loại (176 loại), trong đó có 3 loại thiết bị bắt buộc như các máy: siêu âm, điện tim, đo đường huyết. Do đó, việc thực hiện tiêu chí này ở tuyến y tế cơ sở là hết sức khó khăn trong điều kiện ngân sách đầu tư cho ngành Y tế còn nhiều hạn chế. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ các xã đạt bộ tiêu chí còn thấp chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân ở các trạm y tế còn nhiều bất cập.

Qua thực tế cho thấy, xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đã khó, việc duy trì các xã đạt chuẩn bền vững lại còn khó khăn hơn. Ngoài cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực chưa đồng bộ, các xã còn gặp không ít rào cản từ các chỉ tiêu về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, mức giảm sinh, chỉ tiêu mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, cơ cấu nhân lực...

Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 132/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (83%) nhưng hiện chỉ có 61 xã tiếp tục đạt chuẩn trong giai đoạn 2011-2020. Mặc dù tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng lực hoạt động cho mạng lưới y tế cơ sở, song xét về tiêu chí và từng chỉ tiêu cụ thể thì vẫn đang còn là thách thức đối với các địa phương. Khó khăn nhất trong thực hiện chuẩn quốc gia về y tế ở tỉnh ta hiện nay là cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa đáp ứng.

Ngoài các xã đã được công nhận đạt chuẩn, các trạm y tế còn lại đều xuống cấp, thiếu trang thiết bị, không đủ các phòng chức năng và các hạng mục khác. Công tác thu gom, phân loại xử lý rác thải y tế chưa bảo đảm yêu cầu đề ra. Ngoài ra, việc vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm y tế cho người cận nghèo cũng hết sức khó khăn. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các trạm y tế trong việc thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn mà còn là một trở ngại trong phong trào xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.

Trên lộ trình mới, ngành Y tế tiếp tục phối kết hợp với tất cả các ban, ngành, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về sức khỏe cho người dân để dần thực hiện thành công các nội dung như giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, tham gia bảo hiểm y tế... góp phần cùng địa phương sớm hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Có thể thấy rằng, thực hiện thành công chuẩn quốc gia về y tế xã theo tiêu chí mới của Bộ Y tế là cả một quá trình, song xây dựng các trạm y tế xã trong hợp phần xây dựng nông thôn mới tại các xã điểm lại là việc cần phải làm ngay. Vì vậy, thiết nghĩ, cùng với sự nỗ lực của ngành Y tế, các địa phương cần phải xây dựng kế hoạch và có lộ trình thực hiện cụ thể, kèm theo đó là những giải pháp đồng bộ, phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các địa phương hoàn thành tiêu chí y tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nhật Văn