.

Nỗ lực trong công tác phòng chống lao

Thứ Sáu, 28/03/2014, 09:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, căn nguyên gây tử vong cao. Ở Việt Nam cứ 100.000 dân có 36 người tử vong do bệnh lao. Bên cạnh đó, lao cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đói nghèo, làm chậm quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

 

Chụp X.quang phổi cho bệnh nhân lao tại Trung tâm phòng chống bệnh xã hội.
Chụp X.quang phổi cho bệnh nhân lao tại Trung tâm phòng chống bệnh xã hội.

Vì vậy trong những năm qua, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội (TTPCBXH) đã nỗ lực xây dựng và phát triển mạng lưới phòng chống lao từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Năm 2013 có hơn 39.000 lượt người khám tại TTPCBXH, trong đó phát hiện 841 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn lao. Tỷ lệ điều trị thành công bệnh lao đạt 97%, điều trị khỏi đạt trên 96%.

Cũng trong năm 2013, Trung tâm đã triển khai khám sàng lọc tại 4 huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh đã khám cho hơn 32.400 lượt người, chụp phim xét nghiệm cho 32.000 người, với những bệnh nhân nghi lao đều được đưa vào sổ quản lý để điều trị; tổ chức 4 lớp tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện, 12 lớp cho tuyến xã nhằm nâng cao kỹ năng về phòng chống bệnh lao. Hằng năm, Trung tâm đã phối hợp với Dự án quỹ toàn cầu thực hịên truyền thông trực tiếp các kiến thức phòng chống bệnh lao tại cộng đồng cho hơn 120/159 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.

Hiện nay hoạt động phòng chống lao trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tại 159/159 xã, phường thị trấn. Công tác phát hiện người mắc mới, bệnh nhân điều trị giai đoạn tấn công nội trú tại các bệnh viện, bệnh nhân điều trị duy trì tại cộng đồng, bệnh nhân kháng đa thuốc, bệnh nhân HIV mắc lao đều được cán bộ chuyên khoa lao của Trung tâm quản lý và giám sát dùng thuốc nghiêm ngặt theo quy định.

Song song với công tác phát hiện quản lý và điều trị, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng chống bệnh lao, thông qua các hoạt động như: Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao; tiếp tục phối hợp với các ban, ngành tổ chức tuyên truyền tại địa phương, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tập huấn về nâng cao kỹ năng phòng chống bệnh lao cho 100% cán bộ phụ trách chương trình phòng chống lao tại các huyện, xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.

Trung tâm tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm bảo đảm và duy trì có hiệu quả DOST chất lượng cao ở các tuyến (hóa trị liệu ngắn ngày có giám sát trực tiếp), mở rộng các chương trình tư vấn và xét nghiệm tự nguyện cho bệnh nhân lao tại các tuyến cơ sở, đặc biệt ngăn chặn tình trạng bệnh lao ở các bệnh nhân nhiễm HIV. Đây là những biện pháp tuyên truyền lâu dài nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân, sự ủng hộ của các cấp các ngành trong thực hiện mục tiêu của chương trình phòng chống lao.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng khoa lao Trung tâm phòng chống bệnh xã hội thì việc tổ chức thực hiện các mục tiêu còn gặp nhiều khó khăn thách thức, đó là số người nhiễm lao trong cộng đồng chưa giảm, số bệnh nhân kháng đa thuốc còn cao. Đặc biệt là sự hiểu biết về bệnh lao của nhân dân còn hạn chế, do đó việc phát hiện bệnh nhân mới, phát hiện nguồn lây trong cộng đồng để quản lý và điều trị bệnh nhân còn nhiều trở ngại khó khăn.

Cũng theo bác sĩ Ánh, người bệnh còn định kiến nên giấu bệnh không đi khám, khi đến cơ sở y tế bệnh đã nặng và nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng là rất lớn. Việc thiếu cán bộ, đặc biệt là cán bộ chuyên khoa ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều trị phòng chống lao, hầu hết các cán bộ chống lao tại các trung tâm y tế dự phòng đa số là y sỹ. Bên cạnh đó việc luân chuyển, thay đổi cán bộ chuyên trách thường xuyên nên họ không được tập huấn hoặc đào tạo lại. Hiện tại cũng chưa có bệnh viện lao nên việc quản lý và điều trị còn gặp nhiều khó khăn trở ngại.

Hoàng Loan