.

Chuyện những cán bộ cơ sở mang quân hàm xanh

Chủ Nhật, 11/06/2017, 09:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc và được coi như con dân của bản là điều mà chúng tôi cảm nhận được ở các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tuyến biên giới của tỉnh. Trách nhiệm được giao cùng với mối quan hệ quân - dân thủy chung “Đồn là nhà, biên giới là quê hương” đã tạo nên sự gắn kết giữa người cán bộ mang quân hàm xanh với đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ từng bước ổn định đời sống giữa đại ngàn Trường Sơn.

Nói dân nghe, làm dân tin

Dù đã hẹn trước, song thiếu tá Võ Doãn Lân, cán bộ Đồn Biên phòng Cồn Roàng (Bố Trạch, Quảng Bình), Phó Bí thư Đảng ủy xã biên giới Thượng Trạch vẫn rất bận rộn, bởi hôm nay là ngày thứ hai, nhiều việc cần phải giải quyết. Chúng tôi bất ngờ khi được đồng chí mời dự buổi giao ban đầu tuần ở xã vùng biên này.

Thiếu tá Võ Doãn Lân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch trò chuyện với bà con bản Cà Roòng 2.
Thiếu tá Võ Doãn Lân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch trò chuyện với bà con bản Cà Roòng 2.

Bí thư Đảng ủy về xuôi công tác, Phó Bí thư Võ Doãn Lân chủ trì cuộc giao ban. Mở đầu, lãnh đạo UBND xã báo cáo công việc đã làm trong tuần qua và công tác tuần này; các đảng ủy viên công chức xã hoặc phụ trách các đoàn thể cùng trao đổi công việc, nhiệm vụ của đơn vị mình. Kết luận cuộc giao ban, bằng chất giọng to rõ, sau khi đánh giá lại kết quả các nhiệm vụ đã thực hiện trong tuần, Phó Bí thư Đảng ủy Võ Doãn Lân cũng nhắc nhở, phê bình một số việc chưa làm được.

Chẳng hạn như việc trồng cây nghệ sau khi được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ cây giống của bà con còn chậm, có bản còn tổ chức trồng qua loa mà chính quyền thiếu kiểm tra chấn chỉnh; vệ sinh môi trường, phát quang hai bên con đường dẫn vào trung tâm xã chưa được Đoàn xã triển khai... Đồng chí Võ Doãn Lân đề nghị, ngay sau cuộc họp, các tổ chức, cá nhân triển khai ngay nhiệm vụ được phân công, cuối tuần thường trực Đảng ủy tiếp tục kiểm tra. Cuộc giao ban kết thúc, chúng tôi về thăm bản Cà Roòng 2.

Trước đây, bà con bản Cà Roòng 2  ở khá phân tán, đường sá đi lại khó khăn. Tập quán chăn thả gia súc tự do làm cho bản làng ô nhiễm. Người lớn suốt ngày uống rượu, bỏ bê việc lên rẫy, nhiều khi say rồi gây sự, kêu lên xã.

Già làng Đinh Kin nhớ lại: “Từ khi cán bộ Lân về, anh họp bản rồi đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân giảm uống rượu để có thời gian lên nương rẫy trỉa ngô lúa, trồng sắn. Cán bộ hướng dẫn bà con rào nhà tạo thành vườn để trồng rau và không cho trâu bò phá. Trâu bò, lợn phải có nơi nhốt riêng, không buộc dưới nhà sàn ô nhiễm. Cán bộ hướng dẫn, nhắc nhở rồi xuống bản cùng làm, nên dần bà con cũng hiểu và làm theo. Bản Cà Roòng 2 giờ thay đổi nhiều rồi”.

Còn Đinh Lâu đang ngồi hóng chuyện với già Đinh Kin thì nói:“Tháng 10 năm ngoái mưa bão làm hỏng mái nhà, lên xã xin thì bộ đội Lân cho tấm lợp về lợp lại ở cho đến giờ”.

Đầu tháng 7 - 2011, thiếu tá Võ Doãn Lân nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch phụ trách xây dựng cơ sở. Ban đầu, với một Đội phó Đội phòng chống ma túy và tội phạm như anh, chuyển sang tăng cường về cơ sở và làm nhiệm vụ chuyên trách công tác Đảng là điều còn khá bỡ ngỡ. Song nhờ nhiều năm làm công tác vận động quần chúng, lại được sự động viên, hướng dẫn tận tình của Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Cồn Roàng, Ban Tổ chức Huyện ủy Bố Trạch, anh từng bước quen với công việc và phát huy được vai trò của mình trong nhiệm vụ được giao.

Thiếu tá Võ Doãn Lân cho biết, khi đồng chí về xã, Đảng ủy Thượng Trạch có 12 đồng chí thì chỉ bốn đồng chí có trình độ văn hóa THPT, còn lại là tiểu học và THCS, thậm chí là một số còn chưa đọc thông viết thạo; ba đồng chí trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, còn lại chưa được đào tạo gì. Nhiều đảng viên lãnh đạo xã thường xuyên đi rẫy ở lại hàng tháng nên ảnh hưởng đến công việc được giao và khó tổ chức sinh hoạt Đảng. Các chi bộ hầu như không sinh hoạt, không tạo được nguồn để kết nạp đảng viên mới.

Từ thực tế đó, thiếu tá Võ Doãn Lân cùng với đồng chí Bí thư Đảng ủy (cũng là cán bộ luân chuyển từ huyện về) phối hợp với Đồn Biên phòng Cồn Roàng tập trung củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương. Đến nay, xã Thượng Trạch đã thành lập mới 13 chi bộ, lựa chọn được 110 quần chúng ưu tú để bồi dưỡng và đã kết nạp được 86 đảng viên, xóa được tình trạng bản trắng đảng viên. Đặc biệt là cấp ủy đã bước đầu đào tạo được nguồn cán bộ kế cận sau khi họ hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Đồn Biên phòng Cồn Roàng.

Đồng chí Võ Doãn Lân chia sẻ: “Cùng đơn vị, tôi thấy chiến sĩ Đinh Thiện, người trong xã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được kết nạp Đảng tại Đồn. Vì vậy, sau khi Đinh Thiện ra quân, tôi báo cáo thường trực Đảng ủy nhận anh về xã làm Phó trưởng Công an xã. Sau gần ba năm đào tạo chuyên môn, bây giờ Đinh Thiện là Bí thư Xã đoàn luôn năng nổ với công việc. Anh Đinh Cu cũng thế, làm cán bộ tư pháp xã nhưng chưa được học hành gì, tôi tạo điều kiện, động viên đi học trung cấp pháp lý, trung cấp chính trị, giờ đảm đương công việc rất tốt. Đây là những cán bộ trẻ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới”.

Củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp đồng bào ổn định đời sống

Thượng tá Phạm Xuân Diệu, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, thực hiện đề án tăng cường BĐBP về cơ sở, đến nay, Bộ chỉ huy đã cử 36 cán bộ đảng viên BĐBP tăng cường tham gia sinh hoạt ở cơ sở, trong đó có bốn đồng chí giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã, 14 đồng chí Phó Bí thư chi bộ. Xác định rõ trách nhiệm được giao, các đảng viên mang quân hàm xanh đã dốc hết tâm và lực, cùng cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, củng cố hệ thống tổ chức chính trị cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh khu vực biên giới.

Các đảng viên tăng cường vốn chỉ quen với việc cầm chắc tay súng để bảo vệ biên cương của Tổ quốc, nay được Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh phân công tăng cường về làm Phó bí thư Đảng ủy xã, sinh hoạt tại các chi bộ bản, bước đầu ai cũng thấy bỡ ngỡ, lo lắng. Để làm tốt chủ trương này, Đảng uỷ BĐBP tỉnh đã mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể; cử các đồng chí giữ chức danh Phó bí thư Đảng uỷ xã tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng, quản lý nhà nước tại Trường Chính trị tỉnh.

Qua năm năm thực hiện đề án, cán bộ tăng cường đã tham gia củng cố, kiện toàn gần 200 tổ chức đảng, chính quyền, hơn 60 chi hội phụ nữ, hơn 53 hội nông dân, hơn 80 chi đoàn; kết nạp 409 đảng viên, xóa nhiều bản trắng đảng viên và chưa có tổ chức đảng; giúp địa phương xây dựng quy chế làm việc của đảng ủy, chính quyền, đoàn thể, từng bước đưa các chế độ sinh hoạt, công tác đi vào quy củ hơn... tạo được chuyển biến tích cực cả về tổ chức, nội dung, chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở; góp phần tích cực trong việc chấn chỉnh lề lối, tác phong, nền nếp công tác của cán bộ và các tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương.

Cùng với việc củng cố hệ thống chính trị cơ sở, cán bộ tăng cường đã hướng dẫn, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất. Bộ đội hướng dẫn, hỗ trợ đồng bào thực hiệu quả việc trồng lúa nước ở một số bản, góp phần bảo đảm một phần nguồn lương thực tại chỗ. Các mô hình trồng rừng, chăn nuôi gia súc, nuôi cá... mà BĐBP “bắt tay chỉ việc”cũng từng bước giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Mặt khác, cùng với chính quyền địa phương, BĐBP tập trung tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục và chăm lo sức khỏe cho bà con.

Bà con ở bản Cốc, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch sử dụng nước từ giếng khơi do Đồn Biên phòng Cồn Roàng tặng.
Bà con ở bản Cốc, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch sử dụng nước từ giếng khơi do Đồn Biên phòng Cồn Roàng tặng.

Theo Thượng tá Phạm Xuân Diệu, khó khăn trong thực hiện đề án này là do biên chế hạn chế nên Bộ Chỉ huy chưa cử được các sĩ quan chính quy đi tăng cường mà chủ yếu là quân nhân chuyên nghiệp. Số cán bộ này thừa sự nhiệt tình và kinh nghiệm công tác nhưng còn hạn chế về nghiệp vụ công tác đảng và trình độ quản lý Nhà nước, do đó phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.

Thiếu tá Võ Doãn Lân thì có cái nhìn thực tế hơn của người trong cuộc. Đồng chí cho biết, hệ thống chính trị các xã biên giới tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều bất cập, do đội ngũ cán bộ địa phương còn yếu, một số vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở còn ngại hoặc thiếu phương án giải quyết phù hợp. Vì vậy, trong tham mưu, chỉ đạo, cán bộ tăng cường vẫn phải làm thay.

Tuy còn một số hạn chế nhất định song khi trao đổi với chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo hai huyện Minh Hóa và Bố Trạch đều đánh giá cao đóng góp của các đồng chí BĐBP được tăng cường. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm cao, nên từ khi được tăng cường đến nay, các xã biên giới đều vượt lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, an ninh chính trị vùng biên giới ổn định. Các đảng bộ đã kết nạp được nhiều đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, có địa phương gửi công văn đề nghị Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Bình tiếp tục bố trí cán bộ về tăng cường tại các chi bộ bản làng xa xôi.

Đến với BĐBP trên tuyến biên giới Việt- Lào, chúng tôi cảm nhận được rằng, bộ đội không chỉ cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc mà còn được bà con nhận là con dân của bản. Dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng hình ảnh người lính biên phòng luôn gần gũi, thân quen và đang nỗ lực sát cánh cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên trong hành trình xóa đói nghèo làm cho vùng biên cương của Tổ quốccàng thêm ấm áp.

Hoàng Phúc