.

Người Rục đã biết làm nông

Thứ Tư, 07/06/2017, 09:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồn Biên phòng Cà Xèng được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới Việt Nam-Lào dài khoảng 31 km. Đây là khu vực có địa hình núi non hiểm trở, giao thông khó khăn, nơi có tộc người Rục sinh sống. Những năm qua, bên cạnh việc chú trọng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chuyên môn được giao, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị còn tích cực hỗ trợ đồng bào Rục nâng cao kiến thức nghề nông...

Chúng tôi tìm đến các bản Yên Hợp, Ón, Mò O Ồ Ồ của xã Thượng Hoá (huyện Minh Hoá) vào những ngày cuối tháng 5-2017, đúng vào dịp người Rục đang cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thu hoạch vụ lúa đông-xuân 2016-2017. Khác với những vụ mùa trước, ở vụ lúa nước lần thứ 6 này, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng không trực tiếp xuống đồng gặt lúa, mà chỉ hướng dẫn về kỹ thuật gặt và đảm nhận phần tuốt lúa giúp bà con...     

Đại uý Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng tâm sự: Trước ngày được bộ đội phát hiện và đưa ra khỏi hang đá, người Rục hầu như chỉ biết hái rau rừng, ăn cây dại..., cuộc sống đơn thuần với việc săn bắt, hái lượm, sử dụng những vật phẩm có sẵn từ rừng; trồng trọt, chăn nuôi đối với họ là điều khá xa lạ. Sau đó, đồng bào được đưa về định canh, định cư tại các bản Yên Hợp, Ón, Mò O Ồ Ồ; BĐBP đã đẩy mạnh tuyên truyền, giúp đỡ, chuyển giao, nâng cao kiến thức về nghề nông cho bà con.

Buổi đầu, bộ đội hướng dẫn cách thức sản xuất nông nghiệp cho người Rục như: phát rẫy, chọc lỗ tra hạt, ngâm ủ giống, cày bừa làm đất, bón phân, làm chuồng, rào vườn, chăn nuôi... Vào thời điểm đó, ruộng rẫy thì rộng, nhưng đồng bào sau khi tra hạt xong là phó mặc cho trời, thú rừng phá hoại, đến mùa thu được chẳng  là bao. Bộ đội Biên phòng phải xuống từng nhà, vận động, hướng dẫn bà con chủ động sản xuất để có thu hoạch.

Bà con người Rục thu hoạch lúa.
Bà con người Rục thu hoạch lúa.

Sau quá trình vận động, hướng dẫn kiên trì của BĐBP, đến nay, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến những đôi bàn tay thoăn thoắt, thuần thục của người Rục khi gặt lúa không thua kém gì so với những nông dân vùng đồng bằng có nhiều kinh nghiệm làm nông. Đây chính là kết quả của sự giúp đỡ tích cực của lực lượng BĐBP trong suốt một quãng thời gian dài. Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng đã bền bỉ "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn người Rục từng phần việc cụ thể như: chặt cây rào vườn, cuốc đất để trồng rau màu, chăm sóc gà, lợn, nuôi trâu, bò...

Năm 2009, sau một chuyến khảo sát tìm nguồn nước để lập dự án nước sạch phục vụ sinh hoạt cho cụm dân cư 3 bản có người Rục sinh sống và Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng trực tiếp tiến hành khai hoang, cùng dân bản trồng thử nghiệm cây lúa nước.

Ông Trần Trung Trực (bản Yên Hợp) là người Rục đầu tiên được BĐBP hỗ trợ, làm thử nghiệm vụ lúa nước đầu tiên sau 50 năm rời hang đá. Vụ lúa nước đầu tiên của ông Trực đã thành công. Đến vụ thứ 2, mô hình này được mở rộng thêm diện tích và có thêm 3 hộ ở 3 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ cùng tham gia...

Từ việc thử nghiệm trồng lúa nước thành công, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã quyết định lập dự án đầu tư hệ thống thuỷ lợi và khai hoang vùng Rục Làn trở thành đồng lúa cho đồng bào Rục sản xuất với nguồn kinh phí gần 5,2 tỷ đồng, tổng diện tích khoảng 10 ha. Tính đến nay, đồng bào Rục với sự giúp đỡ của BĐBP đã sản xuất được 6 vụ lúa nước với năng suất bình quân đều đạt trên 3,5 tấn/ha/vụ.

Đại uý Nguyễn Trung Chính cho biết: Ở vụ lúa nước đầu tiên, đơn vị trực tiếp đứng ra làm, đồng thời hướng dẫn bà con từng phần việc theo tuần tự. Cụ thể như cách thức cày bừa, lấy nước vào ruộng, ngâm ủ giống, gieo hạt rồi đến tỉa dặm, bón phân, chăm sóc lúa, gặt... đúng kỹ thuật. Qua 6 vụ lúa, bây giờ phần lớn công việc trên đồng ruộng đều do đồng bào tự làm, bộ đội chỉ hướng dẫn. Không chỉ biết trồng lúa nước 2 vụ/năm, hiện nay đồng bào Rục còn tiến hành trồng ngô, đậu xanh trên diện tích gần 3 ha (2 vụ/năm).

Ngoài ra, nhiều hộ gia đình người Rục đã chủ động trồng thêm các loại rau xanh trong vườn, chăn nuôi gà, lợn, trâu bò để gia tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, được sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền và lực lượng biên phòng, nhiều gia đình người Rục còn biết trồng rừng kinh tế để cải thiện cuộc sống. Kiến thức nghề nông của người Rục đang từng bước được nâng lên, góp phần giúp bà con ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo...

Văn Minh