.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Từ khu rừng thiêng ấy

Thứ Sáu, 19/12/2014, 16:14 [GMT+7]
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(QBĐT) - Nhắc đến Cao Bằng, chắc ít người không nghĩ tới địa danh Pắc Bó với những vần thơ quen thuộc Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê-nin, kia núi Mác/ Hai tay gây dựng một sơn hà của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu rừng mang tên vị anh hùng kiệt xuất Trần Hưng Đạo. Người làm ra những câu thơ kia là lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, cũng là cha đẻ lực lượng vũ trang nhân dân nước ta.

>> Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

>> Xã luận: Nối tiếp trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, trong cái rét căm căm của núi rừng Việt Bắc, 34 chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đọc Mười lời thề danh dự trước cờ đỏ sao vàng, nguyện hết lòng hết dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang còn rất trẻ được Đảng và Bác Hồ giao cho nhiệm vụ quan trọng là lãnh đạo chỉ huy Đội. Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên.

Sau lễ thành lập, 34 chiến sỹ ăn với nhau một bữa cơm không muối như để ghi cốt khắc tâm lời thề đồng cam cộng khổ sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân.

34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân hầu hết đã thành người thiên cổ. Duy nhất chỉ còn một cụ đang sống ở Tây Nguyên là Tô Đình Lực (tên thật là Cắm). Tháng 10 năm 2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã về yên nghỉ ở Vũng Chùa-Đảo Yến. Hàng triệu lượt người về đây viếng thăm Đại tướng, hoa tươi chưa bao giờ hết, nhang thơm chưa bao giờ tắt trước mộ Người.

Thế giới gọi Võ Nguyên Giáp là Đại tướng huyền thoại, nhân dân ta phong Người là Thánh. Thánh Giáp linh thiêng bất tử trong lòng dân Việt.

Anh Đặng Hồng Cao, người Dao Tiền, nhân viên bảo vệ Di tích lịch sử Khu rừng Trần Hưng Đạo hướng dẫn chúng tôi thắp hương lên bàn thờ Đại tướng và các chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mất. Anh tâm sự: “Bảo vệ khu di tích này chỉ có 2 người, tôi và anh Nông Văn Bốn. Chúng tôi thay nhau trực và chưa bao giờ để xảy ra sai sót nào.

Tôi nghĩ rằng, Đại tướng và các ông bà trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân luôn tụ họp về đây để ôn lại những kỷ niệm trên vùng đất đã che chở, cưu mang mình khi quân đội đang thời trứng nước...”. Câu nói của Đặng Hồng Cao ẩn chứa yếu tố tâm linh nhưng tôi nghĩ anh rất tin điều đó. Tin vào sự bất tử của những người lính một lòng một dạ vì nước vì dân; sự hi sinh của họ đã kết tinh thành nguyên khí, hồn vía non sông, mất mà còn, tan mà tụ, khuất mà hiện muôn nơi, mọi nẻo.

Tôi cũng chung cảm giác lâng lâng đó khi đứng trước Nhà bia nơi từng có buổi tuyên thệ lịch sử của 34 người lính áo vải chân đất, súng kíp, giáo mác hay lúc ở trong lán sinh hoạt của Đội. Lán ở, bảy mươi năm về trước là cột gỗ, mái lá, sạp tre, hiện nay, tất tật được phục chế bằng xi măng. Dù là vật liệu gì thì tôi vẫn cảm nhận được dư âm quá khứ trong từng hiện vật, tuy nhiên, vang vọng ngân rung nhất là những nung nấu quyết giành độc lập, tự do cho non sông, những khát khao mang về cuộc sống mới ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành cho những người nô lệ lầm than trong chế độ thực dân nửa phong kiến.

Nung nấu và khát khao này quy tụ đầy đủ và mãnh liệt nhất trong Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa trận ốm tưởng chừng khó qua khỏi Bác đã gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp đến dặn dò: Dù có phải đốt cháy hết dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành lại độc lập cho dân tộc...

Gió thu lướt rào rào trên mái rừng xưa cổ. Biết mấy thời gian đã qua đây? Mới hình dung thôi đã thấy xa xăm thăm thẳm quá chừng, những thiên kỷ vời vợi tạo dựng non sông của trời đất, những thế kỷ thăng trầm dựng nước, giữ nước của con người và bảy mươi năm cho một đội quân cách mạng Từ nhân dân mà ra - Vì nhân dân mà chiến đấu. Bao lớp người ra trận, bao lớp người ngã xuống; đời ông - đời cha - đời con - đời cháu nối tiếp nhau chung khúc quân hành.

Chúng tôi tới Nhà trưng bày Chiến thắng Phai Khắt ở xã Tam Kim khi hướng dẫn viên Nông Thị Bích, một phụ nữ Tày duyên dáng đang say sưa thuyết trình cho khách thăm. Những hiện vật cũ kỹ như tấm chăn, khẩu súng kíp, chiếc nồi đồng, cái màn, manh áo... chợt bừng lên ánh sáng dĩ vãng anh hùng.

Nông Thị Bích tâm sự: “Quá khứ phải như thế nào đó thì mới tạo nên lòng tự hào của các thế hệ hôm nay. Em nghĩ, chính những hiện vật thô sơ cũ kỹ này đã nói lên được khí phách, tinh thần của cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi họa xâm lăng. Em thực sự tự hào khi được giới thiệu với nhiều người về trận thắng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Đến thăm Khu di tích chiến thắng Nà Ngần ở xã Hoa Thám, chúng tôi cũng được “vây bọc” trong niềm tự hào của dân bản. Khu di tích chỉ là mảnh vườn cũ, trong đó có dựng một Nhà bia khắc ghi chiến thắng Nà Ngần ngày 26 tháng 12 năm 1944. Sau khi đánh chiếm đồn Phai Khắt được một ngày, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến đánh đồn Nà Ngần.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập.
Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập.

Bảy mươi năm mà như chưa xa xôi mấy, bà con dân bản vui vẻ kể cho chúng tôi nghe chuyện đánh đồn. Thực ra, đấy là câu chuyện được truyền lại từ những thế hệ trước, những người đã đi vào cõi thiên thu hay già lão quá rồi. Ông Đặng Văn Rèn, một người dân đang sống tại đây cười nói: “Nà Ngần nhỏ thôi nhưng cả nước biết tới bản mình. Nhờ quân đội của Bác Hồ, Bác Giáp cả đó. Vui lắm! Vui lắm mà!”.

Trước khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra trận, Bác Hồ chỉ thị rất ngắn gọn: Trận đầu phải thắng! Đúng thế, trận thắng Phai Khắt, Nà Ngần nhỏ thôi nhưng mang ý nghĩa lịch sử to lớn vì không có nó thì không có những chiến công, kỳ tích to lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 70 năm qua. Không có chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần làm sao có kỳ tích Điện Biện Phủ 1954 và Mùa xuân đại thắng 1975... Không có 34 chiến sỹ đầu tiên ấy làm sao có Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng gồm đủ các quân, binh chủng đang từng bước chính quy hiện đại làm nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc hôm nay.

Thời chiến tranh khốc liệt cũng như hòa bình, những người lính Cụ Hồ luôn được sự yêu thương đùm bọc che chở của nhân dân. May mắn cho tôi trong chuyến lên Cao Bằng lần này được gặp ông Dương Mạc Thăng, con trai đồng chí Xích Thắng, Chính trị viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại xã Minh Tâm.  Ông Thăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nay đã về nghỉ hưu ở quê.

Theo lời ông Dương Mạc Thăng, ông Xích Thắng từng được đoàn thể giao cho nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Đi công tác, Bác Hồ trong vai một ông già người Nùng chống gậy đi sau Xích Thắng. Có bận gặp lính dõng ra chặn đường, đòi khám xét, ông già Nùng ú ớ khua gậy chỉ chỉ trỏ trỏ như người bị câm, thế là bọn chúng cho đi luôn. Bác Hồ từng về Minh Tâm mở lớp chính trị ở hang đá Kéo Quảng để giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Ông cũng là người từng có nhiều năm hoạt động gần gũi với đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Ông Dương Mạc Thăng nhớ lại: Khi kể về Bác Giáp, mẹ tôi thường cười nói: “Anh Văn ăn Tết ở nhà mình mòn cả bát đũa”. Bà Nông Thị Yêm, mẹ ông Thăng mới mất năm ngoái nhưng may sao những câu chuyện về Võ Nguyên Giáp bà kể cho con cháu trong nhà nghe vẫn còn được lưu lại. Lão cần Keo (Ông người Kinh làm thầy giáo- tức Anh Văn) người thư sinh trắng trẻo như con gái nhưng trèo núi, leo hang giỏi lắm, hay giúp việc gia đình, thích hỏi chuyện mọi người. Anh Văn chăm học và học tiếng Tày rất nhanh.

Chính những lớp học chính trị do Bác Hồ và Anh Văn mở ra thời ấy đã mang ánh sáng Cách mạng về cho nhân dân. Không chỉ người nghèo mong độc lập, tự do cho nước nhà mà không ít người sinh ra trong gia đình khấm khá cũng thế. Gia đình ông Xích Thắng không nghèo; nhà ép mía, làm mật, buôn muối nhưng vẫn đi theo Việt Minh đánh Tây. Cách mạng là giác ngộ quần chúng. Điều ấy thật đúng.

Nhờ được giác ngộ mà ông Bách Hợp từng đi lính cho Pháp trở thành một trong ba mươi tư chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đoàn kết dân tộc là một nội dung rất quan trọng, có thể nói là cốt yếu trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công. Điều đúc kết ấy của Hồ Chí Minh luôn luôn đúng, rất đúng trong mọi hoàn cảnh, giai đoạn của Cách mạng.

Khi về Nguyên Bình, tôi được ăn cơm nấu bằng loại gạo hạt vừa nhỏ vừa dài vừa trong rất thơm dẻo. Bà con nói với tôi rằng đây là gạo khẩu lừm phua, nghĩa là gạo quên chồng. Gạo này nấu thành cơm thơm ngon quá, vợ ăn hết quên cả phần chồng. Kiểu như quê tôi có câu ca dao rất hóm: Cá lẹp kẹp với lá mưng/ Ông ăn một miếng mụ trừng mắt lên, cũng chỉ là kiểu ngoa ngôn nói về cái ngon của món ăn này. Thực ra, người dân vùng cao sống rất nghĩa tình, không chỉ với người thân trong gia đình mà với cách mạng, với bộ đội cũng thế. Chuyện còn truyền lại tới bây giờ, ngày Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ ra mắt, nhiều bà con dân bản mang gạo, ngô, thịt đến ủng hộ.

Trong kháng chiến, giữa sự kìm kẹp khủng bố của giặc, dân Nguyên Bình vẫn cưu mang che chở bộ đội. Đến Nguyên Bình hôm nay, tôi vẫn cảm nhận được nghĩa tình quân dân thắm thiết. Nghĩa tình từng được ví như cá với nước ấy vẫn được bảo lưu trọn vẹn trong lòng người dân...

Bút ký của Nguyễn Hữu Quý