.

Những đứa trẻ "mang tên" da cam - Bài cuối: Còn sống... còn khát vọng!

Thứ Tư, 13/08/2014, 08:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là tâm sự của chàng trai bé hạt tiêu, nạn nhân CĐDC Lê Ngọc Tuấn, sinh năm 1983, ông chủ của quầy sửa chữa điện tử và kinh doanh inrernet lớn nhất xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh). Còn sống... còn khát vọng, cho dù thân thể triền miên đau ốm, bệnh tật. Tôi mang câu nói của em soi chiếu vào cuộc đời, vào những nạn nhân CĐDC giống em. Quả thật! Từ trong tối tăm, trong bi kịch, những thân phận da cam đã tự tìm lấy cho mình con đường đi riêng, cho dù trên đó chẳng có lấy một cánh hoa hồng. Nâng đỡ là vòng tay yêu thương của toàn cộng đồng xã hội.

>> Bài 2: Không vẹn nguyên hình hài

>> Bài 1: Lời thỉnh cầu từ những nạn nhân da cam

Từ Thị Nhật Linh tại Ấn Độ.
Từ Thị Nhật Linh tại Ấn Độ.

Trong những năm tháng đồng hành cùng nạn nhân CĐDC/dioxin, không ít lần tôi ngỡ ngàng trước thành công trong cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc của họ. Là Lê Ngọc Tuấn cùng người bạn đời Nguyễn Thị Trà My, cô gái có trái tim nhân hậu sẵn sàng “nâng khăn, sửa túi” cho Tuấn bé hạt tiêu. Là câu chuyện tựa cổ tích của Lê Minh Anh, chủ xưởng mộc ở xã Lý Trạch (huyện Bố Trạch), nên duyên cùng cô thôn nữ Trần Thị Trúc. 

Và những câu chuyện kể đời thường, dung dị về nạn nhân CĐDC chiến thắng bệnh tật, nghèo khó, vươn lên tái hòa nhập với cộng đồng: mô hình trang trại VAC của ông Nguyễn Văn Xứng tại thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh; Hồ Văn Quý ở thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh làm giàu nhờ nuôi lợn rừng, nuôi ong; Nguyễn Thành Công, xã Hạ Trạch, sửa chữa và dạy vi tính cho đối tượng người tàn tật; Nguyễn Văn Phúc, thôn Nam Hà, xã Nam Hóa, phát triển trang trại vườn rừng...

Còn sống... còn khát vọng! Nhưng với nạn nhân CĐDC, quá trình chiến thắng bản thân, hoàn cảnh, mặc cảm thân phận vươn lên trong cuộc sống khó gấp vạn lần người bình thường. Họ đã chiến thắng nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.

Theo lời giới thiệu của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Xoan, sinh năm 1957 ở xóm Mới, xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch), bố của 3 người con bị di chứng da cam. Ngôi nhà nhỏ đóng cửa im ỉm suốt ngày, trong ngôi nhà đó, ngoài ông Xoan trực tiếp phơi nhiễm CĐDC từ những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị thì 3 con của ông: Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1979; Nguyễn Thị Luyên, sinh năm 1986 và Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1995 đều là nạn nhân.

Nguyễn Thị Luyên bại liệt, sống thực vật ngay từ khi mới lọt lòng, nhờ công chăm bẵm của vợ chồng người CCB già mà tồn tại với cuộc đời cho đến tận ngày hôm nay, đúng 28 năm. Nguyễn Văn Trung thể trạng yếu, mất sức lao động hoàn toàn. Nguyễn Văn Tuấn bị liệt hai chân.

Kể chuyện về cậu con trai út, bà Phan Thị Do vừa xót xa vì con tật nguyền vừa có chút tự hào khi con mình có ý chí thép mới tồn tại, trở thành người có ích cho cuộc đời. “Cháu nó học xong lớp 9 thì nghỉ vì sức khỏe quá yếu. Ngoài liệt hai chân ra, cứ dăm bữa mươi ngày lại đau ốm, nằm bệnh viện thường xuyên, thời gian nằm viện tính ra... e hơn ở nhà. Khi cơ thể khá lên, Tuấn ngồi trên xe lăn, cứ trầm tư suy nghĩ lung lắm. Cho đến một ngày thấy cháu nó vật lộn với những cây tăm tre, sắp xếp thành hình hài nhà cửa, lăng tẩm, xe cộ... xếp xong lại xóa, lại xếp”.

Ước mơ trở thành “nghệ nhân” làm đồ mỹ nghệ của Nguyễn Văn Tuấn trở thành hiện thực khi cơ duyên rủi may đưa em đến với anh Lê Văn Hóa, bị liệt nửa người vì tai nạn giao thông ở thôn Phúc Tự, xã Đại Trạch. Trong những năm tháng tìm kế sinh nhai, giảm gánh nặng cho gia đình và vợ con, Lê Văn Hóa quyết định chọn làm đồ lưu niệm mỹ nghệ bằng các chất liệu giản đơn, sẵn có dăm gỗ và tre.

Trời không phụ lòng người, 40 mẫu sản phẩm được làm ra từ bàn tay khéo léo của Lê Văn Hóa được thị trường chấp nhận, “hữu xạ tự nhiên hương”, đồ mỹ nghệ nhà anh ra đến Hà Nội, vào thành phố Hồ Chí Minh, tham gia nhiều cuộc triển lãm, hội chợ trong tỉnh.

Lê Văn Hóa chọn Tuấn truyền nghề khi “thân ốc còn chưa lo nổi mình ốc, lại còn đèo bòng”. “Sự nhiệt tình, lòng yêu nghề, đồng cảm với những cảnh đời bất hạnh kéo em xích lại gần thầy Hóa lúc nào chẳng hay. Những ngày mưa gió, em không đến nhà thầy Hóa được, thầy lại đi xe lăn đến tận nhà hướng dẫn, giúp đỡ. Tay nghề em từ đó tinh thông dần lên, sản phẩm làm ra khó phân biệt học trò làm hay thầy giáo làm!” - Tuấn tâm sự.

Thầy trò Lê Văn Hóa và Nguyễn Văn Tuấn.
Thầy trò Lê Văn Hóa và Nguyễn Văn Tuấn.

Sản phẩm mỹ nghệ của Tuấn đã có người mua. Em khiêm tốn chỉ nhận 100.000 đồng/sản phẩm. Người mua thương em tật nguyền, sức khỏe yếu thường cho thêm. “Nhưng số tiền bán chẳng bù chi phí cho Tuấn nằm viện” - bà Do chia sẻ - “Chỉ mong qua công việc chế tác hàng mỹ nghệ, Tuấn thêm tin yêu cuộc sống nhiều hơn!”

“Em không bao giờ đầu hàng số phận. Em chọn số phận chứ không buông tay phó mặc số phận” - Tuấn khẳng định. Những ngày tháng 8 này, tôi nghe tin hai anh em Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Tuấn đau nặng phải vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị, nhà neo người, ông Nguyễn Văn Xoan đi Huế chăm Trung, Tuấn. Bà Do ở nhà chạy vạy vay tiền gửi vào và canh giữ Nguyễn Thị Luyên. “Số tiền vay ngân hàng chữa bệnh cho các con trên 50 triệu rồi, không kể mượn anh em, bà con, làng xóm...” - bà Do giọng buồn buồn cho biết.

Tôi ra nhà, thấy những sản phẩm mỹ nghệ của Tuấn nằm chỏng chơ, im lặng trong tủ kính. Chủ chúng bây giờ đang vật lộn với bệnh tật. Cố lên Tuấn nhé! Rồi trở về cùng với thầy Lê Văn Hóa tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ thật đẹp để dâng tặng cho cuộc đời.

Đúng vào dịp tháng 8 cách đây hai năm, tôi gặp Từ Thị Nhật Linh tại Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Quảng Bình trước khi em ra sân bay đi du học Ấn Độ. Vinh dự cho những nạn nhân CĐDC khi em - Từ Thị Nhật Linh, học sinh chuyên Địa lý - Trường PTTH Chuyên Quảng Bình, nạn nhân CĐDC được Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam chọn là một trong hai người đi du học Ấn Độ, thời gian 4 năm, chuyên ngành Điện tử truyền thông, khoa Công nghệ thông tin, Đại học Niilon University. Học bổng Nhật Linh nhận được 1.600 USD/ năm do Quỹ Live tài trợ thuộc Chương trình đào tạo nữ tài năng trẻ của Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin Việt Nam.

Hai năm sau, tôi tìm thăm Nhật Linh tại ngôi nhà nhỏ số 217, đường F325, thành phố Đồng Hới. Nhật Linh mồ côi bố khi đang còn trong bụng mẹ. Mẹ Nhật Linh, bà Từ Thị Lan, sinh năm 1954, từng tham gia TNXP tại mặt trận B5, đường 9- Quảng Trị. Năm 1972, đi bộ đội, thuộc Trạm kỹ thuật tiền phương - Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân. Bà Lan bảo rằng mình bị nhiễm CĐDC chắc chắn tại chiến trường Quảng Trị, gần 40 tuổi mới mang thai Nhật Linh. Sinh em ra bị dị tật, đau ốm liên miên. Hai mẹ con sống cùng nhau, vượt qua bao gian nan, thử thách. Chừ Nhật Linh cơ bản đang trên đường về bến đỗ, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, mừng lắm!

Bà Từ Thị Lan mới đưa Nhật Linh ra Hà Nội phẫu thuật lại môi, miệng cho em. Đầu tháng 8, theo lịch Trường đại học Niilon University  đã bước vào năm học mới, em bị bệnh nên viết đơn xin sang muộn.
“Em sẽ cố gắng nhiều để đền đáp công ơn dưỡng dục của mẹ, sự kỳ vọng của quê hương, của triệu triệu nạn nhân CĐDC trên đất nước Việt Nam này”. “Nhật Linh trở về chứ! Về để góp chút công sức của mình cùng với mọi người xoa dịu nỗi đau da cam!”

Ngô Thanh Long