.

Những đứa trẻ "mang tên" da cam - Bài 2: Không vẹn nguyên hình hài

Thứ Hai, 11/08/2014, 14:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng 7 năm 2013, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin Quảng Bình tiến hành điều tra, khảo sát số lượng nạn nhân CĐDC thế hệ F2 (đời cháu)). Kết quả khảo sát tại 159 xã, phường, thị trấn có 470 nạn nhân bị phơi nhiễm; trong đó huyện Quảng Trạch số lượng nhiều nhất 130 đối tượng, Bố Trạch 89 đối tượng, Lệ Thủy 84 đối tượng, Quảng Ninh 84 đối tượng... Không như thế hệ bố mẹ bị phơi nhiễm da cam, mầm họa ẩn sâu trong cơ thể, đời con, cháu, thậm chí đến đời chắt, phần lớn khi phơi nhiễm da cam đều không nguyên vẹn hình hài, dị tật, dị dạng, mắc các căn bệnh về vận động, thần kinh, bán thân bất toại.

>> Bài 1: Lời thỉnh cầu từ những nạn nhân da cam

Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh Trần Văn Đưởng cho biết: “Trong 19.207 đối tượng phơi nhiễm da cam chỉ mới có 5.943 nạn nhân hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Nạn nhân thế hệ con, cháu, chắt lên đến 3.719 người. Và những đối tượng này trở thành nỗi đau chung, nhức nhối, dai dẳng của toàn xã hội, hiện diện hàng ngày trong từng nếp nhà, sau những xóm làng ngỡ đang bình yên”.

Sau chuyến đi cùng đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Xuân Quang đến thăm vợ chồng ông bà Nguyễn Mạnh Hoanh và Nguyễn Thị Em (thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh), tôi trở về thành phố Đồng Hới, lòng day dứt không yên. Hình ảnh hai hình hài nằm co quắp, dán chặt xuống giường cứ ám ảnh lấy mình. Tôi quyết định trở lại nhà ông Hoanh, bà Em, cùng họ chia sẻ nỗi đau về những đứa con không vẹn nguyên hình hài. Nhưng thú thật... khi những người khách chào tạm biệt, trong ngôi nhà lạnh lẽo, nỗi đau càng đầy thêm lên.

Ông Nguyễn Mạnh Hoanh sinh năm 1948, nhập ngũ năm 1971, chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên. Bà Nguyễn Thị Em từ năm 1976 đến năm 1979 dạy học tại huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị). Trường học nằm bên sân bay Ái Tử, một trong những điểm tập trung chất khai quang cho máy bay tiến hành rải thảm dọc các cánh rừng nam vĩ tuyến 17.

Chị Hồng trước bàn thờ em Quân, bị mất vì tai nạn giao thông.
Chị Hồng trước bàn thờ em Quân, bị mất vì tai nạn giao thông.

Ông bà có 4 người con: Nguyễn Thái Bình, sinh năm 1977; Nguyễn Thị Thúy Hằng, sinh năm 1979; Nguyễn Thái Cường, sinh năm 1982 và Nguyễn Thái Phương, sinh năm 1984. Trong 4 anh em, có 3 người bị phơi nhiễm da cam là Thúy Hằng, Thái Cường, Thái Phương. “Rứa là thằng Cường, thằng Phương nằm bán thân bất toại, sống đời sống thực vật hơn 30 năm trời rồi” - bà Em bấm đốt ngón tay lẩm nhẩm tính toán, chép miệng xót xa. Nhà có khách lạ, từ hai góc giường, Cường và Phương cố ngóc đầu dậy, ánh mắt vô hồn nhìn khách đăm đăm, nụ cười ngơ ngơ, ngẩn ngẩn... rồi hai tay, hai chân khô khốc như nhành củi khô khua loạn xạ trong không gian u uất... Đôi vợ chồng già không ai bảo ai, đi về phía hai chiếc giường, họ ngồi xuống bên con, bàn tay già nua vỗ vỗ, xoa xoa vào lưng con dỗ dành.

Nếp nhà nho nhỏ nằm gần trụ sở UBND xã, về Đức Trạch (huyện Bố Trạch) hỏi gia đình Đức, Hồng ở mô dân cả xã đều biết: “Đức, Hồng có ba đứa con nhiễm chất độc da cam chứ chi?”. Anh Lê Thanh Đức, bộ đội xuất ngũ, kết hôn với chị  Hồ Thị Hồng. Ngày đó dân xã biển nghèo Đức Trạch khen đôi vợ chồng Đức- Hồng xứng đôi, vừa lứa, con cái sinh ra đầy đàn chắc chắn xinh gái, đẹp trai lắm đây!

Họ lần lượt có với nhau 7 mặt con: Lê Thị Phượng, sinh năm 1983; Lê Thị Nở, sinh năm 1986; Lê Thị Duyên, sinh năm 1991; Lê Thị Lành, sinh năm 1993; Lê Thanh Chiến, sinh năm 1995 và Lê Thanh Quân sinh năm 1997. Ba con gái Phượng, Nở, Lành là nạn nhân CĐDC, phơi nhiễm từ bố. Một nửa còn lại: Duyên, Chiến, Quân cơ thể lành lặn. Duyên hiện là giáo viên công tác tại đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Chiến vừa mới đi bộ đội, còn thằng Quân vào sống với chị Duyên.

Hai em Nở, Lành nằm liệt giường đã mấy chục năm nay.
Hai em Nở, Lành nằm liệt giường đã mấy chục năm nay.

Tôi về lại làng cát Đức Trạch thăm gia đình anh Đức, chị Hồng. Anh Đức chạy xe ôm từ tảng sáng. Nhà còn lại chị Hồng và 3 nạn nhân da cam nằm lê lóc. Trong nhà, một chiếc bàn thờ mới dựng lên nghi ngút khói hương. Rót nước mời khách, gương mặt còn sót lại những nét hương sắc một thời của người mẹ đau khổ tối sầm lại...

Chị khóc tức tưởi khi tôi hỏi thăm: “Bàn thờ ai vậy chị?”. “Của thằng Quân đó. Nó mới mất gần hai tháng ni, bị tai nạn”. Ra thế! Ông trời bất công thật... cứ ném bất hạnh vào mãi trong nếp nhà vốn đầy rẫy nỗi đau này, không chút xót thương, không chút sẻ chia. “Hắn từ Phú Quốc về nghỉ hè, ba mạ cho theo bạn đi thăm động Thiên Đường. Đi buổi sáng, buổi chiều thì nghe thông tin. Quân ơi là Quân, răng bỏ mạ, bỏ ba, bỏ mấy người chị tật nguyền ni mà đi rứa con”. Tiếng khóc rưng rức, oán thán choán lấy hết ngôi nhà nhỏ. Vẫn, hình ảnh cũ... ba cô gái con anh Đức, chị Hồng nằm lê lết, một em dưới nền nhà, hai em trên giường.

Tôi gọi những cô gái này là em, vì dù sao thì các em bây giờ đang ở cái tuổi đẹp nhất, sung sức nhất của thời con gái: Phượng 30 tuổi, Nở 27 tuổi và Lành 23, nếu như không là nạn nhân CĐDC. Gương mặt các em người giống bố, người giống mẹ, thanh thoát, hiền lành. Chị Hồ Thị Hồng một tay chăm các con từ hơn 30 năm nay. Nhà chỉ một nạn nhân nằm bán thân bất toại đã khổ, đằng này có đến 3 người.

Chị Hồng nói: “Giá các con tui giống những đứa trẻ da cam khác, vô tri vô giác, không biết gì về cuộc sống xung quanh. Đằng này... con tui đứa mô cũng biết. Chúng cảm nhận được cuộc sống, thân phận da cam của mình... lòng cha mẹ càng xát muối hơn”. 30 năm... Phượng, Nở, Lành nằm liệt, ánh mắt khao khát ngó ra ngoài khung của sổ nhỏ, nơi đó là cả một thế giới rộng lớn. Những đôi mắt hiền lành, trong trẻo, thoáng chút xấu hổ khi tôi hướng ống kính máy ảnh về phía các em.

Chị Hồng khóc tủi thương thằng Quân, Phượng, Nở, Lành khóc theo... nước mắt lặng lẽ rơi ra từ những đôi mắt trong veo, có hồn. Miệng các em ú ớ như chia sẻ cùng mẹ.

Trưa Đức Trạch nắng rát, ngôi nhà nhỏ còn lại 4 mẹ con chị Hồng. Họ day mắt ngó ra đường mong chồng, mong cha mau về. Ngoài đó anh Đức thân chất đầy vết đau thể xác lẫn tinh thần, ngày ngày chạy vài cuốc xe thồ kiếm tiền nuôi con.

Ngô Thanh Long

Bài cuối: Còn sống... còn khát vọng!