Găp nhau trên đường 12 - Kỳ 4: Hoa giữa rừng Trường Sơn

Cập nhật lúc 07:44, Thứ Ba, 05/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đêm nằm nghỉ trên vùng biên giới phía tây Quảng Bình, nhiều CCB Trường Sơn không ngủ được. Họ tâm sự với tôi: “Cứ chợp mắt một chút là vẵng nghe giữa đại ngàn Trường Sơn tiếng ai đó gọi mình”. O Hoa, o Mai, o Lành, o Lê, o Nhất... những nữ TNXP Trường Sơn năm xưa đinh ninh: “Chắc đồng đội biết mình về thăm lại chiến trường xưa nên gọi nhớ đây mà!”. Tôi mang câu hỏi: “Ai là người con gái đặt chân đầu tiên lên những cung đường Trường Sơn?” đi gặp thiếu tướng Phan Khắc Hy, ông lắc đầu: “Họ là những cánh hoa rừng mãi mãi bất tử trên những con đường ra trận”.

>> Kỳ 3: Người gùi hàng đi bộ một vòng trái đất

>> Kỳ 2: Vị tướng già và mối tình thời chiến trận

>> Kỳ 1: Về lại với Trường Sơn

Tướng Hy nói rằng: “Ngay từ những năm 1965 trở đi, trên mặt trận gian khổ, ác liệt, đầy bom đạn Trường Sơn đã xuất hiện những cô gái tuổi mười tám đôi mươi trong đội hình TNXP, dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, quân y và hậu cần”.

Không như nam giới, con gái chân yếu tay mềm, chưa một lần nếm mùi gian khổ, chạm đường Trường Sơn, thử thách đầu tiên đến với họ là đi bộ, đi bộ trường kỳ, hành quân ngày này sang ngày khác, trên vai khoác ba lô đựng lương thực, thực phẩm và các vật dụng cần thiết khác mà trọng lượng trung bình lên đến 20kg. O Đồng Thị Mai (Tôi xin gọi các cựu nữ TNXP Trường Sơn bằng cách xưng hô của người miền Trung  chân chất, trìu mến như thế), cựu TNXP Tiểu đoàn Trưng Trắc nhớ lại: “Chúng tôi vào chiến trường, trong Tiểu đoàn Trưng Trắc chủ yếu là con gái Hà Nội. Các bạn biết rồi đó, ở hậu phương nghe kể về Trường Sơn, ai cũng náo nức, ai cũng muốn xung phong lên đường. Rồi khi vào chiến trường, đối diện với thực tế khắc nghiệt, chúng tôi cần một lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định mới có thể vượt qua. Chiến trường bom đạn, gian khổ, mất mát, hy sinh... không làm cho chúng tôi nhụt chí, trái lại càng trưởng thành thêm lên, dạn dày kinh nghiệm. TNXP bám đường, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao: làm đường, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, vận chuyển hàng hóa, thương binh...”.

O Lành, Tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo (người thứ 2 và thứ 3 từ phải sang trái) cùng đồng đội dành một phút tưởng niệm cho những nữ liệt sỹ mãi mãi tuổi hai mươi nằm lại Trường Sơn
O Lành, Tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo (người thứ 2 và thứ 3 từ phải sang trái) cùng đồng đội dành một phút tưởng niệm cho những nữ liệt sỹ mãi mãi tuổi hai mươi nằm lại Trường Sơn

O Trần Thị Lê, nguyên chiến sỹ Đội văn nghệ Sư đoàn 968, Bộ đội Trường Sơn tự hào kể: “Cánh nữ chúng tôi được lính Trường Sơn gọi là những bông hoa rừng. Nhiều đơn vị bộ đội, nhiều binh trạm khi thấy chúng tôi xuất hiện mừng vui không thể tả hết, vì nhiều năm liền họ sống đơn độc giữa núi rừng... Nói thế thôi, nhưng sao thời ấy quan hệ nam nữ nó bình dị, vô tư. Chỉ những cái bắt tay, những nụ cười trao gửi... bộ đội thì điệp trùng hướng vô Nam... riết rồi trên những ngã đường Trường Sơn lại chỉ thấy toàn con gái”. Bom đạn, đói khổ, sốt rét rừng... không phải thử thách lớn đối với những bông hoa Trường Sơn, mà cuộc chiến cam go nhất là khi đối diện với chính mình. Nhiều đơn vị nữ sống biệt lập hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Tuổi thanh xuân, các chị cũng có những khao khát, muốn tìm thấy chút hạnh phúc riêng tư. Chiến tranh, gặp nhau trên đường ra trận, chỉ kịp chào hỏi dăm ba câu... ngày mai chết sống thế nào mà dám hò hẹn, đợi chờ. Tình yêu lứa đôi trở thành tình cảm đồng đội, đồng chí. O cho biết thêm: “Vì sống biệt lập, dồn nén, ức chế như thế nên chị em mắc phải một căn bệnh gọi là “bệnh cười”. Đang yên đang lành, một người cất tiếng cười, chị em lây, cười theo... cả một khu rừng vang lên tiếng cười thiếu nữ”.

Trở lại với câu chuyện của tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo, cựu TNXP Trường Sơn, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị- Hành chính Hồ Chí Minh khu vực I kể cho chúng tôi nghe trên chuyến xe chở đoàn CCB Trường Sơn ngược theo đường 12A lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Câu chuyện tiến sỹ Thảo kể về một bông hoa đẹp, đồng đội của chị, bây giờ đang an nghỉ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn: Anh hùng LLVTND, liệt sỹ Nguyễn Thị Vân Liệu. “Cuối tháng 6- 1965, chúng tôi từ hậu phương miền Bắc vào thẳng tuyến lửa Quảng Bình, chiến đấu trên đường 20- Quyết Thắng. Tôi được biên chế vào Đại đội 5, chị Liệu về Binh trạm 14, phụ trách các trọng điểm cua chữ A, ngầm Ta Lê đến Cà Roòng, được cánh lính Trường Sơn mệnh danh là các “tọa độ lửa”, “cua tử thần”. Ngày cũng như đêm, tất cả các đơn vị công binh, cao xạ, TNXP căng ra mặt đường để san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, bảo đảm thông đường cho xe ra mặt trận. Máy bay Mỹ liên tục phong tỏa đường bằng bom nổ chậm. Trong cuộc đối đầu với bom nổ chậm, rất nhiều chiến sỹ công binh, TNXP đã anh dũng hy sinh. Yêu cầu của chiến trường lúc này là làm sao phải đảm bảo thông đường, vừa hạn chế đến mức thấp nhất về người, phương tiện trước hiểm họa bom nổ chậm”.

Đoàn CCB Trường Sơn trên vùng biên giới phía tây Quảng Bình
Đoàn CCB Trường Sơn trên vùng biên giới phía tây Quảng Bình

Sau nhiều đêm thao thức không ngủ, tìm phương kế phá bom nổ chậm, cô TNXP Nguyễn Thị Vân Liệu chợt nảy ra sáng kiến: “Tại sao không dùng bộc phá thử xem”. Nghĩ là tiến hành ngay, chị dùng bộc phá, ốp vào thân bom nổ chậm rồi cho kích nổ. Quả bom đầu tiên bị phá hủy trong tiếng reo mừng của những người giữ đường. Từ sáng kiến này, rất nhiều đoạn đường, “tọa độ lửa”, “cua tử thần”... chất đầy bom nổ chậm đều lần lượt bị phá hủy, đường thông suốt, hàng ngàn chuyến xe nối tiếp vào Nam mà những người phá bom vẫn tránh được thương vong.

“Từ sáng kiến của Nguyễn Thị Vân Liệu, tuổi trẻ chúng tôi trên những cung đường Trường Sơn dấy lên phong trào thi đua chiến đấu và phục vụ chiến đấu theo gương Vân Liệu”- Tiến sỹ Thảo tâm sự tiếp- “Tôi ở cùng tuyến đường 20- Quyết Thắng với chị Liệu, nghe đồng đội kể về chị, tôi cũng lấy làm tự hào thay. Nhưng cho đến một ngày định mệnh năm 1968, trong một lần trực tiếp tham gia phá bom nổ chậm, chị Liệu bị thương nặng. Đồng đội đưa chị về tại một trạm phẫu dã chiến dọc biên giới Việt- Lào. Các y, bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng, chị Liệu hy sinh. Năm đó chị mới tròn 23 tuổi”.

Một kết thúc có hậu.

33 năm sau, liệt sỹ TNXP Nguyễn Thị Vân Liệu được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND Việt Nam. Từ ngày đất nước thống nhất, người thân gia đình chị Liệu vẫn không biết chị nằm đâu giữa Trường Sơn. Nhân ngày Thương binh- Liệt sỹ, 27- 7- 2004, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình trực tiếp “Huyền thoại Trường Sơn” tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, người dẫn chương trình nhắc lại trường hợp hy sinh của chị. Từ miền Nam xa xôi có một vị bác sỹ nhấc máy điện thoại gọi đến đường dây nóng của chương trình. Ông nói rằng: chính mình là bạn của người trực tiếp phẫu thuật cho chị Liệu nhưng không cứu được. Sau khi hy sinh, liệt sỹ được an táng tại nghĩa trang tạm của bộ đội Trường Sơn thuộc khu mộ Hà Nam Ninh.

Đồng đội tìm thấy chị theo nguồn thông tin này, tháng 12- 2004, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, Ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn trang trọng tổ chức lễ đưa hài cốt chị Liệu từ khu mộ Hà Nam Ninh vào an táng tại khu mộ những anh hùng Trường Sơn.

Tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo, trong hành trình về thăm chiến trường xưa đã hái những bông hoa rừng giữa đại ngàn Trường Sơn đến viếng mộ bạn- Anh hùng LLVTND, liệt sỹ Nguyễn Thị Vân Liệu.

                                                                  Ngô Thanh Long

                                              Kỳ cuối: Viết tiếp bài ca trên đường 12

,
.
.
.