Gặp nhau trên đường 12 - Kỳ 1: Về lại với Trường Sơn

Cập nhật lúc 08:54, Thứ Năm, 24/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Không hẹn trước... nhưng họ đã có những cuộc hội ngộ cảm động trên đường 12A. Nơi gặp gỡ của những người lính một thời chiến đấu khắp các tuyến đường Trường Sơn. Nơi đồng đội đang sống thắp nén hương vọng cho người đã khuất. Nơi thế hệ trẻ sinh ra trong thời bình đang chung sức chung lòng kiến thiết, dựng xây các bản làng giàu đẹp, cho đường 12A phồn thịnh đến với nước bạn Lào. Nơi những người lính biên phòng tiếp nối truyền thống bộ đội Trường Sơn năm xưa đang chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới... Tôi may mắn là người trong cuộc và chứng kiến rất nhiều câu chuyện cảm động.

Nhân kỷ niệm 53 năm Ngày mở đường Trường Sơn (19- 5- 1959- 19- 5- 2012), chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn"- Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh, Tỉnh đoàn tổ chức chuyến hành trình cho 40 CCB là tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp, cựu TNXP, cựu văn công giải phóng từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các tuyến đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ  thăm lại chiến trường xưa.

Cũng xin giới thiệu rằng, từ trước đến nay đã có rất nhiều CCB một thời trận mạc trên đất lửa Quảng Bình, sau hòa bình, không ít thì nhiều cũng dăm ba lần về thăm chiến trường xưa. Nhưng trở lại Trường Sơn lần này, điều đặc biệt là có sự góp mặt của 8 vị tướng, 15 đại tá. Trong đó có 6 vị tướng từng giữ các chức vụ quan trọng của Bộ đội Trường Sơn: thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559; thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Sư đoàn 471, nguyên Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh Trường Sơn; thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 52 ô tô, Chính trị viên Tiểu đoàn vận chuyển đường thủy 166, Chính ủy Công binh Trường Sơn; thiếu tướng Trần Danh Bích, nguyên Cục trưởng Cục cán bộ, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự, Bộ Quốc phòng... Hai vị tướng biên phòng là trung tướng Trần Hoa và thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Tư lệnh và Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng- lực lượng kế thừa xứng đáng truyền thống Bộ đội Trường Sơn trên dọc hai tuyến biên giới.

Về lại với Trường Sơn... những chàng trai cô gái ngày nào, bây giờ người ít tuổi nhất cũng ngoài bảy mươi. Tướng Hy nay đã tám sáu. Anh hùng LLVTND, đại tá Nguyễn Viết Sinh, nguyên chiến sỹ giao liên, gùi thồ Trường Sơn có chiều dài đi bộ bằng chiều dài một vòng trái đất nay qua tuổi bảy hai. Nhưng họ vẫn mang trong mình một dòng máu trẻ trung, đầy nhiệt huyết.

Đoàn CCB Trường Sơn dâng hương tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20- Quyết Thắng.
Đoàn CCB Trường Sơn dâng hương tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20- Quyết Thắng.

Chạm ngã ba Khe Ve, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn giới thiệu với mọi người: "Nơi đây từng đặt Sở chỉ huy Đoàn 559 thời kỳ năm 1965. Xin nhắc lại rằng, đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình là một hệ thống bao gồm các tuyến dọc bắc nam và những tuyến "rọc ngang" Trường Sơn sang tận đất bạn Lào. Đường 12A là một trong những tuyến "rọc ngang" đó. Từ ngã ba Khe Ve qua Bãi Dinh, vượt Cổng Trời, lên Cha Lo đến Lằng Khằng, huyện Bu- la- pha tỉnh Khăm Muộn, đây là tuyến vận tải cơ giới đầu tiên chi viện cho chiến trường miền Nam. Tham gia chiến đấu tại đường 12A có một lực lượng hùng hậu gồm bộ đội, công binh, TNXP, dân công hỏa tuyến". Đường 12A bây giờ trở thành con đường xuyên Á thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mọi dấu tích chiến tranh hầu như không còn nữa. Ai đó trong đoàn CCB thốt lên: "Đồng đội ơi! Giờ ở nơi nào?".

Tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo, cựu TNXP Trường Sơn, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị- Hành chính Hồ Chí Minh khu vực I, lời kể đầy xúc cảm: "Thì đồng đội của chúng mình đang nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn này. Tôi cứ tin các anh, các chị ngày đêm vẫn đang bám chắc những tuyến đường. Trong chúng ta rất nhiều người biết về nữ anh hùng, liệt sỹ TNXP Nguyễn Thị Vân Liệu, dũng sỹ phá bom nổ chậm trên những cung đường "tử thần" Trường Sơn. Năm 1968, trong một lần trực tiếp tham gia phá bom nổ chậm, chị bị thương nặng, được đồng đội đưa về tại bệnh viện dã chiến dọc biên giới Việt Lào và hy sinh ở đó, lúc mới tròn 23 tuổi. Tôi vào chiến trường cùng một lần với chị Liệu, tháng 6- 1965".

Hai vị tướng Hoàng Anh Tuấn và Trần Danh Bích cùng các CCB Trường Sơn thắp hương cho đồng đội tại Di tích lịch sử đồi Cha Quang.
Hai vị tướng Hoàng Anh Tuấn và Trần Danh Bích cùng các CCB Trường Sơn thắp hương cho đồng đội tại Di tích lịch sử đồi Cha Quang.

Xe dừng lại ở đồi Cha Quang, các CCB cùng nhau thắp hương tưởng niệm bảy TNXP thuộc Đại đội 759 hy sinh tại đây vào ngày 3- 7- 1966. Đại tá Đoàn Danh Bình, nguyên chiến sỹ lái xe thuộc Trung đoàn 571, Bộ đội Trường Sơn, nguyên Chủ nhiệm Chính trị E17- Binh đoàn 12, ngậm ngùi nhớ lại: "Ngày đó đoàn xe của đơn vị chúng tôi mỗi lần đi qua tọa độ lửa này, ai cũng đều ngã mũ dành một phút mặc niệm với hương hồn bảy TNXP quê Quảng Bình. Tôi còn nhớ câu chuyện đồng đội các anh, các chị kể lại thì mọi người đã tìm thấy thi thể sáu người... nhưng còn liệt sỹ Trần Văn Trường thì chưa thấy về. Họ vừa kể, vừa khóc chỉ xuống mặt đường đầy hố bom bảo rằng: "Anh nằm dưới đó... vì chiến trường, vì an toàn cho những chuyến xe qua". Nhiều người trong đoàn lén quay đầu đưa khăn tay chấm nước mắt khi biết rằng: liệt sỹ Trần Văn Trường mãi cho đến năm 1971, nghĩa là 5 năm sau, khi bạt đất hạ thấp độ cao mặt đường, đồng đội mới tìm được anh!

Trong hành trình thăm lại chiến trường xưa do Chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" Báo Sài Gòn Giải Phóng chủ trì, các CCB Trường Sơn đã đến thăm Thành cổ Quảng Trị, thả hoa tưởng niệm những liệt sỹ trên dòng  Thạch Hãn; viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn. Đoàn theo đường 9 ngược lên Khe Sanh ra tại Làng Ho, điểm tập kết đầu tiên của đơn vị gùi thồ, "xoi đường lập tuyến" tiền thân Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn sau này. Các CCB có một đêm giao lưu văn hóa văn nghệ với Đồn Biên phòng 601, sau đó theo Đường 10 thăm bến phà Long Đại trên đường Hồ Chí Minh nhánh đông; thăm trọng điểm ngầm Trạ Ang; dâng hương tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 - Quyết Thắng và hang Tám TNXP.

Qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đoàn CCB đi sâu vào đất Lào. Mùa này phía bạn khí hậu đang giữa mưa và nắng. Thiếu tướng Phan Khắc Hy cùng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn chọn một con dốc cao định vị lại những tuyến vận tải cơ giới trên đất bạn nhưng hai ông đều lắc đầu. Theo lời của hai ông: từ đường 12A, vượt qua Cha Lo phía Việt Nam và Nà Phầu phía Lào thì tuyến "rọc ngang" được chia làm hai nhánh. Nhánh xuyên dưới thung lũng gọi là đường 050 từ Nà Phầu đến Na No- Na Nhom tới Pắc- Pha- Năng. Nhánh từ Nà Phầu đến ngã ba Lằng Khằng, theo đường 129 qua Pha Nốp, Siêng Phan tới Pắc- Pha- Năng. Bảo đảm cho các tuyến đường trên đất Lào luôn thông suốt có Binh trạm 12, Binh trạm 31 gồm các đơn vị: xe cơ giới, công binh, pháo binh, TNXP, công nhân giao thông...

Đoàn dừng chân tại thị trấn Lằng Khằng, CCB Vũ Thị Lành, nguyên đội trưởng đội văn nghệ Sư đoàn 968 Bộ binh quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trên đất Lào tâm sự với tôi rằng: "Chỉ có ít phút dừng chân tại Lằng Khằng thôi mà chị tìm lại được những kỷ niệm không thể nào quên về một thời tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Lào. Hơn 30 năm, chị mới gặp các bọ, me (bố, mẹ), nếm lại vị chua của xoài rừng, nhận được những típ xôi dẻo ngon, thảo thơm từ người dân các bộ tộc Lào. Hạnh phúc lắm em à!".

Hạnh phúc. Các CCB đều có chung cảm nhận như thế khi được một lần hội ngộ cùng nhau trên những tuyến đường Trường Sơn, cùng thắp nén nhang tri ân đồng đội mình. Trên đường 12A, những cựu chiến sỹ văn công Trường Sơn năm xưa ngồi quây quần bên nhạc sỹ Đào Hữu Thi hát vang lời ca khúc "Đường Trường Sơn trăm ngã", vì "... Đường đi là trăm lối/ Đường đi là trăm nẻo/ Biết đâu mà em tìm".

                                                                     Ngô Thanh Long

                                            Kỳ 2: Vị tướng già và câu chuyện tình thời chiến trận 

,
.
.
.