Gặp nhau trên đường 12 - Kỳ 3: Người gùi hàng đi bộ một vòng trái đất

Cập nhật lúc 10:08, Thứ Hai, 04/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Chuyện kể về ông rất nhiều, nhưng trong đêm đoàn CCB Trường Sơn nghỉ lại tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo trên đường 12A, tôi có may mắn nằm cạnh và hầu chuyện cùng ông- đại tá Nguyễn Viết Sinh, nguyên chiến sỹ gùi thồ Trường Sơn, người gùi hàng đi bộ bằng một vòng trái đất.

>>  Kỳ 2: Vị tướng già và mối tình thời chiến trận

>> Kỳ 1: Về lại với Trường Sơn

Trong vòng 4 năm với 1.089 ngày ở Trường Sơn, Nguyễn Viết Sinh đã vận chuyển 55 tấn hàng hóa trên vai mình, đi bộ quãng đường có tổng chiều dài 41.025km, tương đương một vòng trái đất theo đường xích đạo với trọng lượng hàng nặng bằng trong lượng cơ thể mình.

Tôi bắt đầu câu chuyện bằng những con số cụ thể viết về ông trong tác phẩm “Chân trần chí thép” của trung tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ James G.Zumwalk. Ông Sinh cười cho biết thêm: “Họ viết đúng đó, nhưng có một điều, đường Trường Sơn không phải là một con đường bằng phẳng mà rất hiểm nguy với nhiều đèo cao, dốc sâu, ngầm thẳm... Thêm vào đó, máy bay Mỹ bắn phá liên tục bất kể ngày đêm. Chuyện gùi thồ trên đường Trường Sơn theo đó vất vả hơn nhiều”.

Nguyễn Viết Sinh năm nay bước qua tuổi 72, tuổi “xưa nay hiếm”. Quê ông ở xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1961, cũng như bao thanh niên khác, chàng trai trẻ Nguyễn Viết Sinh lên đường nhập ngũ. Với ông và đồng đội, từ làng quê miền Bắc vào Nam chiến đấu thì núi rừng Trường Sơn ẩn chứa bao điều kỳ diệu, huyền bí đang chờ những người lính “chân trần chí thép” khám phá. Sau một ngày đêm ngồi trên xe ô tô, Nguyễn Viết Sinh đến Làng Ho, phía tây huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, biên chế vào Tiểu đoàn bộ binh 301 với nhiệm vụ chính là vận chuyển hàng hóa phục vụ cho chiến trường Trị Thiên và miền Nam.

Như chúng ta đã biết, địa danh Làng Ho vào tháng 10- 1959 được chọn đặt chỉ huy sở tiền phương của Đoàn 559, điểm đầu đường gùi thồ chi viện cho chiến trường từ năm 1959- 1962. “Giai đoạn này phương tiện cơ giới chưa có, hàng hóa vận chuyển chủ yếu bằng sức người”- Ông Sinh nhớ lại- “Tùy theo sức của mỗi người mà đảm nhận số lượng hàng hóa là bao nhiêu. Trường Sơn lúc nắng, lúc mưa. Mưa Trường Sơn làm những cung đường chúng tôi đi trơn trượt, lũ rừng nhiều khi ập đến bất ngờ, gây tắc đường hàng ngày trời. Ban đầu mang vác chưa quen, quai gùi thít chặt vào vai đau ê ẩm... dần dần trở thành vết chai sần. Quần áo suốt ngày ướt đẫm mồ hôi, nước mưa, hắt lên mùi chua loét. Dép cao su chừng 3 tháng thì bị mòn vẹt, chúng tôi chẳng còn nhớ đã thay bao nhiêu đôi. Đèo 1001 trở thành nỗi ám ảnh của cánh lính gùi thồ. Vượt đèo, chân người đi trước đạp lên đầu người đi sau. Vậy mà ngày nào cũng như ngày nào, lúc nắng hay lúc mưa, tôi và đồng đội như đàn kiến chăm chỉ nhận hàng, vượt đèo 1001, hành quân 20 km, giao hàng sau đó quay về cũng chiều dài bằng chừng ấy”.

Ông Sinh cùng cô văn công Trường Sơn Vũ Thúy Lành bên mộ liệt sỹ đại tá Đặng Tính, Chính ủy Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn.
Ông Sinh cùng cô văn công Trường Sơn Vũ Thúy Lành bên mộ liệt sỹ đại tá Đặng Tính, Chính ủy Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn.

Ở Trường Sơn, đói rách là chuyện thường tình, nhưng kỳ tích của người chiến sỹ gùi hàng Nguyễn Viết Sinh thật đáng nể trọng: năm 1962 gùi 13.553 kg hàng trên đoạn đường 10.196 km; năm 1963 gùi 9.365 kg hàng và khiêng 23 cáng thương binh; năm 1964 mang vác 11.445 kg, thồ 8.230 kg hàng hóa, khiêng 62 ca thương binh trên đoạn đường 10.982km. Trong 4 năm, quãng đường ông đi qua bằng một vòng trái đất. Ban đầu ông chỉ gùi được 15 kg, dần dần trọng lượng hàng hóa tăng dần lên, lúc cao điểm đến 75 kg, vượt 20 kg so với cơ thể ông.

Tôi hỏi ông: “Câu chuyện nào ở Trường Sơn làm ông nhớ nhất?”. Ông cựu đại tá cười hồn hậu: “Kỷ niệm thì nhiều, có vui, có buồn, có cả mất mát, hy sinh. Ngẫm lại sao hồi đó một con người gầy guộc như mình mà lập nên một kỳ tích lớn lao đến như vậy. Rồi cũng tự mình tìm ra câu trả lời: tất cả vì miền Nam thân yêu, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Ngoài này mình và đồng đội gùi thêm được một vài kg hàng hóa, lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men thì trong chiến trường bộ đội được ăn no, đủ súng đạn đánh giặc, đủ thuốc men hạn chế bớt thương vong. Và thế là chẳng có lấy một sự nề hà chi”.

“Nhớ lần ở Hạ Lào mùa mưa năm 1962, mưa rừng dội xuống khủng khiếp, kéo dài từ ngày này sang ngày khác, mọi người ăn hết lương thực dự trữ mà mưa vẫn không ngừng. Gạo chúng tôi gùi vào các kho tập kết thì nhiều lắm, thậm chí gạo hàng ngày vẫn ở sau lưng mình đó thôi, nhưng không dám lấy dùng. Anh em động viên nhau: gạo cơm ni là của chiến trường, mình ăn, bộ đội trực tiếp cầm súng chiến đấu sẽ bị đói. Mười ngày ròng rã, chúng tôi chỉ có cháo loãng, ăn măng và rau rừng cầm hơi nhưng vẫn tiếp tục gùi hàng, 30 kg hàng hóa sau lưng”.

“Còn chuyện được phong tặng danh hiệu anh hùng?”- Tôi hỏi, tiếp theo câu chuyện. Đại tá Nguyễn Viết Sinh ngậm ngùi: “Tiếc lắm cháu à! Chuyện là như ri: ngày 1- 1- 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho chú. Nghe tin này, tự hào lắm, vì chú là một trong những anh hùng đầu tiên ở Trường Sơn mà! Đơn vị cho ra Bắc dự hội nghị tuyên dương. Từ ngã ba Đông Dương, trèo đèo, lội suối ròng rã mười ngày trời. Đêm thứ mười mắc võng nằm nghỉ trên Cổng Trời, đường 12, bật đài tiếng nói Việt Nam lên thì nghe đưa tin về hội nghị tuyên dương anh hùng, rứa là quay trở về đơn vị. Về đơn vị mà tiếc đứt ruột. Tiếc không phải chưa nhận danh hiệu anh hùng mô, mà tiếc vì không được gặp Bác Hồ. Cho đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, vẫn cứ thấy tiếc”.

Câu chuyện tình yêu của người anh hùng “chân trần chí thép” Nguyễn Viết Sinh cũng khá thú vị. Trong một lần về phép, ông quen với cô hàng xóm Đinh Thị Vân. Họ bén duyên và thề hẹn cùng nhau sau ngày nước nhà thống nhất sẽ tổ chức đám cưới. Ông trở lại Trường Sơn, cô hàng xóm gia nhập TNXP phục vụ chiến đấu trên cung đường Hoàng Mai ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tình yêu của họ nối dài bằng những cánh thư. Năm 1965, bà Nguyễn Thị Vân bị thương vào một bên chân thành tật nguyền, thương ông, bà viết thư nói gần nói xa đòi chia tay. Ở chiến trường, không biết chết sống ra sao, ông cũng khuyên bà nên tìm vui duyên mới. Thương nhau, lo cho nhau lỡ thì, lỡ duyên nhưng không ai chịu dứt bỏ ai. Đến năm 1969, ông Nguyễn Viết Sinh được điều động ra Bắc đi học, gặp lại nhau, họ tổ chức một cái đám cưới nho nhỏ nên duyên vợ chồng. Bây giờ ba đứa con của đôi vợ chồng già đều trưởng thành, là những người thành đạt có ích cho đất nước như người cựu binh già Trường Sơn hằng mong.

Về lại Làng Ho chuyến này, ông Nguyễn Viết Sinh vui lắm! Những già làng, trưởng bản người Vân Kiều sinh sống dọc Làng Ho, đường Hồ Chí Minh nhánh tây, đường 10, đường 16 nhiều người vẫn nhớ đến ông. Họ tặng ông và những CCB Trường Sơn những cùi bắp non nướng, củ sắn lùi, nắm cơm nếp thơm... như ngày xưa họ cưu mang, đùm bọc bộ đội Cụ Hồ. Người  đại tá CCB Nguyễn Viết Sinh bồi hồi: “Không biết đến bao giờ mới trở lại được trên các cung đường Trường Sơn. Đêm nay, chú không thể nào ngủ... Giữa đại ngàn, dường như có tiếng đồng đội đang tha thiết gọi mình”.

                                                                         Ngô Thanh Long

                                                              Kỳ 4: Hoa giữa rừng Trường Sơn

,
.
.
.