Gặp nhau trên đường 12 - Kỳ 2: Vị tướng già và mối tình thời chiến trận

Cập nhật lúc 07:50, Thứ Sáu, 25/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Buổi sáng tháng 5 nơi Cửa khẩu quốc tế Cha Lo tấp nập dòng người và xe cộ qua lại, các CCB Trường Sơn ngồi bên nhau say trong từng kỷ niệm vui buồn một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Ai đó trong đoàn nói lớn: "Thủ trưởng Hy ơi, hay là thủ trưởng kể cho chúng em nghe về mối tình của thủ trưởng đi!". Vị tướng Phó Tư lệnh Đoàn 559 nhấp ngụm cà phê rồi cười khà khà... Tiếng miền Trung dung dị: "Thì đơn giản lắm! Gặp nhau, thấy ưng bụng, báo cáo tổ chức, thành chồng thành vợ, cưới nhau xong mỗi người một phương. Tớ dọc ngang khắp Trường Sơn. Năm 1975, đất nước thống nhất, món quà tớ mang về cho vợ là một chiếc túi màu xanh, đựng hơn 500 bức thư bà ấy và tớ gửi cho nhau...".

>> Kỳ 1: Về lại với Trường Sơn

Ông sinh đúng ngày mùng một tháng một, năm 1927 tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (Nhiều người vẫn cứ nghĩ nơi ông sinh là huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh- PV). Lúc nhỏ ông học trường làng, hoàn thành xong bằng yếu lược thì được cha cho về quê nội tại huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, sau đó ra Vinh học trung học. Năm 1943, chàng thanh niên 16 tuổi Phan Khắc Hy cùng người bạn thân của mình là Quách Xuân Kỳ trốn học, dự định xuất dương làm cách mạng nhưng chí lớn không thành.

Ngã ba Lằng Khằng (Lào) nơi tiếp nối những con đường dọc ngang Trường Sơn từ Việt Nam.
Ngã ba Lằng Khằng (Lào) nơi tiếp nối những con đường dọc ngang Trường Sơn từ Việt Nam.

Tham gia Việt Minh từ tháng 4- 1945, lúc tròn 18 tuổi. Tháng 8- 1945, ông là Ủy viên Việt Minh, nằm trong Ban chấp hành thanh niên cứu quốc huyện Bố Trạch. Cách mạng tháng Tám thành công, ông giữ chức Trưởng ban phụ trách kinh tế, vừa tăng gia sản xuất, vừa xây dựng căn cứ Ba Lùm, Ba Lòi; trực tiếp huấn luyện lực lượng dân quân của huyện chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. Tháng 6- 1947, từ một cán bộ Việt Minh hoạt động bí mật, ông được điều về làm Chính trị viên rồi Huyện đội trưởng, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch. Năm 1949, Phan Khắc Hy lên nhận công tác tại Tỉnh ủy Quảng Bình, tháng 12 năm đó giữ chức Chính trị viên Tỉnh đội thay đồng chí Đồng Sỹ Nguyên. Giai đoạn 1950- 1952, ông là Tỉnh đội trưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.

Sau hiệp định Giơ- ne- vơ, đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền. Miền Bắc nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng CNXH, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam thực hiện đấu tranh chống xâm lược, thống nhất Tổ quốc. Để phục vụ cho công cuộc kháng chiến lâu dài, Nghị quyết Trung ương thứ 12, khóa II quyết định xây dựng quân đội ta chính quy, từng bước hiện đại hóa. Thực hiện chủ trương này, ông Phan Khắc Hy cùng với các sỹ quan ưu tú, cao cấp của quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu bước vào một cuộc trường chinh mới, với những vị trí và nhiệm vụ mới.

Tướng Phan Khắc Hy tại ngã ba Lằng Khằng...
Tướng Phan Khắc Hy tại ngã ba Lằng Khằng..

Từ tháng 3- 1967 đến tháng 9- 1968, ông Phan Khắc Hy là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Không quân, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Phòng không- Không quân. Từ tháng 10- 1968 đến tháng 3- 1969, ông giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh 500 (Bộ Tư lệnh tiền phương Tổng Cục hậu cần). Do yêu cầu của chiến trường miền Nam, tháng 5- 1971 ông được điều vào Nam làm Chính ủy Đoàn 470 phụ trách các tuyến đường từ Nam Lào, đông- bắc Cam- pu- chia đến Nam Bộ. Hành quân vào đến Bộ Tư lệnh Đoàn 559, gặp lại tướng Đồng Sỹ Nguyên và được cử giữ chức Phó Tư lệnh Đoàn 559- Bộ đội Trường Sơn kiêm phụ trách Tổng cục hậu cần tiền phương...

Cuộc đời binh nghiệp của tướng Phan Khắc Hy gắn chặt với những tuyến đường Trường Sơn, gắn với vùng đất lửa Quảng Bình nơi ông cất tiếng khóc chào đời. Theo như tâm niệm của ông: "Âu đó là duyên nợ! Cái duyên thì để sau tớ hẵng kể. Còn nợ thì nhiều lắm, với chúng tớ dù chiến tranh qua lâu rồi nhưng vẫn nhớ cái cảm giác sống trong những ngày khói lửa ấy. Ngủ lại một đêm trong lòng Trường Sơn để thấy gần hơn những đồng đội đã ngã xuống; nợ bà con dân tộc trên dãy Trường Sơn và trên đất bạn Lào sát cánh cùng những người lính Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh. Bạn bè tớ... nhiều người không còn. Chuyến đi này là cơ hội cho các CCB Trường Sơn gặp nhau mà cũng không biết rằng có thể có một lần như thế nữa hay không?"

Tôi chợt nhớ lại khi đoàn CCB dừng chân tại ngã ba Lằng Khằng, vị tướng già tách ra, đi về hướng bìa rừng, ánh mắt bâng khuâng nhìn khắp đại ngàn. Tại chiến trường này, từ tháng 10- 1968 đến tháng 3- 1969, ông là Phó Chủ nhiệm Chính trị, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh 500 (sau này sát nhập vào Bộ Tư lệnh Đoàn 559). Bộ Tư lệnh 500 phụ trách 5 đoạn vượt khẩu tại các trục đường số 8, 10, 12, 18, 20 chiều dài trên 800 km đường chính và 400 km đường vòng tránh. Lực lượng cầu đường của Bộ Tư lệnh 500 có 12 tiểu đoàn, 6 đại đội công binh, quân số 9.200 người; 12 đội TNXP gần 7.500 người, trong đó 70% là nữ. Ông nợ ân tình với đồng đội mình nhưng chiến trường xưa nay không còn dấu tích. Thôi hướng vào đại ngàn khấn nguyện cùng hương hồn các anh, các chị vậy!

... Và cùng đồng đội thắp nén nhang cho các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại chiến trường Lào
... Và cùng đồng đội thắp nén nhang cho các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại chiến trường Lào

Mối tình thời chiến của tướng Phan Khắc Hy rất giản đơn nhưng đẹp và không kém phần lãng mạn. Ông kể: "Cuối năm 1951, tớ được điều vào làm phái viên mặt trận Bình Trị Thiên. Thế là vác ba lô, từ giã Quảng Bình đến Quảng Trị, tới cơ quan Mặt trận trình giấy tờ. O văn thư dáng người nhỏ nhắn, da trắng, nét mặt hiền thục và ấn tượng đậm nhất với tớ ngay từ phút đầu tiên ấy là chất giọng Hà Tĩnh nghe ấm lòng chi lạ! Qua tìm hiểu, tớ biết tên cô gái ấy- Nguyễn Thị Ngọc Lan, quê quán Hương Khê, Hà Tĩnh, kém tớ 5 tuổi".

Quen... rồi thân, những lần ra chiến trường, nhớ cô Lan, ông tâm sự với cô qua những trang thư tràn ngập yêu thương. Cô tặng ông một chiếc túi nhỏ màu xanh tự chính tay cô khâu như vật đính ước giữa cô và ông. Quen nhau tròn một năm, ông ngỏ lời muốn cưới cô làm vợ. Tháng 11- 1952, tại chiến khu Ba Lòng, được sự giúp đỡ của ông Trần Quý Hai, Chỉ huy trưởng; ông Chu Văn Biên, Chính ủy mặt trận Bình Trị Thiên, đôi trai tài, gái sắc chính thức thành vợ thành chồng.

           Tri ân cùng đồng đội hy sinh tại chiến trường Lào

Đoàn CCB Trường Sơn đã tổ chức một lễ cầu siêu nhỏ trên đất bạn. Theo đề xuất của Thiếu tướng Phan Khắc Hy và Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn CCB Trường Sơn sẽ quyên góp xây một nhà bia tưởng niệm các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Lào tại khu vực biên giới Nà Phầu tỉnh Khăm Muộn.

"Cưới nhau xong là đi. Ngọc Lan từ một văn thư trở thành y sỹ của Sư đoàn 325. Đến năm 1969, tốt nghiệp đại học Y rồi được chuyển về làm việc tại Bộ Y tế. Hậu phương vững chắc. Tớ an lòng trên các chiến trường đầy đạn bom, gian khổ. Nhớ đến người vợ trẻ ở hậu phương, tớ chất chứa tâm sự qua những cánh thư, viết xong đều cất vào trong chiếc túi màu xanh. Thú thật, những bức thư viết trên giấy pơ- luya theo tớ suốt các chặng đường hành quân, mang theo cả tấm lòng, tình yêu của vợ. Bức thư tớ viết đầu tiên vào ngày 3- 4- 1952, khi bắt đầu yêu nhau và lá thư cuối viết ngày 7- 5- 1975, sau giải phóng miền Nam hơn một tháng".

Hiện tại đôi vợ chồng vị tướng già vẫn trân trọng giữ gìn chiếc túi nhỏ màu xanh chứa hơn 500 bức thư tình họ viết cho nhau. "Thư của lính viết cho vợ ngôn từ chẳng văn hoa gì đâu"- Tướng Hy kết thúc câu chuyện tình của mình bằng những lời dung dị- "Ngoài chuyện nhớ nhung vốn lẽ đương nhiên thì chỉ toàn chuyện chiến tranh, hết trận đánh này đến trận đánh khác. Chúng tớ trao cho nhau những lời động viên, chia sẻ những vui buồn để hiểu nhau hơn, từ đó động viên nhau vượt qua mất mát, hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ".

                                                                           Ngô Thanh Long

                                            Kỳ 3: Người gùi hàng đi bộ một vòng trái đất

,
.
.
.