.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo: Giải pháp ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng

Thứ Sáu, 23/09/2016, 08:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan, tổ chức thì công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý các thông tin, tin báo là một trong những giải pháp nhằm góp phần ngăn ngừa tiêu cực và hạn chế các hành vi tham nhũng. Và trên thực tế đã có nhiều hành vi, vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được các cá nhân, tổ chức phát hiện và đưa ra ánh sáng pháp luật.

Theo thống kê, từ năm 2005 đến năm 2015, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh ta tiếp nhận 3.966 đơn khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 8 vụ tham nhũng (17 đối tượng), kiến nghị xử lý hành chính 5 vụ (10 đối tượng), chuyển cơ quan điều tra xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự 3 vụ (7 đối tượng), với tổng số tiền thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra gần 4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tiêu cực và tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu. Tình trạng tiêu cực, tham nhũng vẫn xảy ra với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Vì vậy, cùng với các giải pháp ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng một cách quyết liệt, thì việc giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo cũng là một kênh thông tin quan trọng góp phần phát hiện sớm các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

Năm 2011, Ủy ban MTTQVN huyện Tuyên Hóa trích một phần từ nguồn quỹ hỗ trợ cho UBND xã Phong Hóa số tiền 25 triệu đồng để mua đò phục vụ cho nhân dân đi lại sản xuất. Ngày 29-11-2011, Hội đồng mua sắm đò UBND xã Phong Hóa thống nhất giao cho Phạm Anh Đào, Trưởng thôn Minh Cầm Nội và Trần Văn Thụ, Trưởng thôn Minh Cầm Ngoại trực tiếp liên hệ tìm đò để mua. Sau đó ông Đào đến xã Thạch Hóa mua 1 chiếc đò cùng 2 mái chèo với giá 7,4 triệu đồng.

Tổng số tiền chi phí cho việc mua đò đến khi đưa vào sử dụng bao gồm: tiền thuê xe vận chuyển về xã Phong Hóa, tiền sửa chữa đò, tiền công đi mua đò là hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, khi Hội đồng mua sắm đò tổ chức họp nghiệm thu và bàn giao đò cho 2 thôn đưa vào sử dụng, ông Đào báo cáo đã chi phí hết 15 triệu đồng.

Ảnh 9 : Một đối tượng
Một đối tượng "Tham ô tài sản" được đưa ra xét xử.

Tại đây, Hội đồng tiếp tục thanh toán thêm 500 ngàn đồng tiền xăng xe đi lại cho ông Đào. Số tiền 9,5 triệu đồng còn lại, Hội đồng thống nhất chi phí 2 triệu đồng cho việc làm hồ sơ quyết toán, 7,5 triệu đồng giao cho 2 thôn Minh Cầm Nội và Minh Cầm Ngoại quản lý tu sửa đò trong quá trình sử dụng.

Qua thanh tra đã phát hiện, trong quá trình mua sắm đò, lợi dụng chức vụ và quyền hạn được giao, ông Đào đã lập chứng từ khống để tham ô số tiền 5,4 triệu đồng, làm ảnh hưởng đến uy tín của người cán bộ, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Hành vi của Phạm Anh Đào đã bị nhân dân phát hiện và tố cáo. Sau đó cơ quan chức năng truy tố về tội "Tham ô tài sản" và bị kết án 18 tháng tù cho hưởng án treo.

Một vụ việc khác tương tự cũng xảy ra ở đây, mà nguyên nhân là do sự buông lỏng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Để bảo đảm cho việc cung ứng giống lúa vụ hè - thu năm 2011, Hồ Quý Ly, nguyên là cán bộ bán chuyên trách phụ trách công tác khuyến nông tại UBND xã Phong Hóa đã lập danh sách đăng ký chủng loại giống, với số lượng 1.860kg giống các loại gồm PC6, HT1, KD18, IR504, rồi liên hệ với Công ty giống cây trồng Quảng Bình để mua.

Tháng 5-2011, sau khi nhận toàn bộ giống lúa, Hồ Quý Ly đã bán cho các hộ dân có trong danh sách 760 kg giống, còn lại 1.100kg giống lúa KD18 (do không đúng chủng loại nên các hộ dân không mua). Số giống tồn này, Hồ Quý Ly trực tiếp quản lý tại kho của UBND xã Phong Hóa. Ngày 10-8-2011, Ủy ban MTTQVN huyện Tuyên Hóa có Quyết định 17/QĐ-BCTr về việc chi tiền hỗ trợ 100% giá các loại giống lúa, giống cây trồng cho nhân dân vụ hè - thu năm 2011.

UBND xã Phong Hóa đã chỉ đạo Hồ Quý Ly trả lại tiền cho những hộ dân trong xã đã đăng ký mua giống. Tuy nhiên, lợi dụng còn lại 1.100kg giống tồn kho, Hồ Quý Ly đã lập danh sách khống các hộ dân mua giống, rồi tự mình trực tiếp ký tên các hộ dân để hợp thức hóa chứng từ để chiếm đoạt số tiền gần 16 triệu đồng từ 1.100kg giống lúa KD18 tồn kho.

Về số giống tồn kho, Ly mang về nhà xay xát lấy gạo bán với giá 4,5 triệu đồng. Hành vi của Hồ Quý Ly sau đó bị người dân tố giác. Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, Hồ Quý Ly bị truy tố về tội "Tham ô tài sản", và bị xử phạt 30 tháng tù cho hưởng án treo.

Điều đáng nói ở đây là, các vụ việc này đều bị người dân phát hiện, tố cáo, và khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, sự việc mới được làm sáng tỏ. Từ các vụ việc này cũng cho thấy, vai trò giám sát, quản lý và kiểm tra, tự phát hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn yếu và chưa kịp thời. Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu các cơ quan tổ chức, đơn vị còn coi nhẹ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc phòng ngừa, phát hiện các biểu hiện tiêu cực, các hành vi tham nhũng.

Vì vậy, để hạn chế các hành vi tiêu cực, vi phạm, thiết nghĩ, bên cạnh việc chính quyền các địa phương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần thực hiện nghiêm túc công tác  kiểm tra, giám sát và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, nhằm kiểm soát tốt việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thì công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo một cách kịp thời cũng là một giải pháp quan trọng để hạn chế các hành vi sai phạm, tiêu cực. Qua đó, còn góp phần nâng cao vai trò và trách nhiệm giám sát của người dân ở địa phương, cơ sở.

D.C.H