.
Ký sự pháp đình:

Chỉ vì thiếu kiềm chế...

Thứ Sáu, 26/12/2014, 16:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Kết thúc phiên tòa, bị cáo N. bị tuyên phạt 4,6 năm tù giam về tội “giết người” và phải bồi thường 30 triệu đồng. Nhưng thay vì truy vấn bị cáo, cả hội đồng xét xử lẫn kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa hôm đó đều dồn nhiều câu hỏi vào người bị hại là L...

Vụ án xảy ra cách đây hơn 2 năm, nhưng vì những thân tình, quen biết bấy lâu, nên họ đã cam kết sẽ chỉ thỏa thuận bồi thường với nhau. Ai sai nấy chịu. Vả lại, cả gia đình bị cáo và bị hại cũng nhận thức được lỗi lầm của mình. Nhưng lời ra tiếng vào, lẫn những thị phi rằng gây nên tội thì phải chịu tội, chứ bỏ qua làm sao được.

Cứ như vậy, lâu lâu, gia đình bị hại lại chạy lên nhà bị cáo để đòi bồi thường khoản này khoản khác, nếu không sẽ báo công an điều tra cho ra nhẽ. Đến nỗi, cuối cùng gia đình bị cáo hết chịu nổi, đành phó mặc, công an cũng được, ra tòa cũng được... Vậy là họ dắt nhau ra chốn công đường nhờ tòa phân xử.

Nguyên nhân của vụ việc này bắt nguồn từ mâu thuẫn trong việc phân chia tiền công bốc dỡ đá. Cuộc cãi vã xô xát xảy ra, không kiềm chế được những bức xúc vì bị đánh, N. đã dùng gậy gỗ đánh L. đến bất tỉnh. Tại phiên tòa, L. cho rằng, bữa đó, N. xin nghỉ, nên lúc chia tiền công, anh không chia cho N., mà chỉ cho 20 ngàn đồng để an ủi. Nhưng sau đó, N. lại gọi điện anh đến để hỏi tiền công của mình, nên bực quá, anh đã đánh N. trước. Về phần mình, N. thừa nhận hành vi trái pháp luật là đã đánh L.

L. bị hại trong vụ án này, dáng cao to lừng lững bước vào hội trường xử án. Nhưng trái ngược với dáng người to khỏe đó, L. vừa rờ rẫm bước, một tay vừa phải bám vào vai của vợ mới đến được hàng ghế dành cho bị hại. Vốn là dân thầu khoán công đập, bốc đá, lại có sức vóc hơn người nên cuộc sống gia đình không quá nhiều lo lắng, chật vật.

Nhưng từ sau khi xảy ra vụ ẩu đả đó, người vợ trở thành là “đôi mắt” của L. Vợ L. kể, cái nghề đập và bốc dỡ đá này nặng nhọc và cực khổ lắm. Chỉ có người không có công ăn việc làm ổn định mới đi làm nghề này. Nhưng được cái, L. thường nhận thầu khoán công đập và bốc đá, nên chị cũng không phải đi làm nhiều, mà chủ yếu ở nhà chăm con. Nếu nhận được công việc ít thì chồng rủ vợ tự làm lấy.

Nhận được nhiều thì thuê thêm người làm. Ngày ít cũng kiếm được dăm ba trăm ngàn. Khổ nhưng vợ chồng cũng kiếm được tiền nuôi 3 đứa con. Nhưng từ khi bị mù đến nay, L. chẳng làm được gì cả. Tất cả, gánh nặng cuộc sống đều trút lên vai người vợ. Suốt mấy năm nay, chị phải đi đập, bốc đá thuê cho người khác (ngày được 90 ngàn đồng), để có tiền chăm lo cho chồng con.

Giờ đây, ngay đến việc giữ thằng út mới hơn 1 tuổi, mà L. cũng không giữ được. Vì có nhìn thấy được con đâu mà giữ. Thế là, chị phải nhờ bà ngoại đến trông coi. Cám cảnh gia đình chị đã khó, con nhỏ, nay chồng lại bị mù, nên mấy năm nay địa phương đều xét cho hộ nghèo.

L. ngồi bên cạnh im lặng lắng nghe vợ mình kể chuyện, đôi mắt mờ đục cứ hấp háy nhìn vô hồn vào khoảng trống trước mặt. L. biết, nếu biết kiềm chế, thì vợ con mình cũng không phải khổ sở như bây giờ.

- Bị hại có thừa nhận hành vi của mình đã góp phần không nhỏ, gây nên hậu quả như lúc này không?, Chủ tọa phiên tòa hỏi. - Dạ có, L. lý nhí trả lời.

Một phần lỗi trong vụ án này là do bị hại đã đánh bị cáo trước. Nếu như trước đó, bị hại biết kiềm chế và giải thích rõ ràng cho bị cáo, thì chắc chắn không có chuyện như ngày hôm nay, vị chủ tọa phiên tòa nghiêm khắc nhắc nhở.

“Vợ chồng tui cũng chạy chữa khắp mọi nơi rồi, Huế có, Hà Nội có, nhưng vẫn chưa thấy tiến triển gì chú à. Bác sĩ nói, may mắn lắm mới hồi phục được đôi phần thôi, để được đôi mắt sáng trở lại bình thường chắc khó lắm”, vợ L. rơm rớm nước mắt kể.

Phiên tòa kết thúc, L. lại rờ rẫm bám vào vai vợ ra về.                   

Dương Công Hợp