.

Bố Trạch: Đâu là lời giải cho bài toán lấn chiếm đất rừng trái phép?

Thứ Năm, 10/04/2014, 21:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, tại huyện Bố Trạch, tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép diễn biến khá phức tạp. Gần đây nhất là vụ việc một số hộ dân ở thôn Bồng Lai 1 (xã Hưng Trạch) tổ chức lấn chiếm hàng trăm ha rừng thuộc tiểu khu 248 A do Lâm trường Bồng Lai (Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình) quản lý, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Huyện Bố Trạch và cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp xử lý và bước đầu ổn định tình hình, nhưng vẫn còn đó những băn khoăn về lời giải cho bài toán lấn chiếm đất rừng nơi đây...

Vụ việc lấn chiếm đất rừng trồng trái phép diễn ra trong tháng 3-2014 vừa qua tại tiểu khu 248A của một số hộ dân xã Hưng Trạch không phải là lần đầu. Mà trước đó, từ năm 2010 đã diễn ra, cho đến cao điểm là tháng 9- 2011, một số hộ dân các thôn  Bồng Lai 1 và Bồng Lai 2 đã lấn chiếm hàng trăm ha rừng của Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai và sau đó tiến hành trồng keo trên phần đất rừng đã lấn chiếm. Quá trình lấn chiếm đất rừng đã xảy ra mâu thuẫn giữa hai bên. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là một số đối tượng quá khích đã tiến hành gây rối khiến cho cán bộ của lâm trường bị thương và nhiều tài sản bị phá huỷ. Vụ việc đã gây mất an ninh trật tự trên địa bàn trong một thời gian.

Nhắc lại vụ việc nói trên để thấy rằng, dù sau đó cơ quan chức năng đã có những giải pháp để ổn định tình hình nhưng sự việc vẫn tiếp tục tái diễn mà đối tượng vẫn là một số hộ dân thôn Bồng Lai 1 và Bồng Lai 1 thuộc xã Hưng Trạch.

Trở lại với vụ việc lấn chiếm đất rừng tháng 3-2014 vừa qua. 43 hộ dân ở thôn Bồng Lai 1 đã lấn chiếm trên 144 ha rừng tại tiểu khu 248A do Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai quản lý. Đây là khu vực rừng có diện tích cây bị gãy đổ sau bão số 10 năm 2013. Khi lâm trường đang tổ chức phát dọn cây gãy đổ để trồng mới thì những hộ dân nói trên đã tự ý kéo vào rừng và tiến hành trồng cây. Mặc dù chính quyền địa phương và lực lượng bảo vệ rừng đã ngăn chặn nhưng việc lấn chiếm rừng vẫn tiếp diễn với hàng chục nghìn cây keo được trồng trên diện tích này. 

Qua trao đổi với một số hộ dân thôn Bồng Lai 1 tham gia lấn chiếm rừng vừa qua được biết, lý do họ lấn chiếm rừng là vì "không có đất sản xuất", và "thấy dân Bồng Lai 2 làm được, nên bọn tui cũng làm". Qua công tác tuyên truyền, vận động của địa phương, Lâm trường và cơ quan chức năng, đến thời điểm này đã có hơn 50% số hộ lấn chiếm viết đơn tự nguyện trả lại đất cho lâm trường, đồng thời nhận thấy việc lấn chiếm đất rừng của mình là sai trái.

Khu vực rừng bị lấn chiếm tại tiểu khu 248A.
Khu vực rừng bị lấn chiếm tại tiểu khu 248A.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Mười, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai cho biết: Để ổn định tình hình trên địa bàn, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Và giải pháp cuối cùng được lựa chọn là hợp tác đầu tư trồng rừng. Cụ thể, số diện tích 144 ha tại tiểu khu 248A và một số diện tích bị lấn chiếm từ năm 2010 sẽ được thiết kế, chia lô và giao cho các hộ dân đủ tiêu chuẩn nhận khoán trong 14 năm để trồng keo (2 chu kỳ). Phía lâm trường chịu trách nhiệm về cây giống, kỹ thuật và hỗ trợ 1 triệu đồng/ha trong 3 năm đầu tiên.

Các hộ dân sẽ tham gia chăm sóc và bảo vệ rừng, lợi ích được chia đều 50/50 cho cả hai bên. Đây là giải pháp nhận được sự đồng thuận lớn của các hộ dân và bảo đảm quyền lợi cho cả đôi bên. Xã Hưng Trạch và lâm trường đang tiến hành rà soát các hộ đủ tiêu chuẩn để giao khoán với diện tích từ 2-3 ha/hộ.

Với những giải pháp khá hợp tình hợp lý nói trên, tạm thời mâu thuẫn giữa các hộ dân và Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai đã được hoá giải. Thế nhưng để ngăn chặn việc lấn chiếm rừng trong tương lai, cần xác định rõ nguyên nhân cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm từ vụ việc cụ thể này.

Theo dõi diễn biến vụ lấn chiếm rừng tháng 3-2014 cũng như tình trạng lấn chiếm rừng ở Hưng Trạch từ năm 2010, qua tiếp xúc với nhiều hộ dân và cơ quan chức năng, có thể rút ra hai nguyên nhân cơ bản, thứ nhất là do một số hộ dân không có đất sản xuất, thứ hai là do các đối tượng vi phạm không bị xử lý nghiêm minh nên tiếp tục tái phạm.

Ở nguyên nhân thứ nhất, theo ông Lê Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Trạch cho biết: "Trong số hàng trăm hộ dân thôn Bồng Lai 1 và Bồng Lai 2 tham gia lấn chiếm đất rừng của lâm trường từ năm 2010 đến nay, bao gồm cả số hộ không có đất và hộ đang sở hữu đất rừng, thậm chí nhiều hộ đang sở hữu từ 5 - 7 ha.

Với những hộ không có đất sản xuất, đời sống kinh tế khó khăn, mặc dù hành vi của họ là sai trái, nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn xem xét, cân nhắc trong việc hợp tác trồng rừng. Còn đối với những hộ đã có đất rừng nhưng vẫn tham gia lấn chiếm, thậm chí gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn, cần phải xử lý nghiêm. Việc xử lý chưa nghiêm minh và triệt để các đối tượng lấn chiếm rừng từ năm 2010 đến nay chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến vụ việc lấn chiếm rừng vừa qua!". Đúng như lời ông Sơn, qua gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân, chúng tôi đã nhận được câu trả lời rằng, vì thấy dân Bồng Lai 2 lấn chiếm  mà không bị xử lý nên dân Bồng Lai 1 bọn tui cũng làm thôi...

Bên cạnh những nguyên nhân nói trên, theo ông Nguyễn Viết Mười, còn có  nguyên nhân nữa là người dân đã thấy được lợi ích to lớn do rừng mang lại nên tìm cách sở hữu. Bên cạnh đó, một số kẻ xấu kích động người dân tham gia lấn chiếm rừng dù không có nhu cầu sản xuất. Trong trường hợp được sở hữu đất, không loại trừ khả năng các hộ dân sẽ tiến hành chuyển nhượng cho các "đầu nậu" đất rừng. Bên lề vụ việc, về thông tin Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai triển khai lực lượng nhổ cây keo của các hộ dân trồng trên phần đất lấn chiếm, được biết số giống keo này không bảo đảm tiêu chuẩn và trồng không đúng kỹ thuật, do đó cần phải nhổ để sau khi tiến hành giao khoán đất, lâm trường sẽ cung cấp cây giống bảo đảm chất lượng và trồng lại đúng kỹ thuật.

Về giải pháp hợp tác trồng rừng, ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Hợp tác trồng rừng là giải pháp ưu việt nhất hiện nay để ổn định tình hình và ngăn ngừa được nạn lấn chiếm rừng trái phép. Bên cạnh việc chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương phối hợp thực hiện tốt công tác bảo vệ trồng rừng và xử lý vi phạm, huyện cũng đã đề nghị Công ty LCN Bắc Quảng Bình mà trực tiếp là Chi nhánh Lâm trường Bồng Lai triển khai phương án một cách hiệu quả, góp phần hỗ trợ người dân ổn định sản xuất, nâng cao đời sống cũng như hoàn thành các nhiệm vụ của đơn vị.

Từ diễn biến vụ việc và phương án tháo gỡ, lời giải cho bài toán lấn chiếm trái phép đất rừng chính là sự quan tâm tạo điều hỗ trợ đất sản xuất cho những hộ chưa có đất và đời sống gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm minh và triệt để hành vi lấn chiếm của các đối tượng, tránh "giơ cao đánh khẽ" tạo tiền lệ xấu cho việc lấn chiếm rừng tái diễn trong tương lai...

Ngọc Mai