.

Những vấn đề đặt ra trong việc bảo vệ các công trình điện, viễn thông và giao thông

Thứ Năm, 13/06/2013, 09:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Các công trình điện, công trình viễn thông, công trình giao thông là những công trình đặc biệt quan trọng trong đời sống dân sinh, trong sản xuất, kinh doanh và trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Đồng hành cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay các công trình điện, viễn thông và giao thông đã có mặt khắp nơi từ đô thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi.

Do phân bố rộng khắp trên các địa bàn nên công tác bảo vệ và bảo đảm an toàn cho các công trình này đang gặp nhiều khó khăn nên tình trạng xâm phạm công trình đang xẩy ra ở nhiều nơi. Điều đó đang đặt ra cho các đơn vị quản lý công trình (sau đây gọi tắt là đơn vị chủ quản) và các cơ quan chức năng cần có các giải pháp để kịp thời ngăn chặn có hiệu quả hành vi xâm phạm các công trình quan trọng này.

Do các công trình điện, viễn thông và giao thông phân tán khắp nơi nên các đơn vị chủ quản không thể tổ chức được lực lượng bảo vệ chuyên trách, túc trực thường xuyên tại các công trình. Với điều kiện như vậy, hiện nay các đơn vị chủ quản thực hiện việc bảo vệ chủ yếu bằng các hình thức như: giao khoán cho nhân viên làm nhiệm vụ vận hành trực tiếp bảo vệ, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra theo định kỳ, hợp đồng với các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ công trình, sử dụng các thiết bị kỹ thuật theo dõi, giám sát từ xa,... Tuy nhiên, với những biện pháp trên chưa đủ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm phạm đến công trình.

Tình trạng trộm cắp thiết bị, làm hư hỏng công trình đang xẩy ra khá nhiều và diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của các đơn vị chủ quản công trình điện, viễn thông và giao thông, trong 3 năm từ 2010 đến 2012 đã xẩy ra hàng trăm vụ trộm cắp và làm hư hỏng hàng nghìn thiết bị công trình. Đơn cử Công ty Viễn thông Quảng Bình đã phát hiện 74 vụ trộm cắp thiết bị công trình viễn thông (chủ yếu là dây cáp đồng) trên địa bàn toàn tỉnh, tổng thiệt hại lên đến trên 1,3 tỷ đồng. Các đơn vị quản lý công trình điện phát hiện 50 vụ trộm cắp 1.233 thiết bị vật tư, phụ kiện công trình và hàng trăm mét dây tiếp địa và dây cáp liên lạc tại các trạm biến áp. Đối với công trình giao thông, riêng các tuyến đường thuộc tỉnh quản lý đã mất trộm 487 vật tư, thiết bị, làm hư hỏng 745 cọc tiêu và hàng trăm mét lan can cầu đường. Đối với công trình giao thông đường thủy nội địa đã xảy ra 18 vụ trộm cắp các loại thiết bị báo hiệu trên các tuyến đường sông.

Để ngăn chặn, hạn chế hành vi xâm phạm, bảo đảm an toàn các công trình đường sắt các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa công tác PBGDPL  cho nhân dân, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Để ngăn chặn, hạn chế hành vi xâm phạm, bảo đảm an toàn các công trình đường sắt các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa công tác PBGDPL cho nhân dân, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Hậu quả của hành vi trộm cắp, làm hư hỏng thiết bị công trình, hàng năm các đơn vị chủ quản đã phải bỏ ra khoản kinh phí không nhỏ để khắc phục sửa chữa. Điều đáng nói là hành vi trộm cắp bu long, thanh giằng cột điện, giây tiếp địa trạm biến áp, các thiết bị cảnh báo tự động tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, phao tiêu, biển báo giao thông,... không chỉ gây thiệt hại về tài sản của các đơn vị chủ quản mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của công trình và an toàn trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân nếu không được phát hiện, khắc phục kịp thời. Sau khi phát hiện các vụ xâm phạm công trình, các đơn vị chủ quản đều trình báo công an các cấp để điều tra, xử lý; trong khi số vụ trộm cắp vật tư, thiết bị, làm hư hỏng công trình xẩy ra nhiều nhưng số vụ việc điều tra tìm ra người vi phạm để xử lý còn quá ít. 

Trong số các vụ việc nêu trên chỉ điều tra bắt được 5 vụ với 12 bị can trộm cắp thiết bị công trình viễn thông, 7 vụ trộm cắp dây cáp điện tại các trạm biến áp. Qua một số vụ án được đưa ra xét xử trong thời gian qua cho thấy, phần lớn các bị cáo trộm cắp thiết bị công trình là thanh, thiếu niên, tài sản trộm cắp được chỉ để bán phế liệu. Có những vụ cắt trộm cáp viễn thông gây thiệt hại hàng chục triệu đồng nhưng khi bán phế liệu chỉ được vài trăm nghìn đồng. Về thời điểm bán, người bán và đặc điểm tài sản thì những người thu mua phế liệu dễ dàng nhận biết được tài sản đem bán là tài sản trộm cắp mà có, tuy nhiên chưa có người nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Nguyên nhân của thực trạng xâm phạm công trình như đã nêu trên trước hết là do công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật liên quan đến bảo vệ các công trình chưa sâu rộng và chưa thường xuyên nên nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Các đơn vị chủ quản công trình, chính quyền các cấp chưa có biện pháp khuyến khích, nhất là về kinh tế để tạo động lực huy động toàn dân tham gia bảo vệ, phát giác những người vi phạm.

Một số vụ mất trộm thiết bị, đơn vị chủ quản phát hiện, trình báo chậm nên khó khăn cho việc điều tra truy tìm thủ phạm. Việc trình báo đôi lúc chỉ nêu số lượng thiết bị mất trộm mà không xác định giá trị thiệt hại để bước đầu xác định dấu hiệu tội phạm hay vi phạm hành chính nhằm xác định thẩm quyền, trách nhiệm điều tra, xử lý. Các cơ quan chức năng nhiều khi chỉ căn cứ số lượng, giá trị tài sản thiệt hại mà ít quan tâm đến tính nguy hiểm ở phương diện bảo đảm an toàn công trình để tập trung lực lượng, tích cực điều tra truy tìm thủ phạm.

Việc phối kết hợp của các lực lượng, các cơ quan chức năng đôi khi chưa được chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao nên công tác điều tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm còn chậm, hiệu quả chưa cao. Chế độ thông tin báo cáo, nhất là việc thông báo kết quả giải quyết, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng cho các đơn vị chủ quản công trình chưa đầy đủ, thiếu kịp thời. Các đơn vị chủ quản công trình chưa tích cực, thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình, kết quả xử lý của cơ quan chức năng đối với các hành vi vi phạm.

Việc triển khai thực hiện lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền đưa các công trình trên địa bàn tỉnh vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia theo quy định tại Pháp lệnh Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và Nghị định số 126/2008/NĐ-CP còn chậm. Một số cơ quan, đơn vị chưa nắm được các quy định của pháp luật nên còn lúng túng trong việc xác định tiêu chí công trình, trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị. Do chưa triển khai thực hiện nên những công trình đủ điều kiện là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia chưa được thực hiện chế độ bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định, cũng như chưa có cơ sở để xử lý hành vi xâm phạm công trình đó về tội phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia mà xử lý về các tội danh khác nên tác dụng răn đe, giáo dục không cao.

Để ngăn chặn, hạn chế hành vi xâm phạm, bảo đảm an toàn cho các công trình điện, viễn thông và giao thông, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về tầm quan trọng của các công trình này cho nhân dân, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên. Có biện pháp hiệu quả như đề ra mức thưởng để huy động toàn dân tham gia bảo vệ, phát hiện, tố giác người vi phạm. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần quan tâm, tăng cường lực lượng, tích cực điều tra, phát hiện có hiệu quả, xử lý nghiêm những người vi phạm.

                                                                               Phạm Thái