Nghi can vụ đốn hạ 3 cây huê kể chuyện

Cập nhật lúc 10:01, Thứ Ba, 12/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Vào những ngày cuối tháng 5-2012, sau ba lần cơ quan chức năng tống đạt giấy triệu tập, cùng với sự vào cuộc vận động của chính quyền địa phương, 11 nghi can trong vụ chặt chộm 3 cây huê cổ thụ ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng sau nhiều ngày sống chui lủi trong rừng đã ra trình diện. Ngay sau khi các nghi can này ra trình diện cơ quan chức năng, chúng tôi đã tiếp cận được với một số nghi can và được nghe họ trực tiếp kể về vụ việc này.

Vì muốn thoát nghèo nên làm liều!

Thông qua lãnh đạo địa phương và cán bộ thôn 3 Thanh Sen, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) nhóm phóng viên chúng tôi đã tiếp cận được 2/11 nghi can trong vụ chặt trộm 3 cây huê ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vào ngày 03-6-2012 tại nhà riêng của họ. Lãnh đạo xã Phúc Trạch cho biết: Hai người đồng ý gặp đều thuộc diện hộ nghèo, xã vừa vận dụng kinh phí Nhà nước, hỗ trợ mỗi hộ 24 triệu đồng để xóa nhà tạm. Tuy nhiên, chỉ có một hộ nhờ anh em họ hàng hỗ trợ thêm nên mới xây được nhà, còn một hộ do quá nghèo không có tiền bỏ thêm vào nên chưa xây được nhà.

Thái Xuân Tiềm đang kể chuyện   với phóng viên.
Thái Xuân Tiềm đang kể chuyện với phóng viên.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là Thái Xuân Tiềm (SN 1971), quê gốc ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa), vì cuộc sống ở quê quá nghèo khổ, nên đã phiêu dạt về Phúc Trạch tìm kế sinh nhai, rồi lấy vợ và ở rể luôn. Vợ của Tiềm cũng đã qua một lần đò, có một người con riêng và có thêm với Tiềm hai người con nữa. Cũng vì nghèo và không có nghề nghiệp nên Tiềm thường theo chân các nhóm “lâm tặc” ở địa phương vào rừng tìm vận may với việc khai thác lâm sản trái phép, trong đó chủ yếu là đi tìm huê.

Người thứ hai chúng tôi gặp là Lê Văn Diễn (SN 1985), do không có tiền phụ thêm vào để xây nhà theo diện hộ nghèo nên Diễn cùng vợ con hiện đang sống trong căn nhà khá tồi tàn. Diễn cho biết: Mục đích của chuyến đi lần này là vào rừng để đi tìm mót rễ, cành, bai của các cội huê mà ngày xưa người dân đã chặt còn sót lại. Nhóm Diễn tham gia có tổng cộng 11 người, được chia làm hai tốp và chia nhiều hướng trong rừng Phong Nha – Kẻ Bàng để tìm kiếm. Sau nhiều ngày tìm kiếm tưởng chừng như vô vọng, cả nhóm định quay về thì Nguyễn Văn Minh, người trong nhóm một mình lọt vào một thung lũng trên núi cao thuộc vùng Hung Trí và phát hiện đến 3 cây huê cổ thụ. Lập tức, Minh liên lạc với cả nhóm tập trung về Hung Trí, nấu cơm ăn mừng vì “trúng huê”.

Trúng huê tiền tỷ, vẫn “trắng tay”?

Nói về chuyện triệt hạ 3 cây huê, Thái Xuân Tiềm cho biết: Việc phát hiện ra mấy cây huê là vào cuối tháng 3-2012. Khi phát hiện ra, cả nhóm hội ý không được nói ra ngoài để khai thác cho hết. Theo sự phân công của trưởng nhóm, Tiềm là người nấu ăn, gùi nước cho cả nhóm, chỉ khi rảnh mới ra phụ cưa, xẻ. Lượng gỗ cưa xẻ ra từ 3 cây huê chừng khoảng 130 phác và cây to nhất có đường kính chừng 1,2m, mặt lớn nhất của phác gỗ đẹp nhất khoảng 0,8m.

Lê Văn Diễn thì lại cho hay: Gỗ quá nhiều phải cưa xẻ cật lực trong vòng bảy ngày. Sau khi xẻ xong, gỗ huê được chia thành hai đống, một đống gỗ đẹp và một đóng gỗ thường. Diễn cho biết cụ thể gỗ thường là cành, ngọn, lóc lỏi và đe. Gỗ đẹp là gỗ phác có thể làm phản, đóng giường tủ, sập kệ... Một sự trùng lặp dường như đã có sự thống nhất từ trước trong cách kể chuyện, cả Tiềm và Diễn đều nói đã bán cho Nguyễn Văn Hiệu (Hiệu “sẹo”- công an viên xã Xuân Trạch) một lô hàng với giá 1,3 tỷ đồng, mỗi người  được chia 118 triệu đồng. Trong khi đó, theo một nguồn tin đáng tin cậy trước lúc bị cướp, cả nhóm đã từng bán một lượng gỗ huê chung cho 3 đầu nậu gồm H.X.H (Đồng Hới), P.T. H  (Hoàn Lão, Bố Trạch) và P. A. T (Nam Lý, Đồng Hới) góp tiền lại mua khoảng 6 tấn gỗ huê, trị giá 38 tỷ đồng và 7 tỷ đồng cho công gùi, bảo kê, đưa ra khỏi rừng vào cuối tháng 4-2012.

Diễn và Tiềm cùng cho biết: Ngày 24-4-2012 khi phát hiện lực lượng Kiểm lâm vào  nơi 3 cây huê bị nhóm đốn hạ, cả nhóm sợ quá bỏ trốn lên các vách núi, còn gỗ được cất giấu phần lớn trong các hang đá. Tuy nhiên, sau khi lực lượng Kiểm lâm rút đi, đã có hàng trăm người đổ xô vào đây để trấn cướp cũng có, mót huê cũng có... Do vậy, các thành viên trong nhóm bàn với nhau chia gỗ, mạnh ai nấy giấu. Số gỗ còn lại được chia 12 phần (mỗi phần 11 đến 13 phác gỗ), mỗi người một phần, riêng Nguyễn Văn Minh - người phát hiện ra 3 cây huê được chia hai phần. Nguyễn Văn Thống ở xã Xuân Trạch tuy là người được gọi đi xẻ gỗ nhưng cũng được chia gỗ đồng đều như các thành viên.

Tiềm cho hay, anh ta gùi và thuê người gùi đi giấu ở khu vực Nước Vàng, Trại Lá... nhưng bị cướp còn 3 phác đang giấu trong rừng, không dám đưa ra vì sợ bị bắt. Theo Tiềm, nếu 3 phác đó đang còn ở rừng, không ai tìm ra sẽ vào lấy khi có cơ hội để bán làm nhà. Còn Diễn phân trần, lúc gùi đi giấu thì bị cướp hết cả 11 phác. Diễn tiết lộ thêm vì số gỗ xẻ ra từ thân 3 cây đã quá nhiều, nên phần gốc và rễ ba cây cả nhóm không màng đến, để cho người khác vào đào mót. Theo Diễn và Tiềm, người đi mót gốc và rể của 3 cây huê đó cũng thu được hàng tỷ đồng.

Cả Diễn và Tiềm đều xác nhận trong toàn bộ quá trình từ đốn hạ, xẻ gỗ, rồi chia phần, đem gỗ đi giấu và bán gỗ huê... đều theo sự chỉ huy của Hoàng Hạnh. Cũng theo lời của Tiềm và Diễn thì số tiền bán lô hàng đầu tiên cả nhóm đều bị trấn cướp hết. Mặc dù trúng huê tiền tỷ (hàng trăm tỷ đồng), song hiện giờ cả nhóm lâm vào tình trạng tay trắng?

Qua thái độ, cử chỉ, lời nói của Tiềm và Diễn kể về vụ việc này, chúng tôi nhận thấy họ đang rất lo sợ trước một áp lực nào đó, vì vậy họ đang  quanh co và cố giấu diếm rất nhiều việc...

                                                                    Nhóm P. V Bạn đọc













 

,
.
.
.