Bài viết dự thi “Vì an toàn giao thông”:

Nhanh một phút, chậm một đời!

Cập nhật lúc 09:17, Thứ Ba, 05/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm qua tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh ta luôn diễn ra phức tạp. Bình quân mỗi năm xảy ra trên 200 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết khoảng 200 người và bị thương hàng trăm người khác. Trong nhiều nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn, nổi lên là người điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường đã gây ra nhiều vụ tai nạn, hậu quả thảm khốc, để lại nỗi đau tột cùng cho gia đình, xã hội.

Những con số đau lòng

Mới đây về công tác tại xã Trường Thủy, Lệ Thủy chúng tôi được nghe câu chuyện tai nạn giao thông thương tâm. Đó là trường hợp em Nguyễn Văn Q. sinh viên năm thứ hai Đại học Huế quê ở xã Trường Thủy, khi về nhà gặt mùa giúp mẹ đã bị chết do tai nạn giao thông.

Câu chuyện được mọi người kể lại với niềm tiếc thương vô hạn:  sau mấy ngày gặt mùa giúp mẹ tối đó Q. tranh thủ đi thăm bạn bè, đến khoảng 9h đêm chưa thấy em về, mẹ điện thoại nhắc về ngủ sớm để ngày mai vào trường. Có lẽ sợ mẹ mong nên trên đường từ nhà bạn về Q. đi với tốc độ khá cao, đến đoạn đường cong xe không ôm cua được nên em đã ngã và bị chấn thương sọ não. Người đi đường phát hiện ra, báo cho mẹ Q. đến, mở mắt ra nhìn thấy mẹ, em khóc và nói thều thào “con xin lỗi mẹ”, sau câu nói đó em đã ra đi mãi mãi. Q. là niềm hy vọng là tương lai của  gia đình. Em ra đi để lại mẹ già và đứa em gái bị chất độc da cam, gia đình thuộc hộ nghèo, nỗi đau càng thêm chồng chất.  

Trường hợp em Q. là một trong hàng ngàn, hàng vạn trường hợp bị thương vong do tai nạn giao thông gây ra mỗi năm. Qua số liệu từ Uỷ ban ATGT quốc gia, mỗi năm số lượng người chết do tai nạn giao thông ở nước ta trên dưới 12 nghìn người và hàng nghìn người bị thương để lại di chứng suốt đời.
Riêng tỉnh ta mỗi năm có trên 200 người chết và hàng trăm người khác bị thương, hàng nghìn gia đình phải gánh chịu hậu quả nặng nề do tai nạn giao thông gây ra.

Năm 2011 và 5 tháng đầu năm nay mặc dầu tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ ở tỉnh ta có chiều hướng tốt nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Năm 2011, tai nạn giao thông đường bộ, xảy ra 201 vụ, làm chết 197 người, làm bị thương 854 người; 5 tháng đầu năm nay xảy ra 75 vụ làm chết 70 người. Hậu quả của tai nạn giao thông đưa lại rất đau lòng, phần lớn người chết, bị thương đều trong độ tuổi đẹp nhất của đời người. Người chết ra đi đã đành, nhưng để lại nỗi đau tột cùng cho người thân, mất mát đó đeo đẳng suốt đời không gì bù đắp được...

Vi phạm tốc độ, nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn

Thống kê từ các vụ tai nạn giao thông cho thấy có đến 34% số vụ mà người gây tai nạn vi phạm đến tốc độ, nhất là xe tốc hành. Qua trao đổi với đại tá Nguyễn Quốc Tường, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh được biết một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc xe ô tô chở khách gây ra nhiều vụ tai nạn là lái xe thiếu ý thức chấp hành luật lệ ATGT, phóng nhanh để tranh giành khách. Hiện nay nổi lên tình trạng xe ô tô chở khách tư nhân vẫn hoạt động tự do, tranh giành khách gây nên tình trạng lộn xộn, mất ATGT.

Vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 2 người trên QL1A.
Vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 2 người trên QL1A.

Điển hình như vụ xảy ra ngày 11-3-2010 trên quốc lộ 1A đoạn đi qua xã Thanh Trạch (Bố Trạch), xe ô tô khách mang biển kiểm soát 88H-4987 do Phạm Chí Tuấn (ở Mê Linh, Hà Nội) điều khiển do không làm chủ tốc độ đã gây tai nạn với xe ô tô 43K-0626 do Hoàng Văn Hảo (ở Đồng Hới) điều khiển, hậu quả có 2 hành khách đi trên xe bị chết, 2 xe hư hỏng nặng. Viện KSND tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can. Tương tự vụ tai nạn thảm khốc đã làm 7 người chết, 10 người bị thương xảy ra trên quốc lộ 1A thuộc xã Quảng Đông, ngay dưới chân đèo Ngang. Nguyên nhân là xe ô tô mang BKS 14LD-0131 do Nguyễn Thanh Thái (Công ty liên doanh vận tải ô tô khách Quảng Ninh) điều khiển chạy với tốc độ cao, khi gặp chướng ngại vật phanh gấp nên bị lật nhào sau khi va chạm với chiếc xe máy chạy ngược chiều đột ngột rẽ ngang. Ba người đi trên xe máy chết tại chỗ, trên ô tô chở 50 hành khách, 4 người chết và 10 người bị thương.

Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nữa là vụ TNGT xảy ra tại KM599+750 trên quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, Quảng Trạch. Ô tô khách mang BKS 75H-5913 do Võ Đình Tú (sinh năm 1983, trú tại thành phố Huế) điều khiển chạy theo hướng nam - bắc do không làm chủ tốc độ đã lao vào nhà dân khiến 4 người thiệt mạng và 19 người bị thương. Mới đây xe chở khách 29 chỗ ngồi, BKS 75B-00062 do Nguyễn Đăng Quang (ở An Hòa, Thừa Thiên-Huế), điều khiển đã đi sai phần đường với tốc độ cao gây tai nạn với xe mô tô đi cùng chiều, làm chết người điều khiển xe mô tô. Và mới đây nhất trên QL1A đoạn qua xã Quảng Xuân, Quảng Trạch, cũng xảy ra một vụ tai nạn do lái xe tốc hành không làm chủ tốc độ, vượt ẩu gây hậu quả làm 2 người đi trên một xe mô tô chết...Hoặc trong tháng 4-2011, lái xe tốc hành điều khiến xe lưu thông hướng bắc-nam chạy quá tốc độ và trong trạng thái ngủ gật đã lao xe vào một nhà dân ven QL1A đoạn qua xã Đại Trạch, Bố Trạch, làm một người chết...

Hoặc như vụ tai nạn xảy ra tại km 678 thuộc địa phận thôn Tiền Vinh, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia đã không làm chủ được tốc độ. Cụ thể anh Mai Trọng T. (sinh 1987, ở thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh, Quảng Ninh)  một mình điều khiển xe mô tô BKS 73K8-8249 chạy hướng bắc-nam, khi đến đoạn đường trên đã tự ngã và chết trên đường đi cấp cứu. Cũng trên địa bàn huyện Quảng Ninh, tại km 1014+750 nhánh đông đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa phận thôn Xuân Sơn, xã Vạn Ninh đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe mô tô BKS 73N7- 4244 do Lê Xuân H. (SN1980, trú tại xã Mỹ Thủy, Lệ Thủy) điều khiển chở sau là vợ Trần Thị Anh T. (SN 1982) và cháu là Trần Đức Đ. (SN1996) với xe mô tô BKS 73N3-3632 do Lê Văn T. (SN1986, ở thôn Ninh Lộc, xã Hoa Thủy, Lệ Thủy) điều khiển chạy theo hướng từ Hoa Thủy đi Đồng Hới. Do người điều khiển không làm chủ tốc độ, hai xe mô tô đối đầu nhau đã khiến cháu Đ. và anh T. chết tại chỗ, hai vợ chồng anh H. bị thương nặng...

Luôn luôn làm chủ tốc độ

Khuyến cáo của các chuyên gia trên lĩnh vực ATGT của thế giới rằng nếu đi với tốc độ chậm sẽ giảm được 50-70% số vụ tai nạn và giảm trên 80% thương vong. Vừa qua Ban ATGT quốc gia đã đưa ra kết quả nghiên cứu hậu quả của vi phạm tốc độ với thương vong trên lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, nếu đi với tốc độ 70km/h thì sự va đập của phương tiện tăng gấp 2 lần so với tốc độ 50km/h; tốc độ 87km/h va đập tăng lên gấp 3 lần so với tốc độ 50km/h, tốc độ 100km/h sự va đập tăng lên gấp 4 lần so với tốc độ 50km/h...

Luật Giao thông đường bộ quy định, không vượt quá tốc độ ghi trên biển báo hạn chế tốc độ. Đối với người điểu khiển xe cơ giới, Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu. Nếu vi phạm, người lái xe ô tô có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 6.000.000 đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 30 ngày đến 60 ngày, người điều khiển xe mô tô có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày.

Các trường hợp phải giảm tốc độ khi tham gia giao thông đường bộ là, có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức, nơi đường bộ giao cắt đường sắt, đường vòng, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, đoạn đường mà mặt đường không êm thuận; qua cầu, cống hẹp, khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc; qua khu vực có trường học vào giờ học sinh đến trường hoặc tan trường, khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường, khu vực đang thi công trên đường bộ, hiện trường xảy ra tai nạn giao thông; trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, cát bụi rơi vãi....

Hy vọng rằng mỗi một người tham gia giao thông ý thức trách nhiệm, đi đúng tốc độ cho phép, sẽ đưa lại sự bình an cho bản thân và an toàn cho xã hội. Đừng bao giờ vội vàng phóng nhanh, vượt ẩu “nhanh một phút sẽ chậm một đời”.

                                                                                                            Tr. T





 

,
.
.
.