.
Xã Trường Xuân:

Điểm sáng hiến đất xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai, 20/11/2017, 10:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới,  xã miền núi Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của bà con. Đặc biệt, trong phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình phúc lợi xã hội, nhiều hộ dân trong xã  sẵn sàng hiến đất và các tài sản trên đất để  xây dựng các công trình.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã miền núi Trường Xuân gặp không ít khó khăn: địa bàn rộng lớn, nhiều thôn, bản nằm rải rác ở các thung lũng, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống người dân thấp so với mức bình quân chung của huyện...

Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dưng nông thôn mới xã cùng với các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình.

Vì vậy, người dân đã nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò chủ thể, từ đó hưởng ứng tích cực, tạo phong trào thi đua sôi nổi. Xã Trường Xuân cũng đã xác định tiêu chí nào dễ và phù hợp với địa phương thì thực hiện trước, tiêu chí nào khó thì dần tháo gỡ.

Với cách làm đó, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Trường Xuân đã hoàn thành 12/19 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn miền núi cũng đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Năm 2017, Trường Xuân đề ra mục tiêu hoàn thành tiêu chí giao thông. Đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện do nguồn kinh phí đầu tư xây dựng khá lớn và việc giải phóng mặt bằng cũng cần sự đồng thuận của người dân.

Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: “Xuất phát từ 2 hộ người đồng bào dân tộc Vân Kiều là ông Hồ Phong ở bản Khe Ngang và ông Hồ Soa ở bản Khe Dây hiến trên 2.000m2 đất thổ cư để xây dựng điểm trường mầm non và nhà văn hóa bản, phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới ở Trường Xuân ngày càng được lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Người dân Xóm Mít, bản Lâm Ninh đã hiến tặng 1.300m2 đất màu để mở rộng, xây dựng bê tông hóa tuyến đường giao thông nông thôn dài 650m, tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng. Đặc biệt, vừa qua, 22 hộ gia đình ở thôn Quyết Thắng đã hiến 11.660m2 đất rừng và tài sản trên đất để mở tuyến đường giao thông mới với tổng trị giá tài sản khoảng 300 triệu đồng.

Bình quân mỗi hộ hiến từ 500 đến 700m2 đất, tiêu biểu như hộ ông Trần Quốc Cảm hiến trên 1.000m2 và 50 cây trầm dó khoảng 3-5 năm tuổi để xây dựng tuyến đường giao thông mới với tổng chiều dài theo thiết kế trên 1,5 km, mặt đường bê tông rộng 3m, tổng dự toán 2,9 tỷ đồng.

Nguồn vốn do Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo (SRDP) tỉnh tài trợ và vốn đối ứng từ ngân sách xã. UBND xã Trường Xuân đã tiến hành khởi công xây dựng tuyến đường giao thông này. Tuyến đường đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai thác, sản xuất rừng trồng nhằm nâng cao chuỗi giá trị về rừng; hơn nữa, tuyến đường cũng góp phần giải quyết được việc di giãn dân và là đường tránh lũ của xã Trường Xuân”.

Bà Võ Thị Hòe, thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân chia sẻ: “Sau khi được các ban ngành đoàn thể của xã tuyên truyền vận động, gia đình tôi đã hiểu được lợi ích của việc xây dựng mới tuyến đường giao thông này, gia đình đã tự nguyện hiến 1.000m2 đất và tài sản trên đất; đồng thời vận động các hộ liên kề cùng hiến tặng để mở đường giao thông”.

Đến thời điểm này, toàn xã đã cứng hóa 17,6km/19,1km đường liên thôn, nội thôn, đạt tỷ lệ 92%; đường liên xã 10,5km/12km, đạt 87%; đối với các trục đường chính nội đồng, tỷ lệ cứng hóa đạt 12%. Trường Xuân phấn đấu đến cuối năm 2017 đạt thêm tiêu chí về giao thông, nâng tổng số tiêu chí nông thông mới toàn xã lên 13/19 tiêu chí.

Cùng với việc vận động nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới, xã Trường Xuân đã có kế hoạch và giải pháp nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng, nội lực của địa phương để phát triển kinh tế-xã hội, như: xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hợp lý, hiệu quả; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa; đầu tư phát triển chuỗi giá trị về rừng..., góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, sớm đưa xã miền núi Trường Xuân thành xã nông thôn mới.

Ngọc Khang
(Đài TT-TH Quảng Ninh)