.

Xây dựng nông thôn mới: Khó tạo sự đột phá

Thứ Sáu, 17/11/2017, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được các ngành, địa phương quan tâm, chú trọng; nhiều xã đạt chuẩn NTM của các năm trước tiếp tục duy trì, giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể lộ trình NTM của tỉnh ta vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và khó tạo được sự đột phá.

Nỗ lực vượt khó

Mặc dù phải tiếp tục chỉ đạo xử lý hậu quả do sự cố môi trường biển và cơn bão số 10 vừa qua gây ra nhưng công tác điều hành, chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM vẫn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện.

Đến thời điểm này, tỉnh đã hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM cho các địa phương, tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch sản xuất trong đồ án quy hoạch xã NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp cấp huyện. Đồ án quy hoạch bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh và tập quán sinh hoạt từng vùng, miền.

Mặt khác, tỉnh rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, môi trường nông thôn trong đồ án quy hoạch của các địa phương bảo đảm hài hòa giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư đang có. Hiện nay, UBND tỉnh đang rà soát, quy hoạch xây dựng vùng nhằm đáp ứng tiêu chí huyện NTM và quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong xây dựng NTM, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, Văn phòng điều phối, Ban chỉ đạo (BCĐ) các cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến tất cả các cấp, các ngành và toàn dân về những nội dung của chương trình xây dựng NTM và các vấn đề liên quan.

Việc tuyên truyền được triển khai qua nhiều kênh, dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với từng đối tượng, như: tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, qua các phương tiện thông tin đại chúng..., từ đó góp phần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Liên quan đến công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xây dựng được 129,8km đường các loại, trong đó gần 44 km đường liên xã, liên thôn; bê tông hóa, nâng cấp sửa chữa 33,2 km kênh mương; nâng cấp, sửa chữa 78 công trình, 80 phòng học; nâng cấp, sửa chữa, xây mới 38 công trình xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, 6 công trình nước sạch và nhiều công trình khác cũng đang được triển khai thực hiện.

Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM 9 tháng đầu năm nay đạt gần 580 tỷ đồng, trong đó vốn địa phương trên 200 tỷ đồng; huy động từ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác và đóng góp của cộng đồng dân cư gần 120 tỷ đồng.

Ngành điện lực nỗ lực sửa chữa, nâng cấp hệ thống lưới điện giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới.
Ngành điện lực nỗ lực sửa chữa, nâng cấp hệ thống lưới điện giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới.

Bám sát định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện, xây dựng các đề án, như: đề án chăn nuôi giai đoạn 2016-2020, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi... Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được các địa phương nhân rộng nhằm tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích.

Việc xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh; áp dụng cơ giới hóa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, góp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm được nguồn nước tưới và giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Đặc biệt, nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức sản xuất trên cơ sở tăng cường hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 133 hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp và thủy sản hoạt động theo Luật HTX 2012 (gồm: 127 HTX nông, lâm nghiệp, 6 HTX thủy sản); 735 tổ hợp tác (THT) thành lập theo Nghị định số 151 (gồm 615 THT nông, lâm nghiệp; 113 THT khai thác hải sản trên biển; 7 THT nuôi trồng và chế biến thủy sản), tăng 110 THT so với năm 2016, 86 tổ đoàn kết khai thác trên biển.

Việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được các địa phương quan tâm thực hiện. Công tác chỉ đạo sản xuất theo cánh đồng lớn, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác cũng được thực hiện hiệu quả hơn bằng việc khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung theo mô hình trang trại, gia trại.

Kinh tế trang trại ngày càng phát triển theo hướng chất lượng và giá trị. Toàn tỉnh hiện có 730 trang trại tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động. Nhờ có định hướng của UBND tỉnh về phát triển kinh tế trang trại và sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của các sở, ngành, địa phương, nên kinh tế trang trại phát triển mạnh mẽ, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Qua tìm hiểu thực tế tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế trong xây dựng NTM cần sớm khắc phục. Đó là: mức đạt tiêu chí bình quân/xã còn thấp so với kế hoạch đề ra, mới chỉ đạt mức tăng 0,5 tiêu chí/xã so với kế hoạch là tăng từ 1-1,5 tiêu chí/xã.

Công tác tuyên truyền ở cấp huyện, thị xã và cấp xã, nhất là về các chủ trương, chính sách mới trong xây dựng NTM. Công tác chỉ đạo điều hành ở một số địa phương, nhất là các xã đã đạt chuẩn có dấu hiệu chững lại, một số xã sau khi rà soát thực trạng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí Trung ương và tỉnh ban hành giai đoạn 2016-2020 bị sụt giảm tiêu chí.

Cá biệt có xã Quy Hóa của huyện Minh Hóa đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng tiêu chí hộ nghèo chưa đạt theo yêu cầu của bộ tiêu chí. Bên cạnh đó, một số xã vẫn chưa chủ động trong việc áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP ngày 2-12-2016 của Chính phủ trong xây dựng nông thôn mới; nhiều công trình tiến độ triển khai còn rất chậm. Môi trường nông thôn vẫn đang còn là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương, đặc biệt là ô nhiễm môi trường do cơ sở sản xuất công nghiệp.

Nhiều xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 chưa chủ động huy động các nguồn lực khác (của người dân, doanh nghiệp...) để triển khai, chủ yếu đang trông chờ kinh phí từ cấp trên; lúng túng trong cách làm nên có nguy cơ khó về đích trong năm 2017.

Một trong những tồn tại cần sớm được khắc phục chính là tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của các địa phương. Được biết, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn trong giai đoạn 2016-2020.

Thực tế cho thấy, mặc dù các địa phương đã bố trí kinh phí ưu tiên trả nợ, tuy nhiên số nợ đọng còn lại vẫn còn cao. Thống kê từ đầu năm đến nay, các địa phương đã bố trí 57,7 tỷ đồng (từ các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và các nguồn vốn lồng ghép khác) để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Nhờ vậy, tổng nợ xây dựng cơ bản giảm từ 359,6 tỷ đồng (thời điểm thống kế đầu năm đến 31-1-2017) xuống còn 301,9 tỷ đồng (giảm 16,05%). Theo nguồn vốn, nợ trực tiếp của Chương trình NTM giảm từ 145,8 tỷ đồng xuống còn 115,3 tỷ đồng (giảm 20,91%). Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng để tạo sự đột phá trong xây dựng NTM ở tỉnh ta là điều rất khó.

Đến nay, toàn tỉnh có 80/136 xã đạt tiêu chí thu nhập, chiếm 58,8%; 65/136 xã đạt tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, chiếm 47,8%; 110/136 xã đạt tiêu chí về lao động có việc làm thường xuyên, chiếm 80,8%; 105/136 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất, chiếm 77,2%.

Nguyễn Hoàng