.
Thị xã Ba Đồn:

Phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp

Thứ Bảy, 18/11/2017, 15:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 3 năm thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, đến nay, thị xã Ba Đồn đã triển khai hiệu quả một số mô hình sản xuất trên các lĩnh vực khác nhau, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị hàng hoá. Bên cạnh các mô hình trồng trọt đã phát huy hiệu quả kinh tế, trên địa bàn thị xã đã xuất hiện nhiều mô hình theo hình thức nuôi mới, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ.

Với mục tiêu thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, từ đó xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá, 2 năm qua, thị xã Ba Đồn tiếp tục triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lúa chất lượng áp dụng quy trình sản xuất thâm canh cải tiến thích nghi với biến đổi khí hậu SRI (là phương pháp canh tác dựa trên các cơ sở khoa học xuất phát từ thực tế sản xuất lúa hiện nay) tại các xã: Quảng Tiên, Quảng Hải, Quảng Văn và đã mang lại hiệu quả thiết thực với năng suất bình quân đạt 58 tạ/ha.

Qua trò chuyện với một số hộ nông dân tham gia thâm canh lúa cải tiến SRI được biết, lợi nhuận của 1 ha lúa trong mô hình cao hơn từ 3.900.000 đồng đến 5.300.000 đồng so với 1 ha ruộng canh tác theo phương pháp truyền thống. Thực tế sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đã khẳng định tính hiệu quả của việc áp dụng quy trình kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, tính cộng đồng và tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn trong quá trình sản xuất của người dân cũng được thể hiện rõ nét.

Hơn thế nữa, mô hình cánh đồng lớn sản xuất theo quy trình SRI đã thể hiện bao quát, đầy đủ các nội dung trong kỹ thuật sản xuất ICM (biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp) và IPM (biện pháp quản lý sâu bệnh tổng hợp) nên tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư cho bà con, như: giảm từ 30 đến 40% lượng giống, giảm 50% thuốc phòng trừ sâu bệnh, giảm lượng đạm từ 15 đến 20%; nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho các hộ dân làm mô hình.

Phường Quảng Phúc là một trong những địa phương điển hình trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích của thị xã Ba Đồn. Vụ đông-xuân năm 2016-2017, phường đã triển khai mô hình sản xuất giống ngô nếp lai HN88 trên đất pha cát và đất chuyển đổi với diện tích 10 ha, thu hút 125 hộ tham gia.

Sản xuất lúa theo quy trình SRI tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư cho nông dân thị xã Ba Đồn.
Sản xuất lúa theo quy trình SRI tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư cho nông dân thị xã Ba Đồn.

Kết quả sau gần 3 tháng thực hiện, mô hình cho thu hoạch 43.000 bắp/ha, doanh thu bình quân 87,4 triệu đồng/ha, lãi 25,6 triệu đồng/ha. Trong khi đó, trên cùng diện tích, nếu trồng lúa hoặc khoai, người nông dân chỉ lãi từ 6.000.000 đến 8.000.000 đồng/ha trong hơn 4 tháng thực hiện.

Cũng trong vụ đông-xuân năm 2016-2017, nhận thấy trên địa bàn TDP Đơn Sa có 12,5 ha đất liền thửa, không sản xuất lâu năm, phường đã chỉ đạo cán bộ và nhân dân nơi đây quyết tâm thực hiện phát triển sản xuất theo hướng mới, tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Nhờ nguồn giống hỗ trợ của tỉnh và thị xã, nông dân Đơn Sa đã đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất để thực hiện mô hình trồng ngô sinh khối cung cấp thức ăn cho vật nuôi trên 100% diện tích nói trên. Mô hình đã thành công với sản lượng ngô thu được 260 tấn, doanh thu trên 250 triệu đồng, trừ chi phí lãi 130 triệu đồng.

Với thời gian sản xuất ngắn (1 vụ 2 tháng), bà con Đơn Sa thực hiện sản xuất được 3 vụ/năm, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các hình thức sản xuất khác trong nông nghiệp. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, mô hình trồng ngô sinh khối ở Đơn Sa còn tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình tham gia thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn cho biết thêm, chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang các đối tượng cây trồng khác là một nội dung lớn trong đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của thị xã Ba Đồn. Trên cơ sở những kết quả đạt được từ những năm trước, Phòng Kinh tế đã tập trung chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình sản xuất thực tế trên địa bàn để tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nhờ vậy, trong năm 2017, toàn thị xã đã chuyển đổi được 47 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác. Điển hình có 2 địa phương duy trì và thực hiện tốt việc chuyển đổi đối tượng cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn thị xã là phường Quảng Long và xã Quảng Hoà. Đến nay, toàn thị xã có 20ha đất được chuyển đổi sang trồng hoa và rau màu, thu hút 274 hộ tham gia.

Kết quả, đối với trồng rau, lợi nhuận đạt từ 130 triệu đồng đến 150 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 7 đến 8 lần so với trồng lúa; trồng hoa xen vụ phục vụ các dịp lễ, Tết cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 11 đến 12 lần trên một đơn vị diện tích. Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa và rau tại phường Quảng Long và xã Quảng Hoà là hướng đi đúng, tạo điều kiện cho người nông dân tăng thu nhập và cải thiện đời sống, là cơ sở để phát triển sản xuất vùng rau, hoa theo hướng sản xuất hàng hoá và tiêu chuẩn VietGap.

Năm 20117, Phòng Kinh tế đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh triển khai thực hiện một số mô hình nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ mang lại hiệu quả kinh tế. Cụ thể như mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cá dìa, của với diện tích 4.000m2, cua tại hộ ông Hoàng Văn Yên, TDP Cồn Két, phường Quảng Thuận.

Với nguồn kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng, lượng giống thả nuôi 64.000 con các loại, sau 7 tháng nuôi, sản lượng đạt trên 1,6 tấn; trong đó, trọng lượng bình quân của cá dìa khi thu hoạch đạt 300g/con, tôm 40 con/kg, cua 280g/con. Tổng doanh thu của mô hình đạt gần 280 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất mô hình đạt lợi nhuận trên 150 triệu đồng.

Bên cạnh khai thác có hiệu quả tiềm năng ao hồ nuôi thuỷ sản mặn lợ, đây là mô hình nuôi mới nhằm cải thiện môi trường, hạn chế dịch bệnh và tiến tới nuôi bền vững. Mô hình thứ hai được thực hiện tại BCH Quân sự thị xã Ba Đồn, với diện tích 100m2 ao hồ, nuôi thử nghiệm 4.000 con cá dét trong ao lót bạt. Sau hơn 4 tháng thả nuôi, trọng lượng của cá khi thu hoạch đạt 32 con/kg, sản lượng đạt 110 kg.

Với giá bán ra thị trường 150.000 đồng/kg, mô hình đạt doanh thu 16.500.000 đồng, trừ chi phí lãi 5.500.000 đồng. Thông qua mô hình đã giúp người nuôi tiếp cận, học tập kỹ thuật nuôi cá trong ao, bể lót bạt, sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời hạn chế khai thác bừa bãi cá tự nhiên đang có nguy cơ cạn kiệt.

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp nhằm tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết, thị xã tiếp tục có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất ngành nghề nông thôn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đổi mới thiết bị máy móc, cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và có sức cạnh tranh trên thị trường.

Thị xã sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đồng thời tăng nguồn vốn đầu tư cho công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm và khuyến công để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Cùng với việc quy hoạch vùng sản sản xuất tập trung trên địa bàn, thị xã sẽ định hướng phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, như: Công ty TNHH, trang trại, gia trại...

Hiền Chi