.

Lệ Thủy: Phát triển chăn nuôi quy mô lớn

Thứ Hai, 20/11/2017, 14:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Việc phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đang là hướng đi đúng đắn nhằm giúp người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã chủ động quy hoạch, phát triển vùng chăn nuôi.

Với mục tiêu đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, huyện Lệ Thủy đã định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên chuyển đổi một số diện tích đất canh tác kém hiệu quả kinh tế sang trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò; chuyển đổi một phần đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang phát triển kinh tế trang trại, từ đó tạo quỹ đất để xây dựng trang trại tập trung, quy mô lớn.

Trong quá trình thực hiện quy hoạch, tạo quỹ đất phát triển trang trại, huyện xác định rõ tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từ đó quy hoạch cả đối tượng con nuôi phù hợp. Đối với các xã vùng đồi có diện tích rộng, huyện quy hoạch chăn nuôi bò, gà theo hình thức bán chăn thả, nhằm tận dụng tối đa diện tích đất ven đồi, bìa rừng, đất bãi ven sông.

Đối với các xã ven biển, diện tích hẹp, huyện chú trọng chăn nuôi lợn, gia cầm và chăn nuôi kết hợp gia cầm, lợn. Còn đối với các xã thuộc vùng đồng bằng, cùng với việc quy hoạch khu trang trại, xa khu dân cư, huyện quy hoạch phát triển đa dạng các loại vật nuôi, các mô hình chăn nuôi kết hợp nhằm tận dụng, phát huy tối đa thế mạnh của vùng đồng bằng.

Nhờ việc thực hiện quy hoạch, tạo quỹ đất dành cho chăn nuôi, nên đa số các xã trên địa bàn huyện đã dần có quy hoạch khu vực dành riêng cho kinh tế trang trại. Theo đó, hiện nay, toàn huyện có 127 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận; trong đó, 59 trang trại chăn nuôi, 53 trang trại tổng hợp.

Cánh đồng nằm ở phía đông thôn Đông Thành, xã Liên Thủy trước đây chỉ là một vùng trồng lúa hiệu quả kinh tế kém. Thực hiện chủ trương quy hoạch, tạo quỹ đất cho chăn nuôi tập trung, từ năm 2014, thôn Đông Thành đã tiến hành vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để tạo quỹ đất phát triển khu trang trại chăn nuôi tập trung thôn. Sau nhiều năm thực hiện,  vùng lúa kém hiệu quả nay đã trở thành khu trang trại chăn nuôi tập trung điển hình của xã Liên Thủy về quy mô, tiềm năng.

Để phát triển kinh tế trang trại, những năm qua, cùng với việc thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, như: hỗ trợ về đất đai, lao động, thị trường tiêu thụ sản phẩm, khoa học - kỹ thuật..., huyện Lệ Thủy đã thực hiện quy hoạch, tạo quỹ đất dành riêng cho trang trại ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Hầu hết các khu vực được quy hoạch để phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Lệ Thủy đều nằm cách xa khu dân cư, nên không ảnh hướng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Không những thế, theo chia sẻ của các hộ chăn nuôi, việc quy hoạch và phát triển các khu chăn nuôi tập trung còn tạo động lực để họ mạnh dạn đầu tư sản xuất. Bởi, có quỹ đất, lại là khu tập trung phát triển kinh tế trang trại, nên nhiều hộ chăn nuôi đã yên tâm, mạnh dạn đấu thầu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đồng thời, giúp đỡ, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, thiết bị.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mặc dù nhiều địa phương đã quy hoạch, tạo quỹ đất để phát triển chăn nuôi tập trung, song hầu hết chỉ mang tính chất tạm thời, chỉ dựa vào điều kiện tự nhiên, địa lý của riêng địa phương, nên thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu tính ổn định. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi không dám bỏ vốn đầu tư phát triển với quy mô lớn.

Bên cạnh đó, các khu vực tuy đã được quy hoạch để phát triển chăn nuôi tập trung, nhưng chưa được các địa phương chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng, nên chưa phát huy được hiệu quả kinh tế; nhiều khu trang trại đi vào hoạt động không bảo đảm vệ sinh môi trường.

Vân Anh
(Đài TT-TH Lệ Thủy)