.

Khơi thông vốn vay cho nông nghiệp

Chủ Nhật, 19/11/2017, 15:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiều chính sách, gói tín dụng ưu đãi đã và đang được triển khai nhằm hỗ trợ cho ngành nông nghiệp phát triển. Thế nhưng trên thực tế, người nông dân và các hợp tác xã (HTX) vẫn gặp không ít “rào cản” khi tiếp cận nguồn vốn vay này.

Khi hợp tác xã lỡ nhịp” liên kết

Luật HTX năm 2012 ra đời nhằm mục đích xây dựngcác HTX trở thành “hạt nhân” trung gian và giữ vai trò là “nhạc trưởng” trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu đầu vào đến đầu ra. Quá trình chuyển đổi cho đến nay cho thấy, những yêu cầu nói trên có vẻ như không “làm khó” được HTX sản xuất-kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp (gọi tắt HTX) Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy (Lệ Thủy) để tiếp tục vươn lên và giữ vững là một trong những HTX “đầu đàn” của vựa lúa Lệ Thủy.

 Các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đang “khát” vốn để mở rộng sản xuất.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đang “khát” vốn để mở rộng sản xuất.

Qua đó, những tồn tại, hạn chế mà nền nông nghiệp nói chung và thực tế người nông dân nơi đây đang gặp phải, như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; phương pháp canh tác lạc hậu; bộ giống cũ dẫn đến năng suất và chất lượng thấp..., đều đã được HTX này từng bước giải quyết, từ việc tổ chức lại sản xuất đến bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Đến nay, trên 90% diện tích lúa canh tác ở đây đều đã áp dụng thành thục phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI), tạo thành vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao. HTX Mỹ Lộc Thượng cũng đã đầu tư một dây chuyền xay xát, chế biến gạo (công suất 6 đến 7 tạ/giờ) nhằm thực hiện luôn nhiệm vụ chế biến, đóng gói sản phẩm. Các thủ tục đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm với tên gọi "Gạo Lệ Thủy" đã được hoàn tất.

Đây là một trong những điều kiện để lúa gạo của nông dân Mỹ Lộc Thượng nói riêng và hạt gạo Lệ Thủy nói chung thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường. Về lâu dài, HTX Mỹ Lộc Thượng sẽ còn đảm trách nhiệm vụ bao tiêu và chế biến cho các địa phương lân cận. Thế nhưng, sự thể đâu có phải dễ dàng như thế.

Anh Võ Văn Thắng, Giám đốc HTX Mỹ Lộc Thượng cho rằng: “Với những gì hiện có, HTX đủ năng lực để đảm đương nhiệm vụ này, tuy nhiên, vấn đề cơ bản hiện nay là không đủ nguồn vốn để thực hiện. Vụ mùa năm 2015, HTX Mỹ Lộc Thượng đến ngân hàng vay vốn để có tiền thu mua lúa cho bà con, thế nhưng ngân hàng không cho vay.

Lý do là vì không có tài sản thế chấp. Còn nếu muốn vay thì phải thế chấp tài sản cá nhân. Mà tài sản cá nhân thì không có giá trị lớn để thế chấp. Không cho vay, chúng tôi lấy đâu ra tiền để thu mua lúa cho bà con. Về lâu dài, nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách vay vốn thì vai trò cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX chắc chắn sẽ bị “lỡ nhịp”. Đây là thực trạng chung của nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Khó phát triển nông nghiệp sạch

Tốt nghiệp Đại học Nông-Lâm Huế, ra trường không kiếm được việc làm phù hợp, vợ chồng anh Ngô Trí Quang ở xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy) vào Nam làm ăn. Thế nhưng được một thời gian, họ quyết định về quê lập nghiệp. Tháng 8-2016, bằng vốn kiến thức học được trên giảng đường đại học, anh Quang đầu tư trồng rau, quả sạch hữu cơ. Từ số tiền gần 1 tỷ đồng vay mượn, gom góp được của anh em, bạn bè, anh Quang đầu tư xây dựng một hệ thống nhà màng với diện tích 2.000m2.

Đặc biệt, để bảo đảm cây trồng sinh trưởng tốt, anh Quang còn ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Isarel và nuôi cá rô đầu vuông lấy phân, rồi xử lý bằng công nghệ lên men vi sinh, khử trùng để bón cho cây trồng. Sau một thời gian chật vật trồng và thử nghiệm nhiều loại rau quả khác nhau, cuối cùng cây dưa lưới và cà chua cũng bén rễ trên mảnh đất này.

Gần một năm nay, ít ai biết được rằng sản phẩm dưa lưới và cà chua bi giống Thúy Hồng với chùm trái chín đỏ, căng mọng xuất hiện ở một số cửa hàng phân phối nông sản hữu cơ tại thành phố Đồng Hới lại có xuất xứ từ vùng cát trắng ven biển bãi ngang này. Với một cá nhân hộ gia đình, việc đầu tư một cách bài bản và khoa học để tạo nên sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chất lượng là một cách làm khá mới mẻ và táo bạo ở đây.

Thế nhưng, mong ước của Ngô Trí Quang chưa dừng lại ở đó. Quang chia sẻ, hiện nay, các loại rau củ quả hữu cơ đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều cơ sở tiêu thụ đến đặt hàng nhưng vì chưa đủ số lượng nên anh buộc lòng phải từ chối. Nếu có tiền anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng nhà màng, trồng trọt đa chủng loại rau củ quả để cung cấp ra thị trường.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay đó chính là nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Anh đã đến gõ cửa nhiều ngân hàng, nhưng không nơi nào cho vay vì anh không có tài sản bảo đảm. Hiện, diện tích đất anh đang canh tác cũng chỉ là đất thuê lại của anh em bà con, còn tài sản trên đất (gần 1 tỷ đồng) cũng chưa có giấy chứng nhận nên cũng không thể mang đi thế chấp được.

Mô hình trồng cà chua bi giống Thúy Hồng và dưa lưới của vợ chồng anh Ngô Trí Quang ở Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy).
Mô hình trồng cà chua bi giống Thúy Hồng và dưa lưới của vợ chồng anh Ngô Trí Quang ở Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy).

Anh Quang tâm sự: “Cũng có ngân hàng đến tận nhà chào mời gói vay từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng (lãi suất theo thị trường) và phải trả trong vòng 1 năm hoặc đáo hạn lại mới cho vay tiếp, nhưng mình không đủ khả năng. Còn nguồn vốn vay để phát triển nông nghiệp, nông thôn chỉ vay tối đa được 40 triệu đồng, nhỏ giọt quá, không thể làm gì được. Muốn phát triển mở rộng sản xuất cũng rất khó. Không có tiền, mình chỉ làm nhỏ, rồi từ từ phát triển lên thôi, chứ không còn cách nào khác”.

Đụng vào đâu cũng vướng!?

Theo ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân cơ bản của tình trạng nói trên là do: “Các đối tượng nói trên đang thiếu các điều kiện, yếu tố để bảo đảm cho việc thu nợ của ngân hàng, đặc biệt là tài sản thế chấp và chứng minh năng lực của người sản xuất. Ngân hàng cũng là nơi kinh doanh, vì vậy không chỉ các ngân hàng thương mại mà các ngân hàng Nhà nước cũng muốn cho vay để quay vòng đồng vốn lắm chứ. Thế nhưng cho vay rồi, mỗi khi xảy ra chuyện thì lấy gì để ngân hàng thu hồi nợ. Vì điều đó nên ngân hàng buộc lòng phải từ chối”.

Rõ ràng những vướng mắc về các quy định, thủ tục vay vốn và tài sản bảo đảm đã làm khó cho các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đang trong quá trình phát triển và các HTX trên địa bàn tỉnh ta. Trong khi chính những đối tượng này lại đang cần nguồn vốn “tiếp sức” để phát triển và mở rộng sản xuất.

Theo ông Đinh Quang Hiếu để giải quyết các điểm nghẽn nói trên, “cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban ngành liên quan, chứ chỉ một mình các ngân hàng không thể tùy tiện “xé rào” quy định để làm được. Có như vậy, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch và các HTX mới có cơ hội để phát triển”.

Ông Hiếu thừa nhận, trên thực tế, nhiều đối tượng đặc biệt là các HTX và các hộ sản xuất nông nghiệp sạch cá thể, nhỏ lẻ muốn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi hễ cứ động đến thủ tục gì là vướng ở thủ tục đó.

Ví dụ như, muốn vay vốn gói ưu đãi 100.000 tỷ, các cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải có giấy chứng nhận do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, lúc đó các ngân hàng mới xem xét các điều kiện khác để cho vay.

Hiện, tỉnh ta mới chỉ có một doanh nghiệp có giấy chứng nhận và đã được phía ngân hàng xem xét cho vay. Còn đối tượng là các HTX nông nghiệp cũng do vướng mắc về tài sản bảo đảm nên chưa có HTX nào được các ngân hàng cho vay vốn.

Dương Công Hợp