.

Xã Dương Thủy: Tập trung phát triển chăn nuôi

Thứ Tư, 06/09/2017, 10:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân.

Xã Dương Thủy hiện có 1.046 hộ, trên 4.600 nhân khẩu ở 5 thôn (Nam Thiện, Đông Thiện, Trung Thiện, Tây Thiện và Bình Minh). Đa phần cuộc sống của người dân nơi đây dựa vào nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi.

Trước đây, do người dân chăn nuôi thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, chuồng trại chưa được đầu tư bài bản và chủ yếu sử dụng giống địa phương nên hiệu quả kinh tế không cao, gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân đã tích cực xây dựng chuồng trại, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đưa con giống chất lượng cao vào sản xuất nên đã giảm bớt thời gian nuôi, tăng số lứa trong năm, vì vậy điều kiện kinh tếngày càng được nâng cao.

Ông Lê Viết Dựng, Chủ tịch UBND xã Dương Thủy cho biết, thời gian qua, xã tích cực phối hợp với Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho bà con; làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung; khuyến khích người dân phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Bên cạnh đó,  xã cũng đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, ngân hàng ký kết ủy thác, tín chấp, hỗ trợ vốn để người dân có vốn đầu tư chăn nuôi.

Phát triển chăn nuôi giúp nhiều gia đình ở xã Dương Thủy thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Phát triển chăn nuôi giúp nhiều gia đình ở xã Dương Thủy thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, đến nay, tổng đàn gia súc của xã có trên 31 nghìn con. Trong đó, tổng đàn trâu bò 774 con, đàn lợn 2.460 con, đàn gia cầm gần 28 nghìn con... Chăn nuôi phát triển đã tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân; góp phần vào sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,7%.

Điển hình về chăn nuôi có gia đình anh Phạm Văn Liên, xóm Tây B, thôn Tây Thiện với mô hình nuôi bò vỗ béo. Anh Liên cho biết, trước đây, vì không có vốn, gia đình anh chỉ nuôi 1 đến 2 con bò thả rông, thu nhập không đáng kể. Ngay khi mô hình nuôi bò vỗ béo về đến xã, do xuất thân từ người buôn bán nhỏ lẻ nên anh đã nắm bắt thị trường kinh doanh và nhận thấy việc nuôi bò vỗ béo tốt hơn so với nuôi lợn, cá... nên đã mạnh dạn đầu tư 5 con bò vỗ béo. Đến nay, trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có trên dưới 10 con bò, 1 năm xuất chuồng 3 đến 4 lần, cho thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Tại xóm Tây A, thôn Tây Thiện, chị Phạm Thị Nga chia sẻ, nhờ sự quan tâm của địa phương, gia đình chị được vay vốn, tập huấn kỹ thuật mới, nên nhiều năm nay đàn bò của gia đình luôn duy trì từ 4 đến 5 con. Việc duy trì đàn bò đã mang đến nguồn thu nhập cho gia đìnhtrong năm 2016 đạt gần 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Dương Thủy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: chưa tìm được đầu ra ổn định, biến động về giá cả, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún... Trước tình hình đó, xã thường xuyên duy trì thực hiện tốt việc tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, xã thực hiện nhiều đợt vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng tập trung ở những nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Cùng với đó, xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động thay đổi, cải tiến phương thức chăn nuôi, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, tận dụng các nguồn vốn, chương trình để hỗ trợ, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, xây dựng các mô hình chăn nuôi quy mô.

Nhờ đó, các mô hình sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn mới của địa phương.

Phạm Hà