.

Xã Đồng Trạch: Thử nghiệm mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học

Thứ Sáu, 01/09/2017, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, chăn nuôi trên địa bàn xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, bà con chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong chăn nuôi. Mới đây, mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi.

Trước đây, gia đình anh Dương Văn Tuân (thôn 2, xã Đồng Trạch) nuôi gà bằng phương pháp truyền thống nên gà hay bị bệnh và mùi hôi thối từ chất thải gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Được sự giúp đỡ của trạm khuyến nông huyện, anh Tuân tham gia tập huấn và thực hiện mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học. Với diện tích khoảng 200m2, anh nuôi trên 300 con gà thịt, chủ yếu là giống gà ri lai, gà kiến.

Trên nền chuồng, anh lót trấu với độ dày 20cm và tiến hành ủ men sinh học, cám gạo với tỉ lệ 1kg men/3kg cám gạo trong 3 ngày. Hỗn hợp này được rải lên mặt trấu trên nền chuồng, cứ 1kg hỗn hợp men sinh học rải trên 40m2, thời gian sử dụng đệm lót khoảng 1 năm.

Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi.
Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi.

Anh Tuân cho biết, áp dụng phương pháp này sẽ tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp, như: trấu, mùn cưa, thân cây ngô, giá thành thấp nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Từ khi áp dụng mô hình, trang trại của gia đình anh đã giảm mùi hôi thối và khí độc chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển tốt, qua đó, giảm tỷ lệ mắc các loại dịch bệnh, đàn gà tăng trưởng nhanh.

Khi gà nuôi được gần 2 tháng tuổi, anh thả gà ngoài khu vườn trống có ao hồ cây cối. Nhờ đó, gà tăng sức đề kháng và thịt gà thêm săn chắc, được khách hàng ưa chuộng. Sau gần 3 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng từ 1,6 kg – 1,8kg/con, mỗi con bán giá từ 100.000 đến 150.000 đồng.

Ngoài gia đình anh Tuân, gia đình anh Dương Văn An (thôn 3, xã Đồng Trạch) cũng đã áp dụng mô hình với 700 con gà ri lai, diện tích chuồng là 100m2. Trước khi đưa gà về nuôi, gia đình anh đã chuẩn bị chuồng trại bảo đảm vệ sinh, quét dọn chuồng gà và xung quanh, khử trùng bằng cách phun dung dịch sát trùng và rải vôi trước 10-15 ngày. Giai đoạn đầu nuôi úm trong chuồng nuôi với nhiệt độ phù hợp, gà con phát triển tốt. Sau 4 tuần úm, anh nuôi chăn thả theo phương pháp bán thâm canh.

Với lợi thế bãi chăn thả tương đối rộng, nên đàn gà có sân chơi, tạo điều kiện cho sự sinh trưởng và phát triển, gà có thể tự kiếm thức ăn, như: côn trùng, giun, dế, châu chấu, mối... Đây là thức ăn giàu đạm cho gà, sẽ giảm được thức ăn đậm đặc, giảm được chi phí mua thức ăn cho đàn gà.

Từ mô hình mà gia đình anh Tuân, anh An đã thử nghiệm, có thể thấy, nuôi gà trên đệm lót sinh học có rất nhiều ưu điểm, như: giảm chi phí trong quá trình chăn nuôi, cải thiện môi trường tốt cho người lao động, tạo cơ hội phát triển chăn nuôi quy mô lớn và chăn nuôi ở các khu vực đông dân cư.

Chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học sẽ hạn chế dịch bệnh và gà tăng trưởng tốt; gà nuôi trên đệm lót sinh học không bị thối bàn chân, lông tươi mượt và sạch nên lợi nhuận cao hơn từ 30% đến 35% so với phương pháp nuôi truyền thống. Đây là mô hình dễ áp dụng, kinh phí đầu tư không lớn, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi và bảo vệ môi trường.

Ông Dương Ngọc Dép, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Trạch cho biết, hiện trên địa bàn xã Đồng Trạch đã có 30 hộ tham gia tập huấn mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học và có 6 hộ đã triển khai thực hiện. Mô hình này bước đầu đã thay đổi được tư duy người nuôi và đem lại giá trị kinh tế. Các trại gà luôn được tiêm đầy đủ các loại vắc xin, được trung tâm thú y hỗ trợ và được trạm khuyến nông chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật... Đây là một mô hình hiệu quả, nên trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân trên địa bàn tiếp tục nhân rộng.

Th.H-Thu Thanh