.

Ngân hàng CSXH huyện Quảng Trạch: 15 năm đồng hành cùng người nghèo

Thứ Sáu, 01/09/2017, 09:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Được thành lập từ năm 2003, với hơn 40 tỷ đồng chỉ tiêu nguồn vốn, sau 15 năm đi vào hoạt động, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Trạch có chỉ tiêu nguồn vốn được cân đối từ Trung ương là hơn 367 tỷ đồng, tăng trên 800%. Nguồn vốn đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện Quảng Trạch.

Trong 15 năm qua, kể từ khi đi vào hoạt động, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Trạch đã tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện. Thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đã phát huy hiệu quả. Đến nay, có gần 6.400 hộ nghèo, hộ cận nghèo dư nợ với số tiền gần 138 tỷ đồng, mức dư nợ bình quân đạt trên 21,5 triệu đồng/hộ. Bằng nguồn vốn ưu đãi hơn 10.700 hộ dân thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 65% số hộ thoát nghèo chung toàn huyện.

Đặc biệt, Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện cho vay đối với hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Hình thức này đã mở ra nhiều ngành nghề, liên doanh, liên kết, từ đó, giúp cho người dân các địa phương trên địa bàn huyện, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ông Tạ Quang Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch cho biết: "Sau khi có chỉ tiêu giao của huyện về nguồn vốn của Ngân hàng CSXH cho địa phương, chúng tôi đã kịp thời tổ chức hội nghị trong Ban giảm nghèo, mời các thôn, các tổ tiết kiệm, vay vốn để phân vốn và chỉ đạo các thôn, các hội, đoàn thể triển khai việc bình xét đối tượng vay, triển khai thực hiện đúng việc giải ngân, bảo đảm kế hoạch đề ra.

Đến nay, tổng dư nợ của toàn xã là 27 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 20 tỷ đồng, ngoài ra còn có 6 kênh vốn vay khác. Chúng tôi đã tập trung chỉ đạo các hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích. Từ khi triển khai chương trình đến nay, chúng tôi đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 57,5% xuống còn 21,6% thời điểm cuối năm 2016".

Một buổi giao dịch lưu động tại xã Quảng Tiến của Ngân hàng CSXH huyện Quảng Trạch.
Một buổi giao dịch lưu động tại xã Quảng Tiến của Ngân hàng CSXH huyện Quảng Trạch.

Sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện vào năm 2010, trên diện tích 3 ha, gia đình ông Trần Xuân Thành, ở thôn Văn Hà, xã Quảng Tiến đã mạnh dạn trồng các loại cây ăn quả, như: vải, nhãn, vú sữa, cam, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng keo. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Từ một hộ gia đình nghèo, ông Thành đã vươn lên trở thành hộ khá, xây dựng được nhà cửa khang trang.

Ông Thành chia sẻ: "Thời gian tới, tôi mong muốn Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục tạo điều kiện giúp gia đình tôi vay thêm vốn để đầu tư mua thêm bò, đào ao nuôi cá kết hợp chăn nuôi vịt, chặt bỏ diện tích trồng keo để trồng thêm cây ăn quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế của địa phương".

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi có nhiều ưu điểm, như: thời hạn cho vay dài, lãi suất thấp, thủ tục vay khá thuận lợi, không thế chấp, phương thức cho vay chủ yếu ủy thác thông qua các hội, đoàn thể. Điều này đã tạo điều kiện để các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và sử dụng vào sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống sinh hoạt, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, trở thành một "điểm sáng" trong chính sách giảm nghèo.

Hiện tại, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Trạch đang thực hiện 12 chương trình vay vốn. Trong đó, chương trình cho vay học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường đã kịp thời giải quyết những khó khăn của người dân. 15 năm qua, từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã có trên 18.000 lao động có việc làm mới, xây dựng được hơn 4.400 công trình nước sạch và công trình vệ sinh, gần 1.000 học sinh, sinh viên đang theo học các trường được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi.

Đặc biệt, nguồn vốn đã kịp thời khắc phục các thiệt hại do nguyên nhân khách quan gây ra, như: bão lụt, rét hại, hạn hán và sự cố ô nhiễm môi trường biển để người vay yên tâm và có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, nhà phòng tránh bão lụt, đến nay, đã có hơn 1.900 hộ nghèo được vay vốn với tổng số tiền gần 11,4 tỷ đồng đầu tư làm nhà ở, nhà phòng tránh bão lụt. Nhờ đó, đến nay, các hộ nghèo vay vốn đã được ở trong những ngôi nhà mới, kiên cố, yên tâm làm ăn phát triển kinh tế gia đình.

Ông Trần Văn Đồng, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quảng Trạch cho biết: "Để nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội phục vụ tốt hơn nữa trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội, thời gian tới chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, sâu rộng về tín dụng chính sách xã hội để mọi người hiểu và có điều kiện tiếp cận.

Đồng thời, Ngân hàng CSXH  huyện nỗ lực tạo lập nguồn vốn để chủ động trong việc cho vay, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong mọi thời kỳ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về hoạt động tín dụng chính sách xã hội và phối hợp tốt với các ngành, các cấp để tín dụng chính sách xã hội được bảo đảm xã hội hóa ngày càng cao".

Trong 15 năm qua, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Trạch đã thực hiện có hiệu quả các chương trình cho vay phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

X.Phú-M.Ánh