.

Thu nhập cao từ trồng gấc

Thứ Bảy, 05/08/2017, 11:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Dựa vào đặc tính dễ trồng, không kén đất, đầu ra ổn định, thời gian gần đây, mô hình trồng gấc bắt đầu phát triển mạnh ở huyện Lệ Thủy, giúp nhiều bà con có thu nhập ổn định.

Mô hình trồng gấc của bà Trần Thị Vân (An Thủy, Lệ Thủy) có diện tích khoảng 450 m2. Bà Vân cho biết: "Nhờ tìm hiểu trên sách báo và được giới thiệu, tham quan các mô hình trồng gấc hiệu quả, tôi bắt đầu làm giàn, căng dây để trồng gấc, vừa che mát, lại tăng thêm thu nhập".

Cũng theo bà Vân, cây gấc trồng khoảng hơn 1 năm thì năng suất sẽ giảm, lúc đó nông dân tiến hành cắt dây chừa lại một đoạn gốc dài từ 40 - 60 cm trên mặt đất, sau đó đào hố xung quanh gốc, rộng 20 cm, sâu 10 cm, cách gốc 25 - 30 cm, bón phân rồi lấp đất lại và tưới nước, để gốc tái sinh chồi mới.

Gấc không chỉ là loại cây trồng cho thu nhập cao mà còn che bóng mát.
Gấc không chỉ là loại cây trồng cho thu nhập cao mà còn che bóng mát.

Mỗi năm, người trồng nên cắt dây một lần, chỉ sau 2 - 3 năm, gốc gấc to, cho nhiều trái. Mỗi sào có thể trồng từ 35 - 40 gốc, nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, mỗi gốc có thể cho năng suất 100 - 150 kg, được thương lái bao tiêu sản phẩm với giá 10.000/kg. Với giá bán này, mỗi sào trồng gấc sau khi trừ chi phí, người trồng lãi hơn 10 triệu đồng.

Gấc được nhân giống bằng gieo hạt. Ngay lúc cây non lên khoảng 20 cm, bà con tiến hành ghép bo dây gấc cái, giúp an tâm không lo trồng phải gấc đực không cho trái. Thông thường 1 trái gấc chiếm tỷ lệ khoảng 50% hạt cho giống gấc đực.

Gấc là loại dây leo, trồng phải làm giàn, cần thường xuyên làm cỏ, xới nhẹ đất quanh gốc cách từ 25 - 30cm để kích thích rễ phát triển. Ngoài lượng phân hữu cơ bón lót là chính, mỗi năm vào đầu, giữa và cuối mùa mưa, bà con nên bón thúc thêm phân hỗn hợp NPK, giúp cây sinh trưởng mạnh, cho nhiều trái, trái to.

Người trồng có thể đào rãnh rộng, rải đều phân lân lên mặt đất cách gốc 20cm, rồi dùng cuốc xới nhẹ lấp phân; xếp cỏ khô, rơm rạ lên mặt, để giữ ẩm và chống rửa trôi; phun thuốc theo định kỳ, để phòng trừ sâu bệnh,... Đồng thời, phải biết cách phòng trị bệnh đốm lá, cháy lá... làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái.

Bên cạnh đó, năng suất gấc cũng phụ thuộc vào thời tiết, thường vào mùa nắng nóng, gấc thiếu nước nên ra trái ít, 1 tuần bà Vân thu hoạch một lần, mỗi lần được khoảng 15 kg. Nhưng vào mùa mưa, gấc phát triển tốt và ra hoa, kết trái nhiều, năng suất cao hơn.

Mô hình trồng gấc không chỉ giúp bà Vân và nhiều hộ gia đình Lệ Thủy tận dụng đất vườn tạp, tạo bóng mát mà còn mang lại nguồn thu nhập cao. Tuy nhiên, hiện tại, gấc chỉ được trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà, vì vậy, để phát triển mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa, chính quyền địa phương cần có định hướng, kế hoạch dài hơn để gấc sớm trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Vân Anh
(Đài TT-TH Lệ Thủy)