.

Người thương binh vượt khó làm giàu

Thứ Năm, 03/08/2017, 10:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Từng tham gia chiến đấu tại chiến trường khói lửa ác liệt Quảng Trị, xuất ngũ trở về địa phương, mang trong mình chứng tích chất độc hóa học nhưng thương binh Nguyễn Thái Bình (SN 1954), ở thôn Sơn Tùng, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, luôn nung nấu trong mình ý chí, nghị lực phi thường của một người lính Cụ Hồ, không khuất phục đói nghèo, vượt qua khó khăn, tự mình vươn lên, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Trải qua nhiều cam go, khốc liệt ở chiến trường Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh, về với đời thường, thương binh Nguyễn Thái Bình luôn nghĩ rằng, mình vẫn còn may mắn hơn bao đồng đội khác. Mặc dù đang mang trong mình căn bệnh ung thư hơn 6 năm nay, nhưng ông Bình luôn lạc quan, vượt qua mọi gian nan, vất vả, chiến thắng bệnh tật để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Ông Bình cho biết, ông nhập ngũ năm 1972, ở chiến trường Quảng Trị, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Năm 1976, ông xuất ngũ trở về địa phương, mang trên mình thương tật.

Năm 1977, ông lấy vợ rồi ra riêng, lúc bấy giờ đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1979, gia đình ông vui mừng đón con gái đầu lòng, niềm vui chưa trọn vẹn khi ông biết con gái bị khuyết tật. Người con thứ 2 ra đời cũng lấy đi bao nước mắt của vợ chồng ông, cả 2 đều bị khuyết tật, câm điếc bẩm sinh do bị phơi nhiễm chất độc hóa học từ cha. Năm 1993, đứa con thứ 6 ra đời cũng là  lúc có chủ trương, chính sách giãn dân của Đảng và Nhà nước. Ông tự nguyện làm đơn và được UBND xã Quảng Tùng cho phép ra vùng gò đồi để phát triển kinh tế. Gia đình ông dựng trại làm ăn ở nơi "đất cằn sỏi đá", hạn hán không thể tìm ra nước uống.

Trang trại tổng hợp đã cho gia đình ông Nguyễn Thái Bình thu nhập khá ổn định.
Trang trại tổng hợp đã cho gia đình ông Nguyễn Thái Bình thu nhập khá ổn định.

Thời đó, "người động viên thì ít mà người cười chê thì nhiều". Nhưng với ý chí, quyết tâm của người lính Cụ Hồ, nghĩ là làm, ban đầu với số vốn ít ỏi, từ cái cày, cái cuốc, con bò, vợ chồng ông khai hoang phục hóa đất bạc màu, cày cuốc đến đâu, lần tìm giống khoai, sắn, ngô để canh tác đến đó. Khi có thành quả lao động, ông đem bán, rồi dần có vốn, ông đầu tư nuôi gà.

Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", khi có thêm vốn, ông xây dựng chuồng trại, nuôi thêm lợn nái, trâu, bò. Những năm trước, gia đình ông duy trì đàn trâu, bò từ 15 đến 20 con. Không dừng lại ở đó, nhận thấy diện tích đất còn khá rộng, ông thuê máy về đào ao vừa nuôi cá, vừa để trữ nguồn nước tưới cây.

Khi thấy ở vùng bờ rừng có cây tràm, nguồn nguyên liệu quý để chưng cất tinh dầu, ông lại bắt tay vào xây dựng lò nấu. Với cách làm này, ông không những tăng thu nhập cho gia đình mà còn giải quyết được công ăn việc làm cho một số lao động nông nhàn của địa phương. Đồng thời, ông còn trồng thêm các loại cây, như: xoài, mít, nhãn, tiêu, chè và trồng cây bạch đàn, keo phủ xanh đất trống, núi trọc.

Sau một thời gian, qua theo dõi chương trình "Bạn của nhà nông" trên truyền hình và tìm hiểu sách báo, đi tham quan các mô hình lân cận, năm 2012, ông quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước chặt bỏ cây ăn quả, như: xoài, nhãn, để trồng chuối và nuôi gà thả vườn. Ông còn chặt bỏ cây trồng thời vụ, lấy diện tích trồng thêm bạch đàn, tràm, keo; đào thêm ao để thả cá nhiều tầng, kết hợp nuôi vịt và trồng thêm rau, củ, quả các loại, mùa nào thức nấy.

Hiện nay, với diện tích 2,5 ha, trang trại tổng hợp của ông có hơn 4 vạn cây trồng nguyên liệu, 500 gốc chuối. Mỗi năm, ông bán được 50 triệu đồng từ gia súc, gia cầm, gần 30 triệu đồng từ rau màu, cá... Với tổng thu nhập mỗi năm sau khi trừ mọi chi phí gần 130 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Bình cho biết: "Lao động sản xuất vừa rèn luyện sức lực, vừa làm giàu cho gia đình, hiện tại, các con của tôi đều đã trưởng thành, một cháu hiện là kỹ sư xây dựng, một cháu làm kế toán, một cháu đang theo học cao đẳng, bản thân tôi đã vượt qua gần 6 năm chống chọi với căn bệnh ung thư".

X.P-M.A