.

Xây dựng nông thôn mới ở Lâm Thủy (Lệ Thủy): Vời xa đích đến

Thứ Hai, 24/07/2017, 08:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Lâm Thủy (Lệ Thủy) là xã biên giới đặc biệt khó khăn, đa phần là người dân tộc Vân Kiều trình độ nhận thức còn hạn chế, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nhưng nhỏ lẻ, theo mùa vụ và mang tính tự cung tự cấp. Cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên lộ trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của xã đang gặp phải nhiều trở ngại. Theo đánh giá của chính quyền địa phương, chặng đường XDNTM của địa phương chắc chắn sẽ khó cán đích nếu không kịp thời tìm ra các giải pháp hiệu quả.

Quá nhiều “chướng ngại vật”

Qua trao đổi với đồng chí Hoàng Lý, Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy, được biết, tính đến thời điểm hiện tại, xã mới chỉ hoàn thành được 4/19 tiêu chí NTM gồm: quy hoạch, điện, bưu điện, văn hóa và so với năm 2016 bị giảm mất 1 tiêu chí là hệ thống chính trị.

Đời sống của người dân Lâm Thủy còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Đời sống của người dân Lâm Thủy còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Theo đánh giá của chính quyền địa phương, 15 tiêu chí chưa đạt đều là những tiêu chí khó, thậm chí nhiều tiêu chí được xếp vào dạng “hóc búa”, rất khó để hoàn thành đúng dự kiến, như: tiêu chí giao thông nông thôn, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo... Các tiêu chí này đều đạt ở mức thấp đến rất thấp (10-30%).

Đơn cử như tiêu chí giao thông nông thôn. Với đặc điểm địa hình đồi núi, độ dốc cao, dân cư phân tán, việc xây dựng đường giao thông của Lâm Thủy gặp vô vàn khó khăn. Ngoài tuyến đường chính vào trung tâm xã đã được đổ nhựa thì tất cả các tuyến đường còn lại của xã đều chưa được bê tông, gập ghềnh đất đá, đi lại khó khăn.

Đặc biệt là tuyến đường vào bản Bạch Đàn đang trong tình trạng khá “nguyên sơ”, gây trở ngại cho giao thông đi lại của bà con. “Toàn xã Lâm Thủy có 6 bản. Để khai thông, mở rộng các tuyến đường đến các bản đã là chuyện rất khó chứ đừng nói đến việc bê tông, cứng hóa. Khi đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng Lâm Thủy thành xã nông thôn mới, chính quyền địa phương xác định rõ hai tiêu chí mang tính đột phá, cần ưu tiên thực hiện, đó là giao thông và thủy lợi.

Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn sáu năm thực hiện, cả hai tiêu chí này vẫn chỉ mới nằm ở giai đoạn “khởi động”. Việc phải dồn sức, lực để bê tông, cứng hóa các tuyến đường thực sự là “gánh nặng” đối với một xã nghèo như Lâm Thủy. Do đó, nếu không có nguồn hỗ trợ từ nhiều phía thì hai tiêu chí này của địa phương sẽ không có ngày “chạm đích”, ông Lý bộc bạch.

Không chỉ loay hoay với bài toán giao thông nông thôn, chính quyền xã Lâm Thủy còn phải vật lộn với nhiều “chướng ngại vật” khác, trong đó gay go nhất là tiêu chí thu nhập, hộ nghèo và cơ cấu lao động. Thời gian qua, chính quyền xã đã thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm tăng mức thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, Lâm Thủy gặp không ít trở ngại khi thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế. Đối với xã vùng cao như Lâm Thủy thì ngoài sản xuất nông-lâm nghiệp, người dân chẳng biết bám víu vào đâu để “vực” kinh tế phát triển, hơn nữa sản xuất nông nghiệp của địa phương lại mang nặng tính mùa vụ, tự cung tự cấp.

Do đó, với mức thu nhập chỉ đạt gần 12 triệu/người/năm và 66% hộ nghèo thì việc tăng, giảm các tiêu chí này theo đúng tiêu chuẩn của một xã NTM thực sự là gánh nặng đối với chính quyền địa phương. Ngoài ra, các tiêu chí khác, như: nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường... của xã cũng đang gặp nhiều vướng mắc.

“Vướng” ở đâu?

XDNTM ở các địa phương vùng đồng bằng vốn dĩ không phải là chuyện dễ dàng. Đối với một xã biên giới đặc biệt khó khăn như Lâm Thủy lại càng gian nan bội phần. Thực tế cho thấy một trong những “chất xúc tác” đẩy nhanh lộ trình XDNTM ở các địa phương chính là sự đồng tình hưởng ứng của người dân. Để làm được điều đó, công tác tuyên truyền phải được chú trọng và thực hiện một cách bài bản. Tuy nhiên, Lâm Thủy là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số người Vân Kiều.

“Đa số người dân lứa tuổi 30 – 40 trở lên ở đây đều không biết chữ nên nhận thức còn nhiều hạn chế, nhất là đối với chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Mặc dù cán bộ xã đã nỗ lực tuyên truyền nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Hơn nữa, đời sống bà con còn gặp rất nhiều khó khăn nên việc huy động sức dân gần như là không thể.

Chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho bà con trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, sinh đẻ có kế hoạch, chăm chỉ làm ăn, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, tuy nhiênchưa có nhiều chuyển biến. Bằng chứng là tình trạng sinh con thứ 3 vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” và cũng không ít hộ dân còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại” ông Hoàng Lý cho biết.

 Hộ nghèo xã Lâm Thủy được hỗ trợ bò giống để phát triển sản xuất.
Hộ nghèo xã Lâm Thủy được hỗ trợ bò giống để phát triển sản xuất.

Thiếu định hướng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương là một điểm vướng nữa của Lâm Thủy khi bắt tay vào XDNTM. Bấy lâu nay, chính quyền cơ sở vẫn chưa hoạch định được một kế sách cụ thể, hiệu quả. Thực tế cho thấy, tập quán sản xuất của người dân Lâm Thủy còn lạc hậu, diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất.

Nhiều hộ gia đình còn quen với tập quán thả rông gia súc, gia cầm, chuồng trại chưa bảo đảm và thiếu đầu tư thức ăn trong chăn nuôi, dẫn đến hiệu quả chăn nuôi chưa đạt yêu cầu. Phần lớn các hộ dân đều thiếu vốn sản xuất, việc tiếp thu kiến thức kinh tế, kỹ thuật còn thụ động, thiếu năng lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo; số hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo hàng năm còn cao. Chính vì vậy, kết quả giảm nghèo chưa bền vững của Lâm Thủy không phải là điều khó lý giải.

“Khoan nói đến chuyện thu hút doanh nghiệp đầu tư hay mở rộng sản xuất mà tìm cách giải quyết nghèo đói mới chính là động lực cần nhất đối với Lâm Thủy chúng tôi. Vấn đề quan trọng là có cơ chế hỗ trợ người nghèo về sản xuất, dạy nghề, tìm việc, tăng thu nhập để họ tự vươn lên thoát nghèo. Người dân phải tự sản xuất,phải thay đổi nhận thức, tư duy để hiểu chính họ là chủ thể góp phần quyết định thành công trong XDNTM trên quê hương mình.Hiện tại, chính quyền xã đang xây dựng đề án giảm nghèo cho bà con, trong đó chú trọng đến công tác đào tạo, dạy nghề, như: nghề may, đan lát, mộc...

Hi vọng, khi đề án này được thực hiện sẽ mở ra nhiều cơ hội tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con địa phương”, ông Lý chia sẻ.

Đ.V