.

Triển khai nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu

Thứ Sáu, 21/07/2017, 15:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 21-7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Đinh Quang Hiếu, Giám đốc NHNNVN-Chi nhánh Quảng Bình chủ trì ở điểm cầu trực tuyến tỉnh Quảng Bình.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Quảng Bình.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Quảng Bình.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, tính đến ngày 30-6, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,82% so với cuối năm 2016, hỗ trợ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu trong điều kiện giá các mặt hàng Nhà nước quản lý tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình.

Từ ngày 10-7, các TCTD đã thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, như vậy mặt bằng lãi suất hiện nay khoảng 6-6,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn và khoảng 8-10,5% đối với trung và dài hạn, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm.

Tính đến ngày 30-6, tín dụng tăng trưởng 9,06% so với cuối năm trước và là mức cao so với cùng kỳ các năm gần đây nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng.

Cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng chậm lại…

Tuy nhiên, hệ thống các TCTD vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Quy mô và năng lực tài chính của hệ thống TCTD Việt Nam nhỏ so với khu vực và so với nhu cầu của nền kinh tế; hiệu quả hoạt động kinh doanh chưa cao; năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các TCTD vẫn còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng, mức độ và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động; tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn cao.

NHNN Việt Nam đã xây dựng đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị, đồng thời đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết số 42). Ngày 19-7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg (Chỉ thị số 32) về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 và ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1058).

Thực hiện Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20-7, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN về việc thực hiện Nghị quyết số 42 và Đề án 1058. Đồng thời, ngày 21-7, NHNN tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai trong toàn ngành ngân hàng nhằm quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 42 và Đề án 1058 nhằm chỉ đạo một cách kịp thời, cụ thể, hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai thời gian tới để tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trong thực tiễn.

Hiền Phương