.

Nhọc nhằn đầu ra cho nông sản Quảng Ninh

Chủ Nhật, 23/07/2017, 15:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng hóa nông sản ngày càng phong phú, đa dạng, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của nông dân. Tuy nhiên, hiện nay, việc tìm giải pháp cho đầu ra của nông sản đang là một bài toán hóc búa...

Tiêu thụ nông sản - bài toán khó giải

Những năm gần đây, sản phẩm nông sản của người dân trên địa bàn huyện Quảng Ninh ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng. Trong đó, nhờ thực hiện tốt cơ cấu giống, đưa tỷ lệ các giống mới vào sản xuất nên năng suất và sản lượng ngày càng tăng. Đơn cử như sản lượng lúa vụ đông-xuân năm 2016-2017 đạt 32.597 tấn (tăng 1.037 tấn so với cùng kỳ), ngô 1.005 tấn, khoai lang 607 tấn, lạc 468 tấn (tăng 65,96%)...

Tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt 33.602 tấn (tăng 4,07% so cùng kỳ và đạt 102,3% so kế hoạch). Huyện Quảng Ninh cũng đã hình thành các làng nghề truyền thống, như: chế biến khoai deo Hải Ninh, rượu Võ Xá... Tại hai xã miền núi Trường Sơn, Trường Xuân, chính quyền và người dân tích cực chuyển đổi một số loại cây trồng hợp lý, như: ngô, sắn, đậu xanh...

Cánh đồng dưa Hàm Ninh tuân thủ chặt chẽ theo quy trình sản xuất VietGAP.
Cánh đồng dưa Hàm Ninh tuân thủ chặt chẽ theo quy trình sản xuất VietGAP.

Khối lượng sản phẩm nông sản trên địa bàn nhiều, nhưng khâu tiêu thụ vẫn là bài toán nan giải. Việc tiêu thụ sản phẩm hiện tại đang tự phát nhỏ lẻ, chủ yếu do người dân, hộ gia đình "tự thân vận động" nên tình trạng tư thương ép giá, "được mùa mất giá, được giá mất mùa" diễn ra thường xuyên khiến thu nhập của bà con không ổn định. Đặc biệt, với những nông sản mang tính mùa vụ, có thời gian bảo quản ngắn thì tình trạng khó khăn trong tiêu thụ càng rõ nét hơn.

Thực tế này xảy ra tại xã biên giới Trường Sơn với cây lạc. Năm 2016, thời điểm thu hoạch, người dân bán lạc tươi với giá từ 12.000 đến 14.000đ/kg, thương lái mua ngay tại chân ruộng. Tuy nhiên, năm nay, với sản lượng đạt 120 tấn, giá lạc chạm đáy, mỗi kg lạc chỉ còn 6.000 đồng. Tiếp đó là sắn nguyên liệu, những năm trước, đồng bào Vân Kiều xã Trường Sơn bán bình quân 1kg giá 1.000 đồng, nay giảm xuống còn 700 đồng/kg.

Ông Văn Anh Thuyết, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Ninh cho hay: "Do điều kiện đất đai và khí hậu miền núi, vụ hè - thu này, xã Trường Sơn vẫn trồng lạc với diện tích khoảng 70ha, tăng 30 ha. UBND huyện có cơ chế khuyến khích người dân mở rộng diện tích và hỗ trợ nông dân 50% giá giống, bảo đảm lạc năng suất cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, chi phí trồng, chăm bón trong thời gian hơn 3 tháng, với giá cả thấp như hiện nay và khả năng còn tiếp tục giảm, người nông dân không hề có lãi. Tình trạng này nếu cứ tiếp tục, những năm sau khó có thể thuyết phục người dân mở rộng diện tích".

Năm 2016, nhiều hộ dân xã Duy Ninh nuôi cá lồng trên sông Kiến Giang lao đao. Không những giá thành hạ mà cá đến kỳ thu hoạch cũng không có đầu ra. Trong lĩnh vực chăn nuôi, gia súc, gia cầm đến kỳ không tiêu thụ được, khiến nhiều trang trại và hộ dân gặp khó khăn.

Ông Phạm Văn Tam, một chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp của xã Võ Ninh cho biết: "Lợn nuôi khoảng 4 tháng là có thể xuất bán. Nếu quá thời điểm trên không bán được, lợn lưu lại trong chuồng càng lâu thì trang trại chúng tôi càng lỗ lớn, bởi lúc này chúng ăn nhiều nhưng tăng trưởng chậm, chi phí thức ăn cao. Trong đợt lợn hạ giá vừa rồi, rất may là trang trại tôi không có nhiều. Giờ chúng tôi chỉ dám nuôi cầm chừng, hy vọng giá lợn phục hồi!".

Bài học từ thương hiệu dưa Hàm Ninh

Trước thực trạng khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản, xác định rõ nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp khắc phục là việc làm cấp bách để nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời tạo điều kiện phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, đến nay, đầu ra cho nông sản của huyện Quảng Ninh vẫn chưa thể có lời giải thỏa đáng.

Xét về nguyên nhân có rất nhiều, trong đó tình trạng người dân ít tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu thị trường, đua nhau sản xuất, nuôi trồng cái sẵn có hay theo thói quen, nên cung vượt quá cầu. Việc nuôi lợn, gà hay trồng các loại rau, củ, quả của bà con vẫn mang tính tự phát. Một hạn chế khác, người nông dân trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng chạy theo lợi ích trước mắt, chưa chú trọng lợi ích lâu dài nên sản phẩm có nơi chưa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh hay chất cấm vẫn còn.

Để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, huyện Quảng Ninh đã triển khai thực hiện một số giải pháp, như: quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất hợp lý, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa nâng cao năng suất; hỗ trợ cho các làng nghề, vùng sản xuất nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm; liên kết bền chặt giữa người sản xuất và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, huyện đề nghị các ngân hàng có chính sách khoanh, giãn nợ vay đối với những đối tượng vay vốn sản xuất nông sản đang gặp khó khăn.

Huyện cũng động viên khuyến khích nông dân cần xác định giải pháp dài hơi để tránh rủi ro; mua bảo hiểm nông nghiệp; chủ động nâng cao nhận thức về việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại như thực hiện các mô hình sản xuất VietGAP...

Trong lúc huyện Quảng Ninh đang loay hoay với bài toán giải quyết đầu ra cho nông sản thì tại xã Hàm Ninh, thương hiệu dưa Hàm Ninh đã được chính quyền xã phối hợp với người dân tạo ra một quy trình chặt chẽ để sản phẩm này có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đây được xem như một mô hình hay cần nhân rộng cho các địa phương khác trong toàn huyện.

Nông dân xã Trường Sơn buồn vì vụ lạc năm nay được mùa nhưng mất giá.
Nông dân xã Trường Sơn buồn vì vụ lạc năm nay được mùa nhưng mất giá.

Ông Hà Xuân Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh cho biết: "Vụ đông-xuân vừa qua, Hàm Ninh đưa vào trồng 17 ha dưa hấu tập trung ở 3 thôn Quyết Tiến, Trường Ninh, Hàm Hòa, có 106 hộ tham gia; năng suất đạt 24 tấn/ha, tổng sản lượng 408 tấn. Nhờ tìm hiểu và kết nối được thị trường tiêu thụ nên khi đến mùa thu hoạch, người dân không chỉ xuất bán cho các thương lái trong tỉnh mà còn mở rộng tại các tỉnh khác, như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng...

Giá bán sỉ 10.000 đồng/1kg, giá lẻ 12.000 đến 13.000 đồng/kg. Nếu dưa được giá như vụ mùa vừa rồi, tính sơ bộ, nếu 2 lao động trồng 2 vụ dưa trong năm với tổng diện tích khoảng 6 sào, trừ chi phí giống, công chăm bón, lãi trên 60 triệu đồng". 

Dưa Hàm Ninh vì sao được thị trường chấp nhận, giá cả hợp lý? Bởi trong quá trình sản xuất, người dân tuân thủ đúng quy trình VietGAP, bảo đảm chất lượng. Khi tiêu thụ đã có nhãn dán "Tem chống hàng giả dưa hấu Hàm Ninh" đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ; mỗi quả dưa Hàm Ninh đến tay người tiêu dùng đều có tem chống hàng giả, hàng nhái, giới thiệu rõ địa chỉ xuất xứ sản phẩm. Chính những động thái này đã được thị trường tin tưởng, chấp nhận.

Từ thực tế quy trình bảo đảm đầu ra cho dưa hấu Hàm Ninh cho thấy một khi chính quyền vào cuộc quyết liệt, người dân tuân thủ chặt chẽ các khâu nuôi trồng, sản xuất, tất yếu sẽ có lời giải cho bài toán đầu ra của nông sản.

Hương Trà