.

Tạo "sân chơi" cho doanh nghiệp nữ

Chủ Nhật, 16/07/2017, 09:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Với mục tiêu tăng cường năng lực các HTX, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp do phụ nữ làm lãnh đạo và có nhiều lao động nữ; tăng quyền năng kinh tế cho chị em..., thời gian qua, dự án FLOW/EOW đã giúp nhiều mô hình đạt hiệu quả cao, nâng tầm vị thế, vai trò của chị em trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Nâng cao hiệu quả kinh tế

FLOW/EOW là dự án “Tăng cường cơ hội cho doanh nghiệp nữ nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế nông nghiệp”, được UBND tỉnh Quảng Bình và Tổ chức Phát triển Hà Lan-Việt Nam (SNV) thỏa thuận ký ngày 24-5-2016 và có hiệu lực đến ngày 31-12-2020.

Chị Hồ Thị Hương đã tìm ra nguồn thu nhập mới cho gia đình từ nấm sạch.
Chị Hồ Thị Hương đã tìm ra nguồn thu nhập mới cho gia đình từ nấm sạch.

Tại Quảng Bình, dự án FLOW/EOW đã thống nhất đưa vào kế hoạch các mô hình sinh kế, như: sản xuất lúa gạo theo quy trình SRI; liên kết sản xuất và tiêu thụ sắn nguyên liệu; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; chế biến khoai deo; trồng cỏ làm thức ăn cho bò; nuôi ong lấy mật; chế biến hải sản...

Nằm trong kế hoạch thực hiện của dự án FLOW/EOW, vụ đông-xuân năm 2016-2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật được Sở Nông nghiệp và PTNT giao thực hiện hợp phần sản xuất lúa theo hệ thống thâm canh cải tiến (SRI) tại 3 HTX thuộc huyện Lệ Thủy: Mỹ Lộc Thượng, Quy Hậu, Thanh Tân với tổng diện tích 250 ha. Mô hình có sự tham gia của 1.062 hộ, trong đó có đến 65% là nữ giới.

Có mặt tại các HTX sản xuất lúa SRI của huyện Lệ Thủy vào thời điểm bà con đang chuẩn bị thu hoạch lúa, chúng tôi được tận mắt nhìn thấy những cánh đồng lúa chín vàng, trĩu hạt. Chị Lê Thị Bảy, nhóm trưởng nhóm 9, HTX DV SXNN Quy Hậu (xã Liên Thủy) phấn khởi chia sẻ: “Vụ đông-xuân này, nhờ thâm canh lúa theo quy trình SRI nên năng suất, sản lượng lúa tăng cao”.

Cũng chung niềm vui như chị Bảy, chị Nguyễn Thị Thúy, HTX DV SXNN Thanh Tân (xã Thanh Thủy) cho biết: “Gia đình tôi có 8 sào ruộng, vụ đông-xuân năm 2016 bị sâu bệnh nặng nên mất mùa. Vụ đông-xuân năm nay, nhờ sự hỗ trợ của dự án FLOW/EOW, 3 sào ruộng của gia đình được áp dụng sản xuất lúa SRI nên sâu bệnh giảm hẳn, năng suất lúa cũng tăng cao gấp khoảng 2 lần so với thâm canh lúa truyền thống”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết mô hình lúa thâm canh cải tiến SRI có khả năng chống chịu với sâu bệnh cao. Do đó, chi phí cho công tác bảo vệ thực vật cũng thấp hơn so với ruộng lúa ngoài mô hình (tiết kiệm 39,5%). Việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm có hiệu quả hơn so với canh tác lúa truyền thống (giảm 3 lần), lúa sinh trưởng phát triển tốt, bộ rễ ăn sâu, tăng khả năng chống chịu với điều kiện thiếu nước hoặc hạn chế tối đa hiện tượng đổ ngã khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.

Việc áp dụng đồng bộ hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường (giảm lượng khí phát thải N2O, khí CH4). Lúa mô hình SRI có tỷ lệ hạt chắc trên bông, dẫn đến năng suất cao hơn so với ngoài mô hình.

Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, phương pháp SRI lợi nhuận 1 sào 500m2 so với ruộng sản xuất thông thường cao hơn từ 179.800-191.300 đồng, tương đương 3.596.000-3.791.000 đồng/ha.

Với 60 ha thực hiện tại HTX DV SXNN Quy Hậu, thu nhập cao hơn ruộng ngoài mô hình từ 215-277 triệu đồng. Nếu toàn bộ diện tích lúa huyện Lệ Thủy (10.150 ha) tham gia thực hiện mô hình SRI thì thu nhập được tăng thêm khoảng 35,5-38,4 tỷ đồng/vụ.

Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả mô hình canh tác lúa SRI tại huyện Lệ Thủy, dự án FLOW/EOWE còn hỗ trợ thành công việc phát triển nấm sạch tại HTX Sản xuất nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch). HTX có diện tích hơn 8.700m2, trồng nấm linh chi, kim phúc, hoàng đế, sò, rơm, mộc nhĩ... HTX liên kết trực tiếp với 20 tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động, trong đó phụ nữ chiếm trên 90%. Doanh thu của HTX ước tính đạt khoảng 7,1 tỷ đồng/năm; lương của cán bộ nhân viên trên 50 triệu đồng/năm/người.

Chị Hồ Thị Hương (thôn Trung Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết: “Trước đây, tôi làm nghề buôn bán hải sản, thu nhập ổn định. Nhưng từ khi sự cố môi trường biển xảy ra, tôi và chị em trong thôn mất việc làm, dẫn đến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của HTX Nấm sạch Tuấn Linh từ cung cấp phôi nấm, đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nấm, chúng tôi đã bước đầu thành công với công việc mới là trồng nấm. Nhờ đó, hiện nay, chị em thôn Trung Hòa đã có thu nhập ổn định nhờ trồng nấm”.

Dẫu mới hình thành chưa lâu nhưng uy tín và chất lượng sản phẩm của HTX Sản xuất nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và tin dùng. Thị trường tiêu thụ của HTX là các chợ trong toàn tỉnh; mở rộng thị trường ra các tỉnh lân cận, như: Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nam Định, Huế, Đà Nẵng...

Hướng đến cung cấp sản phẩm nấm sạch cho các siêu thị, bà Ngô Thị Kim Liên, Giám đốc điều hành của HTX cho biết: “Để bảo đảm chất lượng và năng suất của nấm, HTX luôn chú trọng nghiêm ngặt trong việc thực hiện kỹ thuật từ khâu chọn nguyên liệu, làm phôi nấm. Sau khi thu hoạch, nấm được bảo quản bằng việc hút khí chân không, nên có thể giữ nấm tươi ngon trong vòng một tuần...”.

Trao quyền làm chủ cho phụ nữ

Với sự hỗ trợ về kỹ thuật, vốn đầu tư... vào sản xuất nông nghiệp cho các mô hình có phụ nữ làm chủ hoặc có đa phần là phụ nữ tham gia hoạt động, sản xuất, dự án FLOW/EOWE đã giúp chị em có thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, đồng thời, tăng khả năng làm chủ kinh tế, năng lực quản lý, lãnh đạo của chị em, qua đó khẳng định vai trò, vị thế của bản thân, dần xóa bỏ quan niệm “trọng nam, khinh nữ” ở các vùng quê.

Dự án FLOW/EOW nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội.
Dự án FLOW/EOW nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong xã hội.

Khi được hỏi về cảm xúc của mình trong lần đầu tiên được trao quyền làm chủ một nhóm sản xuất nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Thắm, nhóm trưởng nhóm 4, HTX DV SXNN Quy Hậu tự tin khẳng định: “Từ khi được phân làm nhóm trưởng thực hiện lúa SRI, bản thân tôi đã mạnh dạn và chủ động hơn trong việc sản xuất nông nghiệp. Tôi thấy tự tin hơn trong vai trò làm chủ kinh tế của gia đình và vai trò trong xã hội. Do đó, tôi mong muốn dự án sẽ tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho chị em giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trình độ khoa học công nghệ mới, tiên tiến, để áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Ông Nguyễn Tiến Thiệp, Chủ nhiệm HTX DV SXNN Quy Hậu chia sẻ: “Năm 2016, HTX được chọn tham gia dự án FLOW/EOWE, thực hiện mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI với 60 ha cho 300 hộ, trong đó có 219 hộ là nữ. Đây là dự án mang lại rất nhiều lợi ích, bên cạnh việc nâng cao năng suất, sản lượng lúa, dự án đã tạo cơ hội trao quyền kinh tế cho người phụ nữ, giúp họ có môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và nông nghiệp.

Thông qua dự án FLOW/EOWE, có thể thấy năng lực lao động của chị em phụ nữ không hề thua kém bất kỳ ai, nếu được tạo điều kiện, họ đều làm tốt, mang lại năng suất, sản phẩm cao”.

Tạo công ăn, việc làm cho trên 90% lao động là nữ, bà Ngô Thị Kim Liên, Giám đốc Điều hành HTX Sản xuất nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh nhận định: “Nấm là nghề dễ trồng, dễ chăm sóc và tốn ít công, mang lại thu nhập ổn định cho bà con và thu nhập cao cho các tổ, nhóm hợp tác. HTX chúng tôi luôn tạo điều kiện, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào từ bịch phôi cho đến bao tiêu sản phẩm lúa ngô cho bà con, đặc biệt ưu tiên cho các đối tượng là chị em”.

Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy việc sản xuất nấm đưa lại điều kiện rất thuận lợi cho chị em trong việc phát triển kinh tế, bởi nó tận dụng được thời gian và mang lại thu nhập cao. Hơn nữa, trong thời gian qua, Tổ chức SNV cũng như UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan đã rất tích cực trong việc hỗ trợ phát triển nấm, giúp nó trở thành một ngành hàng. Nhờ đó, thu nhập của chị em được nâng cao, từng bước cải thiện đời sống, tạo điều kiện cho chị em làm chủ trong quản lý kinh tế và sản xuất nông nghiệp, giúp cho sự bình đẳng giới”.

L.M