.

Gian khổ Bồng Lai

Thứ Năm, 13/07/2017, 08:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Là một trong những khu dân cư nghèo nhất của xã Hưng Trạch (Bố Trạch), những năm qua, đời sống người dân làng Bồng Lai (bao gồm hai thôn Bồng Lai 1 và Bồng Lai 2) gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu đất sản xuất, kinh tế chậm phát triển, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo cao... là những rào cản đáng ngại trên lộ trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Từ chuyện “khát” đất...

Từ nhiều năm nay, thiếu đất sản xuất luôn là đề tài nóng ở Bồng Lai. Toàn thôn Bồng Lai 1 có 185 hộ với 705 khẩu, nhưng chỉ được 13,4 ha đất lúa và 20 ha đất màu. Quanh năm chỉ biết đến ruộng đồng, không có thêm nghề phụ, nên cuộc sống của nhiều hộ dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Chưa nói đến chuyện xây dựng nhà cửa kiên cố, mua sắm tiện nghi, cho con cái học hành đến nơi đến chốn, ngay chuyện “chạy ăn từng bữa” cũng đã rất chật vật với họ.

Hầu hết các tuyến đường ở Bồng Lai đều là đường đất, bụi mù về mùa nắng, lầy lội về mùa mưa.
Hầu hết các tuyến đường ở Bồng Lai đều là đường đất, bụi mù về mùa nắng, lầy lội về mùa mưa.

Thôn Bồng Lai 2 lại có phần gay go hơn khi toàn thôn có 171 hộ với 695 nhân khẩu nhưng chỉ có vẻn vẹn 10,1 ha đất lúa và 1 ha đất màu. Tính ra bình quân mỗi hộ chỉ có chưa đến 0,06 ha và mỗi khẩu chỉ được khoảng 140 m2 đất canh tác. Hưng Trạch là xã nông nghiệp miền núi, sản xuất nông-lâm nghiệp là hướng phát triển chủ lực nên việc thiếu đất sản xuất đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, nhất là đối với một vùng đặc biệt khó khăn như Bồng Lai.

Hiện tại, sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn chưa được đầu tư phát triển đồng bộ. Hàng hóa nông sản nghèo nàn, chưa hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung nên năng suất, chất lượng lương thực chưa cao. Ngay cả đối với loại cây chủ lực là lúa nước cũng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu lương thực cho địa phương.

Ông Nguyễn Chiến Sự, Bí thư Chi bộ thôn Bồng Lai 2 cho biết, hiện tại hai thôn Bồng Lai 1 và 2 có 351 ha đất rừng. Tuy nhiên, số diện tích rừng này phải chia đều cho cả 356 hộ dân hai thôn nên rất ít ỏi. Việc thiếu đất sản xuất khiến nhiều lao động địa phương lâm vào cảnh “ăn không ngồi rồi” và ngay cả chuyện kiếm việc làm thêm tăng thu nhập lúc nông nhàn cũng rất khó khăn. Theo thống kê của thôn Bồng Lai 2, toàn thôn có đến 284/402 lao động thất nghiệp do thiếu đất sản xuất và ở thôn Bồng Lai 1, tỷ lệ này là khoảng 20%.

Anh Đỗ Văn Thái ở thôn Bồng Lai 2 cho biết, gia đình anh gồm 7 người nhưng chỉ được 480m2 đất ruộng. Vì ruộng ít nên thay vì tất bật với việc đồng áng khi vào vụ mùa, hai vợ chồng anh phải xoay chuyển tìm việc làm thêm. Nhưng để kiếm được việc làm với mức thu nhập ổn định không phải dễ. Do đó, gia đình anh Thái thường xuyên lâm vào cảnh “thiếu trước hụt sau”, hai đứa con của anh buộc phải nghỉ học giữa chừng.

“Với người nông dân, mỗi tấc đất là một “tấc vàng”. Chính vì vậy, việc thiếu đất sản xuất đang dần lấy đi cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở Bồng Lai.Gánh nặng giảm nghèo của địa phương vì thế khó mà nhẹ đi. Hiện tại, với 41 hộ nghèo, 67 hộ cận nghèo và gần 30 hộ có nguy cơ tái nghèo, chặng đường giảm nghèo bền vững của hai thôn Bồng Lai trở nên vô cùng gian nan”, ông Hoàng Văn Hòa, Trưởng thôn Bồng Lai 1 chia sẻ.

...đến chuyện “khát” vốn

Gia đình anh Đinh Xuân Thái, chị Nguyễn Thị Hương là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn của thôn Bồng Lai 2. Ghé thăm nhà anh chị đúng vào lúc cả nhà đang dọn mâm bát chuẩn bị ăn cơm trưa. Nhìn mâm cơm của họ, chúng tôi không khỏi ái ngại. “Vợ chồng tôi chỉ là nông dân, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Nhưng, làm nông mà ruộng ít, lại không tìm được nghề phụ thu nhập ổn định, tôi thì ai thuê gì làm nấy, còn vợ đi hái lá nón kiếm dăm ba đồng, nên cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Không có tiền trang trải các khoản chi tiêu, ít lâu nữa chắc các con tôi cũng phải nghỉ học thôi”, anh Thái lo lắng khi nghĩ về tương lai của những đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

Rời nhà anh Thái, chúng tôi đến một số hộ dân khác trên địa bàn. Họ đều là hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Những ngôi nhà lụp xụp, những bữa ăn đạm bạc, thiếu chất; những khuôn mặt trẻ thơ đem nhẻm trong bộ áo quần cũ kỹ, lấm lem đất cát là cảnh tượng mà chúng tôi được chứng kiến.

Theo lời các cán bộ thôn thì đa phần các gia đình ở đây đều có cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Số nhà lụp xụp, tạm bợ chiếm đến khoảng 35%. Nhiều học sinh đang có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng vì cha mẹ không có khả năng đóng góp các khoản phí. Tất cả là vì điều kiện kinh tế khó khăn. Không chỉ loay hoay với tình trạng thiếu đất sản xuất, hiện tại, người dân Bồng Lai đang phải đối mặt với rất nhiều trở ngại, nhất là vấn đề vốn cho sản xuất và xây dựng cơ bản.

Những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ như thế này ở Bồng Lai chiếm đến khoảng 35%.
Những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ như thế này ở Bồng Lai chiếm đến khoảng 35%.

Không có đủ đất sản xuất, nhiều hộ dân địa phương rất muốn đầu tư phát triển các ngành nghề khác để cải thiện cuộc sống, nhưng đành “lực bất tòng tâm” vì không có vốn. Đây là nguyên nhân vì sao nhiều hộ dân ở Bồng Lai cứ mãi nghèo. Không có vốn, lộ trình xây dựng nông thôn mới của Bồng Lai cũng đang gặp phải nhiều “chướng ngại vật” khó vượt qua. Nhiều tiêu chí, như: nhà ở, thiết chế văn hóa, thu nhập, cơ cấu lao động... đang “giẫm chân tại chỗ”.

Đặc biệt, tiêu chí giao thông thực sự là một rào cản lớn của địa phương. Hiện tại, ngoài gần 200m đường từ nhà văn hóa thôn Bồng Lai 1 đến Trường tiểu học và THCS Hưng Trạch đã được bê tông, hầu hết các tuyến đường còn lại ở cả hai thôn Bồng Lai 1 và 2 đều là đường đất, bụi mù về mùa nắng, lầy lội về mùa mưa. Giao thông đi lại khó khăn cũng gây nên không ít trở ngại cho việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

“Nếu không được hỗ trợ vốn thì chắc chắn chặng đường xây dựng nông thôn mới của Bồng Lai sẽ không thể nào cán đích. Và như thế sẽ ảnh hưởng đến lộ trình chung của cả xã Hưng Trạch. Hơn bao giờ hết, chúng tôi rất cần đến sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước để giúp người dân giải quyết hiệu quả bài toán lao động, việc làm, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững”, ông Đinh Xuân Hòa, Trưởng thôn Bồng Lai 2 chia sẻ.

T.A