.

Tuyên Hóa: Từng bước "đánh thức" ngành du lịch

Thứ Sáu, 26/05/2017, 15:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: "Phấn đấu phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn". Bám sát nội dung Nghị quyết nói trên, những năm gần đây, huyện Tuyên Hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai xây dựng kế hoạch, chiến lược để từng bước "đánh thức" các tiềm năng, thế mạnh phát triển ngành du lịch ở địa phương...

Tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn

Với địa hình miền núi, bị chia cắt bởi nhiều con sông lớn, như: sông Gianh (2 nhánh Rào Trổ và Rào Nậy), sông Nan, sông Ngàn Sâu..., huyện Tuyên Hóa có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngành du lịch. Huyện Tuyên Hóa hiện có các di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia, như: mộ và nhà thờ Đề đốc Lê Trực (xã Tiến Hóa, hang Lèn Hà (xã Thanh Hóa), Cầu Ca Tang (xã Lâm Hóa).

Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Tuyên Hóa.
Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Tuyên Hóa.

Bên cạnh đó, Tuyên Hóa còn có những di tích lịch sử cấp tỉnh, như: Bãi Đức (xã Hương Hóa), hang lèn Đại Hoà (xã Đồng Hóa), nhà cụ Lê An và hang Cây Lội (xã Tiến Hóa), nơi thành lập Trung đoàn 18 (xã Đồng Hóa), hang Minh Cầm (xã Phong Hóa), miếu thờ Hiệp biện Đại học sỹ Trần Cảnh Huống (xã Văn Hóa), Đình làng Lệ Sơn (xã Văn Hóa), xưởng vũ khí Trần Táo (xã Đồng Hóa), hang Chùa Bụt (xã Cao Quảng)...

Bên cạnh đó, Tuyên Hóa còn có nhiều công trình, địa danh gắn với quá trình lịch sử cách mạng của dân tộc, như: căn cứ chính của Lãnh binh Mai Lượng và nghĩa quân đóng ở vùng Cao Mại (xã Cao Quảng), được bố phòng chặt chẽ, có nơi luyện tập binh sĩ, xưởng đúc rèn vũ khí, gươm đao...; Làng chiến đấu Lệ Sơn (nay là xã Văn Hóa); Trung đội súng máy phòng không 12,7mm nữ dân quân xã Tiến Hóa mưu trí di chuyển các khẩu đội súng máy phòng không 12,7mm lên đỉnh Lèn Bảng  phục kích bắn rơi 2 máy bay F4H của Mỹ...

Từ huyện Quảng Trạch, ngược dòng sông Gianh hùng vĩ (nơi gắn với lịch sử Trịnh-Nguyễn phân tranh), du khách sẽ không khó để tận mắt chiêm ngưỡng nhiều ngôi làng tuyệt đẹp của huyện Tuyên Hóa nằm lọt thỏm, bao quanh bởi những ngọn núi đá vôi sừng sững, uy nghi, xung quanh là các đồi cọ, nương ngô, đồng lúa, khóm tre... xanh mướt. Điển hình, làng Lệ Sơn (xã Văn Hóa) đẹp như một bức tranh, lưng tựa vào những ngọn núi đá vôi hùng vĩ của dãy Trường Sơn, trước mặt hướng ra sông Gianh.

Với lịch sử hình thành trên 500 năm, làng đứng đầu trong số 8 ngôi làng nổi tiếng nhất tỉnh Quảng Bình gồm: Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn - Võ - Cổ - Kim (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngoạn, Văn Hóa, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại) nên được mệnh danh là “Đệ nhất bát danh hương”. Truyền thuyết xưa kể rằng: Làng Lệ Sơn có 99 chóp núi. Vì con Phượng hoàng thứ 100 không có chóp núi để đậu nên làng không được chọn là kinh đô...

Tiếp tục ngược dòng sông Gianh để lên với xã Đức Hóa, du khách sẽ bắt gặp một ngọn núi có tên Phúc Sơn (hay còn gọi là Lèn Tiên Giới (lèn có cảnh tiên), hoặc còn có tên khác là Ngọc nữ lâm phong (người đẹp đứng trước gió). Núi nằm trong địa phận làng Phúc Lâm, nay thuộc xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa. Truyền thuyết Tiên nữ giáng trần ở Phúc Sơn được dân gian kể lại rằng, đây là một ngọn núi gắn chặt với câu chuyện về mối tình chồng vợ của một chàng trai khỏe mạnh, khôi ngô ở làng Phúc Lâm với một nàng tiên giáng trần nay đã hoá đá...

Cũng từ dòng Gianh, du khách chọn phương tiện thuyền, đò để ngược sông Rào Trổ (một nhánh của sông Gianh) và trải nghiệm “cảm giác mạnh” khi vượt qua chục ngọn thác lớn trắng xoá như mái tóc nàng tiên, hai bên là cảnh núi non hùng vĩ, hoang sơ, đẹp đến nao lòng. Ở phía thượng nguồn, du khách có thể dừng để tận hưởng suối nước nóng Ngư Hóa, với nhiệt độ sôi từ 80-90 độ. Từ lâu, người dân Ngư Hóa đã sử dụng suối nước nóng này để phục vụ cuộc sống sinh hoạt. Theo các cụ cao tuổi ở đây cho biết, mỗi khi tắm ở con suối nóng, bà con cảm thấy rất thoải mái, thần thái tỉnh táo, không còn cảm giác mệt mỏi... 

Đáng chú ý, Tuyên Hoá còn có một hệ thống Hang Tiên ở xã Cao Quảng. Hang này được Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh khảo sát lần đầu vào năm 1994 và đến nay mới chính thức được đưa vào phục vụ du lịch. Đây thực chất là một hang động khô (chỉ tạo suối vào mùa lũ), thông với hang động Tú Làn.

Hang Tiên có tổng chiều dài gần 3km, gồm 2 nhánh là hang Tiên 1 và hang Tiên 2. Hang Tiên được cấu tạo khá đặc biệt, tạo thành nhiều đoạn hang với trần hang hình vòm, cao từ 30 - 100m, có chỗ trần hang hạ thấp dần theo kiểu mái xiên, trên trần hang có những vân đá nhiều màu, hình thù độc đáo. Do hang bị ngập nước vào mùa lũ nên nền hang được phủ một lớp cát mịn. Và nhờ ánh sáng mặt trời chiếu vào bên trong hang, nên thực vật tại đây phát triển khá tốt, góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên hang
Tiên đa màu sắc...

Không chỉ nổi tiếng với nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh, tâm linh, tín ngưỡng, huyện Tuyên Hoá còn có nền văn hóa truyền thống rất đặc sắc, như: lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Gianh; ca trù Phong Châu và hát Kiều ở Lâm Lang (xã Châu Hóa); nghề mây tre đan ở Mai Hóa, Kim Hóa...

Khơi dậy các tiềm năng

Dù có nhiều tiềm năng để phát triển ngành du lịch, nhưng trên thực tế, trong suốt một quãng thời gian dài, các tiềm năng và thế mạnh của ngành du lịch Tuyên Hóa vẫn chưa thực sự được "đánh thức" để khai thác hiệu quả, phát huy tác dụng, đóng góp hữu ích cho nền kinh tế của địa phương...

Ông Hồ Vũ Thường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: Tuyên Hoá là một huyện nghèo của tỉnh, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, địa hình trải dài, dân cư thưa thớt, cách xa với các vùng trung tâm kinh tế-thương mại...,

Non nước huyện Tuyên Hóa.
Non nước huyện Tuyên Hóa.

Vì vây, việc đầu tư phát triển ngành du lịch ở địa bàn trong suốt một thời gian dài gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bám sát định hướng về phát triển du lịch của tỉnh Quảng Bình, những năm gần đây, Tuyên Hóa đang từng bước đẩy mạnh các hoạt động để thúc đẩy phát triển ngành du lịch ở địa bàn.

Trước hết, huyện quan tâm bố trí kinh phí để bảo vệ, nâng cấp, giữ gìn các giá trị di tích lịch sử, danh thắng; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, lễ hội...; tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ nhà hàng, chợ, nhà nghỉ, khách sạn...; xây dựng nhiều mô hình sản xuất và khôi phục, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống nhằm tạo điểm tham quan cho du khách, đồng thời tiêu thụ sản phẩm, như: "Mật ong Tuyên Hoá", "Gà đồi Tuyên Hóa", hàng mây tre đan...; từng bước củng cố, hoàn thiện hệ thống giao thông, xây dựng nhiều cột ATM...

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình vừa thông qua quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích lịch sử hang Lèn Hà (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa) thành điểm du lịch. Tổng diện tích khu di tích là 12ha, được bố trí các khu chức năng, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan bảo đảm hài hòa, tạo nét riêng của một khu du lịch tâm linh. Điểm du lịch gồm khu tiếp đón khách tham quan, quảng trường, nhà khách và lưu niệm, di tích hang Lèn Hà, ao và giếng nước, nhà bia tưởng niệm, hầm trú ẩn và làm việc, nhà hội trường, nhà chỉ huy, nhà ở, nhà ăn, nhà bếp đại đội...

Ông Hoàng Minh Đề, Bí thư Huyện uỷ Tuyên Hóa chia sẻ mới đây, Đảng bộ huyện Tuyên Hoá đã tổ chức quán triệt cho toàn bộ cán bộ, đảng viên ở địa bàn tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16-1-2017 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, mới đây Thường vụ Huyện uỷ Tuyên Hóa đã giao cho UBND huyện Tuyên Hóa chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược để thúc đẩy phát triển ngành du lịch ở địa phương.

Văn Minh