.

Ngư Thủy Trung: Đa dạng hóa ngành nghề theo hướng bền vững

Thứ Năm, 25/05/2017, 10:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Là xã bãi ngang của huyện Lệ Thủy, kể từ sau sự cố môi trường biển của bốn tỉnh miền Trung, xã Ngư Thủy Trung đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu nhập và từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững.

Về xã Ngư Thủy Trung trong những ngày này, chúng tôi lại được chứng kiến cảnh hối hả ra biển của bà con sau gần một năm khai thác hải sản ngưng trệ. Nhiều người dân đem lưới ra chỉnh sửa để tiếp tục chuyến đi biển của mình. Xã Ngư Thủy Trung có 592 hộ/2.700 nhân khẩu, người dân chủ yếu bám biển để mưu sinh. Toàn xã hiện có 228 tàu thuyền đánh bắt gần bờ, trong đó 199 thuyền có đăng ký, hoạt động đánh bắt cá của bà con ngày càng đa dạng, có nhiều loại lưới được sử dụng để khai thác hải sản.

Là xã bãi ngang, ngoài 10 tiêu chí nông thôn mới xã đạt được, tiêu chí về thu nhập đã được hoàn thành từ năm 2014. Đây là tiêu chí khó đạt ở các địa phương khác hiện nay, đặc biệt là các xã vùng biển và khu vực miền núi. Thu nhập bình quân đầu người ở Ngư Thủy Trung hiện nay ước đạt 19,3 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ làm nghề biển, để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, Đảng ủy xã chỉ đạo chính quyền địa phương tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, ưu tiên cho chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế.

Nuôi ếch thương phẩm đang là mô hình kinh tế phát huy hiệu quả ở Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy).
Nuôi ếch thương phẩm đang là mô hình kinh tế phát huy hiệu quả ở Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy).

Mô hình đang được nhân rộng ở Ngư Thủy Trung là nuôi ếch thương phẩm trên cát. Hiện, toàn xã có hơn 70 hộ nuôi ếch thương phẩm đem lại thu nhập khá cho gia đình. Theo chân ông Ngô Tiến Dũng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Ngư Thủy Trung, chúng tôi tới thăm mô hình nuôi ếch giống của ông Ngô Văn Ngàn, thôn Thượng Nam. Ông Ngân là một trong những hộ nuôi ếch giống và ếch thương phẩm thành công của địa phương.

Cũng như những hộ dân khác, đi biển là nghề chính của gia đình ông, từ thuở lên 9, lên 10 ông đã theo cha đi biển, lớn lên, lấy vợ sinh con cũng bám lấy nghề vì không có nghề nào khác. Năm 2014, tình cờ xem ti vi thấy mô hình nuôi rắn hổ trâu mang lại hiệu quả, nhận thấy sức khỏe của bản thân cũng không thể đi biển mãi được, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi rắn hổ trâu, mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Thế nhưng, vì thiếu kinh nghiệm, nên mô hình nuôi rắn thất bại. Trong thời gian nuôi rắn, ông nuôi thêm ếch giống để lấy thức ăn cho rắn, nhưng cũng thiếu kinh nghiệm nên ếch con đều bị chết. Học hỏi trên sách báo, lấy kinh nghiệm từ thất bại những lần trước, cuối năm 2015, ông đã nuôi thành công con ếch giống trong ao vườn của mình.

Hiện nay, trang trại nuôi ếch của ông Ngàn được quy hoạch khá khoa học. Ếch bố mẹ được bố trí nuôi trong ao cá để cá tận dụng lượng phân do ếch thải ra. Khu vực nuôi nòng nọc được bố trí riêng biệt. Ông Ngàn cho biết, có nhiều mô hình nuôi ếch, nhưng ông chọn nuôi ếch giống trong bể xi măng và lót bạt. Ưu điểm của mô hình này là tận dụng được diện tích, dễ quản lý và theo dõi quá trình phát triển của ếch.

Mặt khác, dễ vệ sinh, phòng, chống bệnh tật và ngăn con vật khác ăn thịt ếch. Tính từ khi ếch đẻ trứng cho tới lúc xuất bán giống là 35 ngày. Năm 2016, ông xuất bán khoảng 300.000 con ếch giống thu về gần 300 triệu đồng, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng. Có nhiều kinh nghiệm nên mùa hè ông nuôi ếch giống, mùa đông ông nuôi ếch thịt để phục vụ dịp Tết Nguyên Đán vì lúc này ếch được giá.

Không chỉ nuôi ếch thương phẩm, nuôi lợn, gà cũng được bà con chú trọng. Năm 2016, toàn xã có 2.430 con lợn, 45.700 con gia cầm, có một gia trại nuôi chim cút với tổng đàn 17.000 con. Đặc biệt, địa phương tiếp tục duy trì phát triển 14 ha nuôi tôm trên cát, năm 2016, thu hoạch đạt 180 tấn;  các ngành nghề chế biến thủy hải sản, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn cũng được bà con chú trọng, đây là ngành nghề góp phần giải quyết việc làm cho nguồn lao động nông thôn hiện nay. Hiện, toàn xã duy trì 3 cơ sở thu mua thủy hải sản, 4 tổ chế biến nước mắm, 1 cơ sở chế biến hấp sấy mực, 2 cơ sở chế biến sứa, 2 cơ sở chế biến khoai deo hoạt động theo mùa vụ....

Theo ông Ngô Gia Ngãi, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Trung, để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, thời gian qua, xã luôn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giá trị và hiệu quả sản xuất; khuyến khích người dân đầu tư phương tiện ngư lưới cụ để đánh bắt thủy hải sản; chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch nuôi trồng thủy, duy trì diện tích ao hồ nuôi cá nước ngọt, đầu tư các loại giống cá có giá trị cao; tận dụng nguồn thức ăn có sẵn từ ngư nghiệp để chăn nuôi cá lóc, ếch thương phẩm, nuôi heo..., tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư nuôi tôm trên cát, nhân rộng các mô hình có hiệu quả, như: nuôi ếch, nuôi chim cút, trồng khoai lang trên cát...

Việc đa dạng hóa ngành nghề sản xuất là hướng đi đúng đắn ở Ngư Thủy Trung hiện nay nhằm khai thác tận dụng tiềm năng lợi thế sẵn có, đồng thời giảm thiểu rủi ro nếu một vài ngành nghề gặp khó khăn bế tắc. Tuy nhiên, cần thiết phải có định hướng và quy hoạch sản xuất ổn định lâu dài gắn với thị trường đầu ra, tính toán bài toán kinh tế một cách khoa học, không chạy theo nhu cầu hiện tại của thị trường, không sản xuất theo kiểu phong trào...., có như vậy, việc phát triển kinh tế mới ổn định và vững chắc.

Thanh Hoa