.

Thôn cồn nổi: Đóng mới tàu vươn khơi

Thứ Tư, 03/05/2017, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày cuối tháng tư, chúng tôi có dịp về với thôn Văn Phú (xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn). Dưới ánh nắng sớm của ngày mới, nơi bến sông, những con thuyền đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân trong thôn đang hối hả vươn khơi theo lịch trình chuyến biển xa.

Ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn cho biết, một năm sau sự cố môi trường biển, đời sống của người dân ở làng cồn nổi Văn Phú đang từng bước được khắc phục, phát triển sản xuất khi có nhiều tàu của ngư dân vươn khơi xa, nhiều tàu công suất lớn được đóng mới.

Những ngày này, dọc theo bến sông ở thôn Văn Phú, bà con ngư dân đang hối hả chuẩn bị ngư lưới cụ. Tiếng máy nổ, tiếng người gọi nhau... và cả những âm thanh rộn ràng trên “đường ray” vận chuyển đá lạnh xuống tàu đã tạo nên không khí khẩn trương, nhộn nhịp. Trò chuyện với lão ngư Hoàng Lý được biết, đây là thời điểm thuận lợi nên các tàu rất chu đáo cho chuyến vươn khơi xa. 

Đội thuyền đánh bắt xa bờ được đóng mới ở thôn Văn Phú (Quảng Văn, TX. Ba Đồn).
Đội thuyền đánh bắt xa bờ được đóng mới ở thôn Văn Phú (Quảng Văn, TX. Ba Đồn).

Xuôi theo dòng sông Gianh, không khí rộn ràng bao trùm cả làng chài Văn Phú, bởi đây là thôn có nghề đi biển truyền thống và đóng tàu đánh bắt xa bờ. Ông Cao Lâm Khang, Phó trưởng thôn Văn Phú cho biết, là địa phương có truyền thống làm nghề biển nên dù bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển, người dân trong thôn đã vượt qua khó khăn, giữ nghề để mưu sinh.

Hiện tại, ngoài 34 tàu đánh bắt xa bờ với công suất từ 750 đến 950CV, thôn còn có 11 chiếc đang đóng mới. Tiêu biểu như anh Hoàng Dương đóng mới thêm 2 tàu, trong đó, một tàu phục vụ hậu cần nghề cá dùng để thu mua hải sản và cung cấp vật phẩm cần thiết cho các tàu đánh bắt dài ngày trên biển; anh Hoàng Hải đóng mới một chiếc công suất lớn để vươn biển dài ngày...

Ngay bến sông thôn Văn Phú là hàng chục chiếc tàu của ngư dân đang được đóng mới còn tươi màu gỗ. Những người thợ khuôn mặt rám nắng hối hả tay búa trong tiếng máy cưa, máy bào ồn ào, náo nhiệt cả bờ sông.

Cùng phụ giúp với đoàn thợ đóng tàu, anh Hoàng Dương (sinh năm 1962) chia sẻ, để khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy hải sản, gia đình anh xác định phải đóng tàu mới công suất lớn, máy móc hiện đại để vươn khơi thì mới có thu nhập. Từ số tiền gia đình tiết kiệm được, anh đã mạnh dạn vay vốn tín dụng để đóng mới 2 tàu với số tiền trên 5 tỷ đồng. Sau khi hạ thủy, trên mỗi tàu sẽ tạo công ăn việc làm cho 12 bạn nghề với thu nhập bình quân từ 7 đến 12 triệu đồng tùy theo mỗi chuyến biển.

Xác định bám biển để bảo đảm cuộc sống, cũng giống như anh Hoàng Dương, Hoàng Hải, các anh Hoàng Dũng, Hoàng Văn Tình và nhiều hộ dân ở thôn Văn Phú cũng đã mạnh dạn vay vốn tín dụng để đóng mới những con tàu công suất trên 700CV để vươn khơi.

Anh Hoàng Văn Trường, tổ trưởng tổ hợp tác đánh bắt xa bờ thôn Văn Phú cho biết, chuyến ra khơi vừa rồi, hầu hết các tàu trong tổ đều trúng lớn, nên trừ chi phí, thu nhập của mỗi bạn nghề từ 9 đến 12 triệu/ người. Tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, đội tàu của tổ hợp tác đã mua sắm thêm ngư lưới cụ, thiết bị hiện đại để bám biển.

Tín hiệu được mùa cá, lại được giá, nên thời gian này, ngư dân ở làng biển Văn Phú đang khẩn trương ra khơi. Sau những ngày trên biển, đến lúc cập cảng, tàu nặng trĩu những khoang cá đầy, đây là niềm tin, động lực để ngư dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tiếp tục vươn khơi bám biển.

Tân Bình