.

Khi mật ong Minh Hóa được định danh

Thứ Năm, 27/04/2017, 09:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho mật ong Minh Hóa. Được bảo hộ trong 10 năm, nhãn hiệu sẽ là cơ hội để người nuôi ong huyện Minh Hóa tiếp tục đổi mới, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, vươn lên làm giàu.

 

Nhãn hiệu mật ong Minh Hóa.
Nhãn hiệu mật ong Minh Hóa.

Minh Hóa là huyện miền núi, có 89km đường biên giới giáp Lào. Toàn huyện có diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên là gần 117.000ha, trên 126.788ha đất rừng và đất lâm nghiệp. Nguồn hoa dồi dào từ rừng tự nhiên đã tạo điều kiện cho người dân trong huyện phát triển nghề nuôi ong lấy mật.

Năm 1997, Dự án an toàn lương thực đã mở nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ vốn cho hàng chục hộ dân trong huyện nuôi ong. Từ đó, phong trào nuôi ong bắt đầu phát triển mạnh, giúp cho nhiều người dân vươn lên thoát nghèo.

Đến nay, toàn huyện có hàng trăm hộ nuôi ong lấy mật với số lượng hàng chục nghìn đàn. Riêng Hội Nuôi ong Minh Hóa có hơn 122 hội viên với trên 13 nghìn đàn, chủ yếu là ong nội.

Trung bình mỗi năm, sản lượng mật khai thác được từ 130-150 tấn, mang lại nguồn thu nhập bình quân từ 120 đến 200 triệu đồng/năm/hộ. Các xã nuôi ong nhiều nhất là Xuân Hóa, Trung Hóa, Yên Hóa, Hồng Hóa...

Sản lượng mật ong khai thác ở Minh Hóa là rất lớn. Tuy nhiên, người nuôi ong gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Mật ong trên địa bàn chủ yếu là bán lẻ, chỉ được vài hộ nuôi quy mô lớn được một công ty có thương hiệu ở huyện Tuyên Hóa về thu mua. Xét về mặt chất lượng, sản phẩm mật ong Minh Hóa không hề thua kém những địa phương khác. Bởi mật ong vùng này đã tạo được thương hiệu, độ tin cậy trong lòng của người dân và khách du lịch.

Ông Đinh Long, Chủ tịch Hội Nuôi ong Minh Hóa khẳng định: “So với mật ong nuôi ở các tỉnh phía Nam hoặc phía Bắc, chất lượng mật ở Minh Hóa không hề thua kém, mang hương vị đặc trưng rất riêng biệt, được nhiều người ưa thích. Nhiều khách du lịch cũng thường tìm mua làm quà biếu cho người thân và họ đánh giá rất cao.

Nay, mật ong Minh Hóa đã có nhãn hiệu, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nạp thêm hội viên để phát triển nghề nuôi ong, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng mật mới cho dán nhãn, cung ứng ra thị trường”.

Ông Long là điển hình trong các hộ nuôi ong ở huyện Minh Hóa. Thời điểm cao nhất, ông nuôi hơn 200 đàn ong, thu nhập bình quân từ tiền bán mật và ong giống mỗi năm đạt từ 150 đến 200 triệu đồng. Hơn 20 năm làm nghề nuôi ong đã giúp gia đình ông thoát nghèo, con cái được học hành, khôn lớn.

Chị Đinh Thị Bàn, ở thôn Tiến Hóa 2, xã Hồng Hóa phấn khởi: “Trước đây, nhà tôi rất khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm mật ong. Bởi, nhìn chai mật bên ngoài, khách khó phân biệt được mật giả, mật thật, mật pha đường nên tỏ ra hoài nghi. Nhưng nay, mật ong nhà tôi được dán nhãn hiệu, hy vọng mật sẽ bán được nhiều và với giá cao hơn”.

Chị Bàn theo nghề nuôi ong từ năm 2011. Qua một thời gian tự tìm tòi, học hỏi, chăm sóc, chị đã nhân đàn ong của mình lên 50 đàn. Số lượng mật cũng đã bán được trên 50 triệu đồng/năm. Từ khi có nghề nuôi ong, chị Bàn không đi lấy măng, hái nấm nữa mà hàng ngày ở nhà theo dõi chăm sóc đàn ong, thu nhập từ nghề nuôi ong đã giúp cuộc sống gia đình chị cải thiện rất nhiều.

Sau những năm tháng gắn bó với quân ngũ, năm 2009, ông Đinh Xuân Khách, xã Xuân Hóa trở về quê hương làm nghề nuôi ong. Với lợi thế nhà ở gần rừng, lại được hỗ trợ từ các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo địa phương, ông Khách được tập huấn cách nuôi ong lấy mật. Ban đầu, gia đình ông chỉ nuôi 3 đến 4 đàn ong, sau đó phát triển lên 50 đàn. Đến nay, ông đã có trên 100 đàn. Năm 2016, ông đã đầu tư mua thùng quay mật, chai thủy tinh để khai thác, bảo quản mật an toàn, hợp vệ sinh.

Đàn ong của gia đình ông Đinh Xuân Khách, xã Xuân Hóa.
Đàn ong của gia đình ông Đinh Xuân Khách, xã Xuân Hóa.

Cũng trong năm này, ông Khách thu hoạch được 1,7 tấn mật, sau khi trừ chi phí, ông lãi ròng gần 200 triệu đồng. Ông Khách tâm sự: “Nhờ nuôi ong mà gia đình tôi từng bước vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, nghề nuôi ong cũng lắm vất, nhất là việc tiêu thụ. Nỗi lo lớn nhất là bên ngoài thị trường có nhiều loại mật ong thật giả lẫn lộn nên khách mua mật hay nghi ngờ chất lượng. Nhưng nay, mật ong Minh Hóa đã có nhãn hiệu nên chúng tôi rất yên tâm để bán”. 

Bà Đinh Thị Kim Quý, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Minh Hóa cho rằng: “Khi mật ong Minh Hóa đã có nhãn hiệu, bắt buộc người sản xuất mật phải liên kết cùng nhau để tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, đồng thời số lượng đủ để cung ứng liên tục cho nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở Minh Hóa vẫn còn rất nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa tập trung, “non” tay nghề.

Bên cạnh đó, để mật ong Minh Hóa vươn xa ra thị trường lớn, chúng tôi sẽ tập trung vào khâu quảng bá, tuyên truyền giới thiệu cho bạn bè trong nước và quốc tế. Bởi, hiện nay lượng khách du lịch đến Quảng Bình nói chung và Minh Hóa nói riêng đang ngày càng tăng”.

Việc công nhận nhãn hiệu cho mật ong Minh Hóa sẽ tạo động lực lớn cho người dân mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, để thương hiệu tìm được chỗ đứng trên thị trường đòi hỏi các cấp chính quyền, tổ chức hội phải có thêm những giải pháp tích cực để hỗ trợ cho người nuôi ong.

Xuân Vương