.

Khi hợp tác xã tiếp sức nông thôn mới

Thứ Hai, 03/04/2017, 07:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Hợp tác xã (HTX) là một trong những trụ cột chính, giữ vai trò trung tâm trong việc tổ chức sản xuất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn. Với vai trò đó, HTX được ví như những “trợ thủ” đắc lực, góp sức cùng các địa phương hoàn thiện công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, để điều đó trở thành hiện thực chẳng những đòi hỏi tự thân các HTX phải thực sự chuyển mình, mà còn cần sự tiếp sức tích cực hơn từ phía các cấp, các ngành.

Ông Võ Văn Khinh, Giám đốc HTX sản xuất-kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong, xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy) cho biết: “Để hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM, vai trò của HTX là cực kỳ quan trọng. Bởi, thông qua các chương trình hoạt động, tổ chức sản xuất, kinh doanh của mình, HTX sẽ góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống của người dân. Đồng thời, đó cònlà động lực góp phần thúc đẩychương trình xây dựng NTM của địa phương về đích đúng kế hoạch đã đặt ra”.

Bộ mặt nông thôn ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) “lột xác” sau 6 năm thực hiện chương trình NTM.
Bộ mặt nông thôn ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) “lột xác” sau 6 năm thực hiện chương trình NTM.

Theo ông Khinh, từ lúc chương trình xây dựng NTM bắt đầu triển khai, HTX Thượng Phong chưa bao giờ đứng ngoài cuộc trong quá trình địa phương này thực hiện chương trình xây dựng NTM, từ công tác tuyên truyền, vận động các thành viên của HTX, đến việc đứng ra đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; đầu tư, xây dựng, quản lý các công trình văn hóa-xã hội trên địa bàn. Từ năm 2011, bằng nguồn vốn tự có, mỗi năm trung bình HTX, đầu tư 300 triệu để làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng.

Đến nay, đã có hơn 80% tuyến kênh mương, giao thông nội đồng được bê-tông và cứng hóa. HTX cũng đã tiến hành dồn điền đổi thửa và thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 50ha. Ngoài ra, từ năm 2012, HTX còn đứng ra làm đầu mối tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân. Mỗi năm trên 50% sản lượng lúa của người dân nơi đây được tiêu thụ thông qua "cầu nối" liên kết giữa HTX với Công ty giống cây trồng Quảng Bình.

“Mục tiêu của HTX chính là mang lại lợi ích cho mỗi thành viên và cộng đồng. Nguồn lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh đều được HTX đầu tư lại cho các công trình công cộng và các công trình phục vụ cho sản xuất.

Cụ thể, HTX đã đầu tư xây dựng 7 nhà văn ở 7 xóm (trị giá mỗi nhà từ 150 đến 200 triệu đồng); lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường nội thôn (với kinh phí hơn 200 triệu đồng); đầu tư hơn 100 triệu đồng nâng cấp công trình nước sạch, hợp vệ sinh cung cấp cho nhân dân”, ông Khinh cho biết.

Rõ ràng, sự chủ động đồng hành của HTX Thượng Phong trong quá trình xây dựng NTM ở địa phương này, chẳng những làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn nơi đây, mà còn tiết kiệm một khoản đầu tư không nhỏ từ ngân sách Nhà nước, đưa xã Phong Thủy trở thành một trong những xã cán đích NTM sớm nhất của huyện Lệ Thủy.

Tuy nhiên, nói đến đây sẽ có người cho rằng, dễ gì có được mấy HTX nông nghiệp có đủ tiềm lực và khả năng để làm được điều đó?. Trả lời câu hỏi này, ông Đoàn Văn Tiến, Giám đốc HTX sản xuất-kinh doanh-dịch vụ nông nghiệp Trúc Ly, xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) cho rằng, lẽ dĩ nhiên, chuyện HTX đồng hành cùng NTM, không phải trong ngày một ngày hai mới cho thấy rõ hiệu quả, nhất là khi tiềm lực và khả năng của phần lớn các HTX còn nhiều hạn chế.

Nhận thức được điều đó, bằng chính khả năng của mình, những năm qua, HTX Trúc Ly đã chú trọng đến việc tổ chức lại sản xuất hợp lý hơn trên cánh đồng, bằng cách thực hiện dồn điền đổi thửa, chuyển đổi các diện tích trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản như nuôi cá, tôm sú...

Từ năm 2011 đến nay, HTX đã chuyển đổi được 30ha, nâng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 46ha. “Chính sách, chủ trương đúng cùng với hiệu quả kinh tế mang lại cao (nuôi trồng thủy sản cao gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa), từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân, đã khiến cho người dân thêm vững tin vào việc tổ chức sản xuất của HTX”, ông Tiến chia sẻ.

Ông Phạm Văn Dần, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Ninh đánh giá, với một xã nông nghiệp như Võ Ninh, thì các HTX như là “cánh tay nối dài” của chính quyền trong việc quản lý, điều hành và thực hiện các chính sách, chủ trương phát triển kinh tế-xã hội, qua đó góp phần quan trọng đưa xã Võ Ninh cán đích NTM trong năm 2016.

Sự chung tay góp sức của các HTX trên địa bàn đã thực sự tác động và làm thay đổi nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM của xã như: tổ chức sản xuất, giao thông, thủy lợi nội đồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, về lâu dài, các HTX cần phải mạnh dạn và chủ động hơn nữa trong việc hoạch định kế hoạch sản xuất, khai thác các thế mạnh của địa phương, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Ở Võ Ninh còn một số tiềm năng chưa được khai thác như phát triển sản xuất rau sạch, nuôi trồng thủy sản, phát triển gia trại trang trại.

Theo ông Nguyễn Quốc Út, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho hay, mục tiêu cốt lõi của Chương trình xây dựng NTM là phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở vùng nông thôn. Nếu địa phương nào không tổ chức được sản xuất thì chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu xây dựng NTM. Bởi, về trước mắt lẫn lâu dài, việc tổ chức sản xuất ở các địa phương sẽ có tác động đến nhiều tiêu chí khác. Điều này đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của bộ máy quản lý HTX ở các địa phương.

80% tuyến kênh mương, giao thông nội đồng đã được HTX Thượng Phong, xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy) bê tông và cứng hóa.
80% tuyến kênh mương, giao thông nội đồng đã được HTX Thượng Phong, xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy) bê tông và cứng hóa.

Hiện nay, mặc dù Chương trình xây dựng NTM đã đi được một chặng đường khá dài và có nhiều địa phương đạt chuẩn NTM, tuy nhiên phần lớn các HTX vẫn chưa thực sự phát huy vai trò và chưa có dấu ấn đậm nét. Tiềm lực không mạnh, khả năng và năng lực điều hành hạn chế đã khiến cho không ít HTX dường như đang “đứng ngoài cuộc” trong việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Một khi địa phương chưa chủ động tổ chức sản xuất lại trên cánh đồng, thì khó có thể nói đến chuyện nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân một cách bền vững.

Ở một khía cạnh khác, trong khi thực tế việc tích tụ ruộng đất còn hạn chế, dẫn đến nền sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa tạo ra được chất lượng sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, thì nền sản xuất nông nghiệp  càng phải cần đến vai trò “kết nối”, tổ chức của các HTX. Hiện, mục tiêu của chúng ta đang hướng đến là xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, trong đó, vai trò của HTX được xem như một đầu mối kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị, từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Quốc Út gợi ý, Luật Hợp tác xã 2012 được coi là cơ hội và là động lực để các HTX "lột xác", khẳng định được vị trí và vai trò của mình trong nền kinh tế quốc dân. Lẽ dĩ nhiên, để đạt được mục tiêu đó, chẳng những đòi hỏi chính sự thay đổi của các HTX, mà còn cần sự “tiếp sức” tích cực hơn từ phía chính quyền các cấp, các ngành, bằng các chủ trương như: thu hút đầu tư vào nông nghiệp mạnh hơn, tìm kiếm các doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ để giải quyết “bài toán” đầu ra cho nông sản...

Hiện nay, mặc dù Chương trình xây dựng NTM đã đi được một chặng đường khá dài và có nhiều địa phương đạt chuẩn NTM, tuy nhiên phần lớn các HTX vẫn chưa thực sự phát huy vai trò và chưa có dấu ấn đậm nét. Tiềm lực không mạnh, khả năng và năng lực điều hành hạn chế đã khiến cho không ít HTX dường như đang “đứng ngoài cuộc” trong việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Dương Công Hợp